“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” bị phá nát?
Trong 3 ngày 12, 13 và 14/1 vừa qua, vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” – một vở kịch được xem là kinh điển nhất trong gia tài kịch của cố tác giả Lưu Quang Vũ, do đạo diễn người Nhật Tsuyoshi Sugiyama dàn dựng đã chính thức công diễn tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Ở phần giới thiệu mở màn, nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp gọi đây là vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản 2024 để nhấn mạnh sự khác biệt và mới mẻ của vở kịch.
“Các vở kịch của Lưu Quang Vũ có sự công phá trái tim người hâm mộ, bất chấp sự xung đột văn hóa, chính trị, xã hội. Tác phẩm của ông có tính dân tộc, sự hài hước, chạm tới nỗi đau và có tính phổ quát vượt thời gian. Trong số đó, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là kịch bản đặc biệt nhất, nổi tiếng nhất của ông. Ông lấy tích truyện dân gian để truyền tải những phản tương nhân văn. Đây cũng là vở diễn thành công bậc nhất của ông khi ra mắt khán giả nhưng hơn 30 năm trôi qua chưa có bất kỳ bản dựng nào mới.
Lưu Quang Vũ đã viết một vở kịch vừa bi, vừa hài, bắt đầu bằng cái chết và đó là cơ hội để chúng ta cùng nhau suy tư về sự sống. Chúng tôi tin rằng, vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản 2024 với sự kết hợp quốc tế giữa đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama và nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp cùng các diễn viên tài năng mang đến một bất ngờ sắc bén và đẹp đẽ cho công chúng. Từ đó, góp phần đem kịch của Lưu Quang Vũ bước ra thế giới”, Nguyễn Hoàng Điệp phát biểu.
Đúng như lời giới thiệu, vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản 2024 đã mang đến những sự mới mẻ và lạ lẫm chưa từng có. Và nếu ai muốn đi xem vở kịch này để tìm lại ký ức ngày xưa thì chắc hẳn sẽ rất thất vọng. Thậm chí, với những người hơi thủ cựu, việc làm mới vở kịch kinh điển của Lưu Quang Vũ kiểu này chẳng khác gì “phá nát” vở kịch.
Ngay ở màn đầu tiên, khi các nhân vật diện trang phục hiện đại đi lại trên sân khấu, rồi ba nhân vật Nam Tào – Bắc Đẩu – Đế Thích đối thoại với nhau… không ít người phải ngơ ngác, bật ngửa. Những tràng thoại “không đầu không cuối” và những bộ trang phục chẳng liên quan gì đến “quan nhà trời” khiến mọi sự trở nên rối rắm. Nhưng khó hiểu hơn cả là tiên cờ Đế Thích – vai diễn từng làm nên tên tuổi của cố NSND Trần Tiến ở phiên bản do đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dàn dựng hơn 30 năm trước nay mang hình hài của một người nữ.
Các diễn viên không cài micro như thường thấy, đối thoại với nhau mà mặt hướng xuống khán giả, sân khấu tối giản đến mức gần như không có gì, âm thanh của toàn vở diễn là tiếng đàn guitar điện tử được chơi trực tiếp trên sân khấu… Tuy nhiên, vở diễn dám mang thịt lợn thật lên sân khấu khi diễn cảnh Trương Ba chặt thịt giúp vợ anh hàng thịt, con dâu Trương Ba hắt nước thật vào mặt bố chồng, cô gái đại diện cho chính quyền tát bôm bốp vào mặt cấp dưới chứ không hề diễn, con người tha hóa tới mức sủa thành tiếng chó và bò bốn chân như chó… Những chi tiết này đã mang đến những hiệu ứng thị giác và thính giác đặc biệt cho người xem. Nó “phá vỡ” các nguyên tắc mang tính chuẩn mực của sân khấu Việt Nam truyền thống. Nhưng cũng đã bật lên “tiếng nói” trần trụi và gai góc về những mặt trái của một xã hội hiện đại.
Ngoài việc vẫn trung thành với nội dung và lời thoại, vở kịch còn mở rộng thêm nhiều góc nhìn để truyền tải đa thông điệp hơn. Đó là con người không nên bất tử bởi bất tử không hề sung sướng như ta tưởng và người già cũng không nên hồi sinh mà chỉ nên hồi sinh người trẻ bởi họ còn có cả một tương lai; trong cuộc đời có những sai lầm có thể sửa được nhưng có những sai lầm không thể khắc phục được; với sinh mạng của một con người thì mọi sự ẩu tả đều gây hậu quả nghiêm trọng; tiên hay người thì cũng cần được sống đúng là mình chứ không phải sống trong vỏ bọc…
Thay đổi thói quen và tư duy của khán giả xem kịch
Nhà văn Nguyễn Thành Phong cho rằng, vở kịch được đạo diễn Tsuyoshi Sugiyamadàn dựng mới lạ thế này chắc chắn sẽ tạo nên nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, thậm chí sẽ có những tranh luận gay gắt về những phá cách đối với một vở kịch đã trở nên kinh điển của cố tác giả Lưu Quang Vũ.
“Tôi là người đã xem say mê vở kịch này trước đây, nay lại càng háo hức chờ xem vở dựng mới. Xem xong rồi, thấy có nhiều thích thú, nhưng cũng lắm bỡ ngỡ, phân vân… Nhưng vẫn thấy rằng, đã sống trải rồi thì việc được xem cả hai phiên bản cách xa nhau dài thời gian như thế cũng là một điều rất đáng lấy làm thú vị”, nhà văn Nguyễn Thành Phong bộc bạch.
Trong khi đó, nhà văn Tạ Duy Anh cũng cảm nhận: “Vở diễn đã mở ra một hướng tiếp cận mới, với một tác phẩm có thể nói đã thuộc vào hàng “kinh điển”. Nó luôn cần được hiểu lại, được khán giả sáng tạo tiếp, được nối dài đời sống. Nó phế bỏ vị trí độc tôn của tác giả, với tư cách như một người phát ngôn định hướng. Nói khác đi, thứ mà tác giả đưa ra, đặt trong một thời cuộc khác, cần được diễn giải khác và ông ta chẳng liên quan gì mấy. Bởi suy cho cùng, một tác phẩm nghệ thuật thực sự lớn không chỉ cần phải sống với thời gian, mà còn cần lớn lên với thời gian. Mỗi vai diễn giờ đây không còn vị thế chính phụ, trong đó các vai phụ chỉ nhằm phục vụ cho toàn bộ ý đồ gửi vào vai chính. Mỗi vai diễn giờ đây là một nguồn phát sáng độc lập. Đặc biệt, vở diễn có nhiều đề xuất cách tân hình thức sân khấu.
Tuy nhiên, nhiều chỗ còn thiếu kiềm chế cảm xúc khi mải mê theo đuổi mục tiêu đưa ra ý tưởng, khiến hành động kịch bị cường điệu quá mức, làm mờ đi chiều sâu của điều mà cái hành động đó muốn nói. Nhiều chỗ khiến người xem còn có cảm giác phải “chịu đựng” do thiếu những “xen” hài hước. Cái gì mới cũng gây ra những phản ứng trái chiều. Thành công hay thất bại của vở diễn, còn phải chờ ở khán giả và thời gian. Nhưng điều đáng ghi nhận trước tiên là tính nghiêm túc của những chí hướng nghệ thuật mà ê-kíp thực hiện”.
Thực tế là vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản 2024 gần với một tác phẩm sân khấu thể nghiệm hơn là tác phẩm sân khấu thông thường. Trong đó, các hình thức biểu đạt của sân khấu hiện đại đã gần như xóa đi phần lớn “dấu vết” của vở kịch đã tồn tại trước đó.
Những yếu tố mới lạ thông qua trang phục, lời thoại, âm nhạc, bối cảnh, lối diễn… được xem như một cách làm mạo hiểm bởi nó có thể mang đến đa trải nghiệm cho người xem nhưng cũng có thể mang đến sự tranh cãi hoặc tẩy chay. Điều quan trọng là ê-kíp vở diễn đã dám làm điều đó để thay đổi thói quen và tư duy của khán giả khi xem kịch. Nó góp phần làm cho sân khấu Việt Nam đa hình thái hơn và hội nhập quốc tế hơn. Và nó cũng mở ra hy vọng mới về những sân khấu độc lập trong tương lai – những sân khấu mà ở đó họ dám làm những điều mới mẻ.
Bằng chứng cho sự chưa thất bại của “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản 2024 là cả 3 đêm diễn đều chật cứng khán giả. Dù có rất nhiều người không chấp nhận hình thức biểu đạt quá lạ lẫm của vở diễn nhưng vẫn ở lại đến cuối để xem chuyện gì sẽ xảy ra. Nghĩa là họ ít nhất vở diễn cũng đã có gì đó để khiến họ không vội vàng từ bỏ sân khấu khi ngồi chưa ấm chỗ. Và những ý kiến trên mạng xã hội sau khi xem vở diễn cũng không gay gắt tới mức đẩy vở kịch đến bờ… đắp chiếu.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet