Tuyên án vụ khủng bố ở Đắk Lắk
Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 20/1, HĐXX Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tuyên án đối với 100 bị cáo trong vụ khủng bố gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại địa phương.
Trước đó, từ ngày 16/1, phiên tòa sơ thẩm trên đã xét xử 53 bị cáo về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”; 39 bị cáo về tội “Khủng bố”; 1 bị cáo về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép”; 1 bị cáo về tội “Che giấu tội phạm”. Ngoài ra, có 6 bị cáo ở nước ngoài (Y Mút Mlô, Y Bút Êban, Y Niên Êya, Y Čik Niê, Y Chanh Byă và Y Quynh Bdap) bị xét xử vắng mặt tội “Khủng bố”.
Sau 5 ngày làm việc, HĐXX đã đánh giá toàn bộ tài liệu chứng cứ, nguyên nhân và điều kiện phạm tội, tính chất, mức độ phạm tội để quyết định hình phạt phù hợp đối với từng bị cáo. Qua đó, vừa đảm bảo sự nghiêm minh, tính răn đe, vừa đảm bảo sự khoan hồng, tính giáo dục, nhân văn của pháp luật; đồng thời thể hiện đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo trong tình hình hiện nay.
Theo đó, HĐXX nhận định, hành vi mà 100 bị cáo gây ra là cực kỳ nghiêm trọng, xâm hại đến nền an ninh quốc gia. Các bị cáo đã trực tiếp tước đoạt tính mạng của 9 người (trong đó có 4 chiến sĩ công an, 2 cán bộ xã và 3 người dân), làm nhiều người khác bị thương; đập, đốt phá tài sản, tài liệu của các cơ quan Nhà nước, tài sản của người dân… (tổng thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng); gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự. Hành vi của các bị cáo đã để lại hậu quả vô cùng lớn, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Vụ khủng bố vừa qua, các bị cáo đã nung nấu, lên kế hoạch từ lâu; có tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người. Các bị cáo đã liều lĩnh, quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, để lại mất mát rất lớn cho gia đình các nạn nhân, Nhà nước… Có bị cáo đã từng vi phạm, phạm tội, bị nhắc nhở, kiểm điểm, bị phạt tù…, nhưng vẫn tái phạm.
HĐXX nhận thấy, cần có một bản án nghiêm khắc cho những hành động mà các bị cáo đã gây ra nhằm răn đe. Tuy nhiên, quá trình xem xét đánh giá toàn bộ vụ án, HĐXX nhận thấy, sau khi gây ra vụ việc, các bị cáo đã nhận tội, ăn năn hối hận, xin khoan hồng… Nhiều bị cáo có trình độ nhận thức thấp, thiếu hiểu biết pháp luật, nhẹ dạ cả tin; có bị cáo bị đe dọa, bắt tham gia vào tổ chức, hoạt động khủng bố. Sau khi gây án, một số bị cáo đã ra đầu thú. Nhiều bị cáo sống tại vùng kinh tế khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo…
Nhằm thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước Việt Nam, HĐXX tuyên phạt tù chung thân 10 bị cáo có vai trò chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp lôi kéo, rủ rê, mua vũ khí, lương thực, luyện tập võ thuật cho các thành viên; lên kế hoạch, chỉ huy, trực tiếp tham gia vào hoạt động khủng bố gồm: Y Sôl Niê, H Wuên Êban, Y Jŭ Niê; Y Thô Ayŭn; Y Tim Niê…
Các bị cáo còn lại bị tuyên ở mức cao nhất 20 năm tù, thấp nhất 3 năm 6 tháng tù. Riêng bị cáo Lê Văn Nghĩa (tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép”) bị phạt 2 năm tù. Bị cáo Y Čing Byă (bị truy tố về tội “Che giấu tội phạm”) 9 tháng tù.
Ngoài chịu hình phạt, các bị cáo còn phải liên đới bồi thường thiệt hại đã gây ra cho Nhà Nước, các nạn nhân, gia đình người bị hại… Mức bồi thường do HĐXX căn cứ vào hành vi, tính chất, mức độ vi phạm của từng bị cáo.
Trong đêm 10/6 và rạng sáng 11/6/2023, nhóm khủng bố đã tấn công vào trụ sở 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur, làm chết 9 người và nhiều người khác bị thương; phá hủy tài sản, tài liệu quan trọng của cơ quan Nhà nước; gây bức xúc trong nhân dân; ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Người mẫu Ngọc Trinh sắp hầu tòa
Như Dân Việt đã thông tin: TAND TP.HCM ra quyết định đưa vụ án Trần Thị Ngọc Trinh (người mẫu, diễn viên Ngọc Trinh, 35 tuổi) ra xét xử vào ngày 2/2 về tội Gây rối trật tự công cộng theo khoản 2, Điều 318 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 2-7 năm tù.
Trần Xuân Đông (36 tuổi, thầy dạy lái xe của Ngọc Trinh) bị truy tố về tội Gây rối trật tự công cộng và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức.
Một số người liên quan đến ekip chụp hình, quay phim cho người mẫu cũng bị triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền nghĩa vụ liên quan.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cáo trạng của Ngọc Trinh, do thời hạn tạm giam đã hết, TAND TP.HCM đã gia hạn tạm giam đối với bị cáo để phục vụ công tác xét xử.
Theo cáo trạng, dù không có giấy phép lái xe hạng A2, nhưng Ngọc Trinh vẫn cùng thầy dạy lái là Trần Xuân Đông nhiều tổ chức, thực hiện hành vi điều khiển xe mô tô phân khối lớn với các động tác nguy hiểm, phản cảm… gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Sau đó, Ngọc Trinh đã cho tổ chức quay phim, biên tập lại rồi đăng các clip lên các tài khoản mạng xã hội có số lượng người theo dõi lớn, gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự trên không gian mạng.
Qua điều tra, công an còn xác định, liên quan đến mô tô mang BKS 59A3-115.88, bị can Đông đã xuất trình giấy chứng nhận đăng ký số 122678 là giả. Người này thừa nhận mặc dù biết giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô giả, nhưng vì thấy xe giá rẻ nên vẫn cố ý mua về sử dụng.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng – Văn phòng luật sư Nhân Chính (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hiện Ngọc Trinh đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng quy định tại khoản 2, Điều 318 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt cao nhất tại khoản này lên đến 7 năm tù.
Đối chiếu theo phân loại tội phạm, đây là loại tội nghiêm trọng. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự, không bắt buộc áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng.
Trường hợp tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng bị can chỉ bị tạm giam nếu có căn cứ cho rằng đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội; có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Ngoài ra, tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 2 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
Tuy nhiên, theo luật sư Đồng, trong vụ án này do đã có cáo trạng truy tố và hiện tại hồ sơ vụ án đã được chuyển sang tòa án, vì vậy thẩm quyền thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Ngọc Trinh do tòa án quyết định.
Trường hợp không có căn cứ để thay đổi biện pháp từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú (tại ngoại), tòa án tiếp tục gian hạn thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm.
Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự căn cứ theo Điều 277 Bộ luật Tố tụng hình sự là 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 và 3, Điều 278 Bộ luật Tố tụng hình sự, thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản, Điều 277.
Còn đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa mà thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử, HĐXX ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa.
Sau này khi quyết định hình phạt, tòa án sẽ tính thời gian tạm giam Ngọc Trinh sẽ được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, cứ 1 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 1 ngày tù.
Từ phân tích trên, luật sư Đồng cho rằng, TAND TP.HCM gia hạn tạm giam đối với Ngọc Trinh để phục vụ công tác xét xử là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.
Hai nghi phạm cướp ngân hàng ở Quảng Nam bị bắt khi lẩn trốn tại Thừa Thiên Huế
Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 20/1, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lực lượng thuộc cơ quan này vừa bắt giữ hai nghi phạm có hành vi cướp tài sản tại một ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Các đối tượng bị bắt giữ gồm: Trần Đông Lập (SN 1990, trú tại Thu Bồn Tây, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) và Đặng Văn Được (SN 1999, trú tại Phú Dương, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Theo thông tin ban đầu, ngay khi nhận được tin báo của Công an tỉnh Quảng Nam có hai đối tượng gây ra vụ cướp ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang trên đường chạy trốn, Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhanh chóng chỉ đạo công an các đơn vị địa phương triển khai phối hợp bắt giữ đối tượng.
Triển khai linh hoạt, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện A Lưới và Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát hiện hai nghi phạm đang lẩn trốn trên địa bàn huyện A Lưới và tiến hành triển khai lực lượng bắt giữ.
Bước đầu, các đối tượng Lập và Được khai nhận, trước đó do nợ nần nên hai đối tượng đã bàn nhau đi cướp tài sản. Vào lúc 10h ngày 19/1, hai đối tượng đã xông vào một chi nhánh ngân hàng ở xã Duy Hoà, (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) dùng hung khí khống chế bảo vệ và nhân viên ngân hàng để cướp tài sản.
Khi phát hiện tiếng chuông báo động của ngân hàng vang lên, hai đối tượng hoảng sợ bỏ chạy.
Vào lúc 12h ngày 20/1, khi 2 đối tượng đang lẩn trốn trên địa bàn huyện A Lưới thì bị lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế nhanh chóng bắt giữ cùng phương tiện gây án.
“Trùm giang hồ” Phan Sinh Thành lĩnh án
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 20/1, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Bình đã xử và tuyên án “trùm giang hồ” Phan Sinh Thành cùng đồng bọn trong vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích” và “Cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại cảng Phước Thịnh, xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Nhóm đối tượng bị truy tố gồm có: Phan Sinh Thành (SN 1982) – Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thành Phát; Ngô Mạnh Linh (SN 1987); Phạm Văn Hân (SN 1991) và Trần Ánh Phúc (SN 1991); Phạm Ngọc Sơn (SN 1984) và Nguyễn Trung Thành (SN 1996).
Theo kết quả điều tra của Viện KSND tỉnh Quảng Bình, từ tháng 6/2021 đến tháng 8/2021, Ngô Mạnh Linh và Phan Sinh Thành đã có hành vi đe dọa, ép buộc vợ chồng chị Mai Thị Nhiên, Nguyễn Quyết Thắng và vợ chồng chị Lê Thị Thu Hoành, Phạm Trung Thăng, là những thương lái buôn bán hải sản ở Hà Tĩnh, phải vào cảng Phước Thịnh đang xây dựng (chưa được cấp phép) ở xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) thu mua sò biển, để Linh và Thành thu tiền trên số kg sò mua được.
Ngày 11/8/2021, Phan Sinh Thành, Ngô Mạnh Linh, Phạm Văn Hân và Trần Ánh Phúc đã vô cớ trực tiếp nhảy qua tàu Hải Đăng dùng hung khí là kiếm, móc sắt đánh, chém gây thương tích cho các anh Nguyễn Khánh Hải và anh Hồ Minh Tuân.
Với tội danh này, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Phan Sinh Thành và Ngô Mạnh Linh 9 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, 36 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, tổng hình phạt 45 tháng tù.
Bị cáo Phạm Văn Hân và Trần Ánh Phúc 9 tháng tù, về tội “Cố ý gây thương tích”. Bị cáo Phạm Ngọc Sơn và Nguyễn Trung Thành 6 tháng tù, về tội “Cố ý gây thương tích”.
Liên quan tới “trùm giang hồ” Phan Sinh Thành, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định ông Lê Đắc Thanh – Cựu Trưởng phòng 2 Viện KSND tỉnh Quảng Bình đã nhận tiền của gia đình “trùm giang hồ” này qua một người môi giới trung gian với tổng số tiền 680 triệu đồng để “chạy án”.
Trước đó, TAND tỉnh Quảng Bình phải tạm dừng phiên toà xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích” và “Cưỡng đoạt tài sản” liên quan đến Phan Sinh Thành và chuyển hồ sơ vụ án lên Cục Điều tra Hình sự – Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để điều tra tội “Môi giới hối lộ”.
Tại phiên tòa này, Phan Sinh Thành đã trực tiếp gửi đơn tố cáo kiểm sát viên Lê Đắc Thanh – người giữ quyền công tố tại phiên tòa, việc ông này nhận hàng trăm triệu đồng tiền hối lộ để “chạy án” từ ông Nguyễn Đức Thuận (ở xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Ông Thuận sau đó đã bị cơ quan chức năng bắt để điều tra về hành vi “Môi giới hối lộ”. Đến giữa năm 2023, ông Lê Đắc Thanh cũng bị khởi tố và bắt tạm giam về tội “Nhận hối lộ”.
Bắt cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Quảng Trị
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 20/1, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can và lệnh khám xét nơi ở, chỗ làm việc đối với Đào Xuân Hùng (SN 1985, trú tại khu phố 2, phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2, Điều 285 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị đọc lệnh bắt Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Trần Khôi
Căn cứ kết quả điều tra mở rộng vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” xảy ra tại UBND phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Phòng Cảnh sát kinh tế đã ra quyết định khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Quảng Trị – Chi nhánh thành phố Đông Hà.
Từ kết quả điều tra, cơ quan chức năng xác định Đào Xuân Hùng cán bộ của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Quảng Trị – Chi nhánh thành phố Đông Hà đã thiếu trách nhiệm trong quá trình kiểm tra, thẩm định hồ sơ, tham mưu, xác nhận điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây hậu quả thiệt hại số tiền 5,3 tỷ đồng cho Nhà nước.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Một số cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Quảng Trị – Chi nhánh thành phố Đông Hà đang bị điều tra hành vi có dấu hiệu tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ảnh: Ngọc Vũ
Trước đó, ngày 29/9/2023, TAND tỉnh Quảng Trị đã xét xử vụ án hình sự sơ thẩm đối với 2 bị cáo Nguyễn Bá Thi (SN 1979) – nguyên Phó Chủ tịch UBND phường và Nguyễn Thị Hồng Hải SN (1983) – nguyên cán bộ Địa chính – Xây dựng – Môi trường phường 5, thành phố Đông Hà về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, Thi và Hải đã cố ý xác nhận sai nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất của bà Trương Thị Hảo (SN 1962, trú tại phường 5, thành phố Đông Hà), dẫn đến việc bà Hảo được UBND thành phố Đông Hà cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không phải nộp tiền thuế sử dụng đất, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,3 tỷ đồng.
HĐXX TAND tỉnh Quảng Trị tuyên phạt Nguyễn Bá Thi 6 năm tù và Nguyễn Thị Hồng Hải 5 năm tù. Ảnh: Ngọc Vũ
HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bá Thi 6 năm tù giam, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Hải 5 năm tù giam. Buộc bà Trương Thị Hảo nộp lại 5,3 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước theo yêu cầu của UBND thành phố Đông Hà.
Trong vụ án này, ông Đào Xuân Hùng và ông Đặng Trọng Tân, công tác tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Quảng Trị – Chi nhánh thành phố Đông Hà là cán bộ trực tiếp xác minh nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất của bà Hảo. Một số cán bộ khác thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Quảng Trị – Chi nhánh thành phố Đông Hà và Phòng TNMT thành phố Đông Hà cũng đang bị điều tra liên quan vụ án đất đai của Thi và Hải.
Tin An Ninh Hinh Su