Sư thầy Thích Chân Pháp Khâm là đệ tử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Từ năm 2005, trong vai trò thành viên giáo thọ Làng Mai tại Châu Á, thầy Pháp Khâm đã giảng dạy nghệ thuật sống chánh niệm và giúp thành lập các cộng đồng tu tập tại Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines, Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…
Thầy Pháp Khâm hiện là Viện trưởng Viện Phật học ứng dụng Châu Á và là Giám đốc Trung tâm Sức khoẻ Thân tâm Thở và Cười tại Hong Kong. Năm 2012, thầy thiết lập liệu pháp Niệm sinh An lạc: Nếp sống an lành, (Mindfulness Born Peace and Happiness: A Way of Wellbeing), ứng dụng chánh niệm và tâm lý học Phật giáo vào ngành sức khỏe thân tâm, đặt biệt là lĩnh vực tâm lý trị liệu.
Mới đây, thầy Thích Chân Pháp Khâm đã phát hành hai cuốn sách Cơm sôi nhỏ lửa và Cách mạng liệu pháp thư giãn.Nhân sự kiện ra mắt sách, thầy Pháp Khâm mong muốn ghi ơn và vinh danh hai vị tiên phong trong lĩnh vực sức khỏe thân tâm là Bác sĩ Herbert Benson (1935-2022) và Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022).
Thầy Thích Chân Pháp Khâm đã dành cho Dân Việt một cuộc trò chuyện.
Thưa thầy, Cơm sôi nhỏ lửa và Cách mạng liệu pháp thư giãn ra đời đúng thời điểm ngày càng có nhiều người tìm đến các liệu pháp chữa lành thân tâm như một cách thức để họ có đời sống an lạc và vững chãi hơn. Phải chăng hai cuốn sách này ra đời cũng từ mong muốn ấy?
– Trước hết, cuốn sách Cơm sôi nhỏ lửa được thầy viết từ năm 2008. Thời điểm đó, thỉnh thoảng thầy cũng có giảng về đời sống gia đình và những ứng xử để gia đình luôn đượm lửa. Rồi phía báo Sài Gòn tiếp thị (nguyệt san) có đề nghị thầy viết những bài liên quan đến chuyện Đạo Bụt ứng dụng để đăng báo, để cho độc giả số đông tiếp cận dễ hơn thay vì đến chùa. Và thầy đã viết 6 bài, mỗi tháng viết 1 bài đăng trên báo. Sau đó, thầy đi qua Hong Kong tu học tiếp và thời gian vừa qua có mở lớp Đạo Bụt ứng dụng (trước đó là lớp “Đường xưa mây trắng”, giảng online) để giảng về các vấn đề khác nhau trong đời sống.
Trong cuốn sách này, thầy lựa chọn những vấn đề gần gũi với đời sống hàng ngày của tất cả chúng ta. Mối quan hệ vợ chồng, mối quan hệ bố mẹ với con cái, mối quan hệ ông bà – con cháu, gia đình có người thân mất… Đây là những câu hỏi thầy nhận được mỗi ngày từ phía các Phật tử và không thể giảng đi giảng lại nhiều lần được. Cho nên thầy muốn in cuốn sách này để biến bài giảng của mình dưới một phương tiện khác để mọi người có thể tiếp cận.
Dân gian có câu: “Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi lửa nhỏ một đời không khê”. Tựa đề cuốn sách lấy từ câu ca này có thể khiến người ta cảm thấy bị cũ?
– “Cơm sôi nhỏ lửa” là một cách nói ví von. Khi cơm sôi, nghĩa là nhiệt độ đang nóng và nếu ta thêm lửa vào sẽ làm cho cơm bị quá lửa. Một người đang giận thì người kia nên biết dừng lại. Người đang giận đôi khi họ không kiểm soát được hành vi và lời nói, có thể gây tổn thương cho người khác. Thỉnh thoảng tôi đọc trên báo thấy các vụ án mạng như vợ giết chồng, cha giết con… đều xuất phát từ việc giận quá mất khôn, không kiểm soát được cảm xúc khi lên cơn giận. Tôi muốn từ lời của dân gian để nhắc nhở mọi người lưu ý một nguyên tắc “không dùng lửa để giảm nhiệt độ cao” hoặc “lửa đang to không nên cho thêm lửa”. Cái này không chỉ áp dụng trong ứng xử vợ chồng mà ngay cả bạn bè, bố mẹ với con cái, đồng nghiệp với đồng nghiệp…
Thông qua cuốn sách, tôi muốn đưa ra những lời khuyên về cách ứng xử trong đời sống hàng ngày để có thể đem lại hạnh phúc cho mình và cho người. Từ những bài học, từ những câu chuyện… tôi mong muốn mọi người đều nhận thấy hạnh phúc là điều có thật và ở trong tầm tay của chúng ta. Chúng ta có nắm được, giữ được hay không tùy thuộc vào cách nhìn cách ứng xử của mỗi người. Chúng ta nên sống với hiện thực, đừng sống với ảo tưởng. Sai lầm và khó khăn trong cuộc sống là điều chúng ta không tránh khỏi. Hiểu biết và thương yêu sẽ chuyển hóa khó khăn thành những chất liệu xây dựng hạnh phúc.
Ở cuốn sách thứ hai Cách mạng liệu pháp thư giãn, nhiều người thắc mắc chữ “cách mạng”, nghe hơi “đao to búa lớn”. Vì sao khi hiệu đính cuốn này, mình vẫn lấy khái niệm “cách mạng” để đặt tên cho sách thưa thầy?
– Cuốn sách Cách mạng liệu pháp thư giãn (Relaxation Revolution) của tác giả Herbert Benson, MD – William Proctor, JD do dịch giả Phong Du dịch, tôi cùng bác sĩ Phạm Thị Vân Ngọc hiệu đính. Cuốn sách cho ta thấy, trong lịch sử phát triển của y học, chủ yếu liên quan đến việc dùng thuốc và phẫu thuật ở thân. Tuy nhiên, cách đây 60 năm, bác sĩ Herbert Benson – chuyên gia về bệnh tim, sau quá trình nghiên cứu đã nhận thấy những người tập thiền, tập thở, tập không suy nghĩ, tập nói những câu để đưa mình ra khỏi cơn giận, cơn căng thẳng thì đều đạt được sự bình an.
Vị bác sĩ này thấy rằng, muốn chữa được bệnh thì cũng cần phải có sự thư giãn. Đó là lí do vì sao bác sĩ Benson gọi đó là cuộc cách mạng liệu pháp thư giãn và sau đó ông ấy lập ra ngành y học mới gọi là y học thân tâm. Như vậy ngoài y học dùng thuốc, y học phẫu thuật thì còn có y học thân tâm. Y học thân tâm là chữa những bệnh thân mà bác sĩ không biết nguyên do vì sao, đó chính là những bệnh về tâm nhưng ảnh hưởng tới thân.
Bác sĩ Benson đã đưa ra danh sách các bệnh về thân và tâm mà liệu pháp có thể chữa trị được. Ví dụ như đau lưng, cao huyết áp, mất ngủ, buồn nôn, hiếm muộn, lo âu, trầm cảm… do lo âu, căng thẳng, tổn thương tâm lý. Theo bác sĩ Benson, y học thân tâm là liệu pháp bổ sung chứ không phải thay thế cho y học dùng thuốc và phẫu thuật. Dựa trên nền tảng khoa học, bác sĩ Benson đã cho thấy y học thân tâm là một ngành chữa trị chuẩn mực và hiệu quả.
Thật ra, những điều này không mới trong thiền tập của Phật giáo, bởi cách đây hơn 2.500 năm, đức Phật đã chỉ ra phương pháp điều thân và điều tâm qua 16 bài tập về hơi thở chánh niệm. Trong thời gian còn là một cư sĩ, tôi đã được thực tập thiền buông thư do Thiền sư Thích Nhất Hạnh hướng dẫn trong một khóa tu cho người Việt vào năm 1989 tại Mỹ. Đó là năm đầu tiên Làng Mai đem thiền buông thư vào chương trình thực tập thường xuyên, và đích thân Thiền sư hướng dẫn để đào tạo các đệ tử và hướng dẫn thiền sinh.
Vào năm 1958, Thầy Nhất Hạnh bị bệnh nặng, phải vào bệnh viện, Thầy đã dùng các thực tập hơi thở chánh niệm để chữa cho mình trong lúc nguy kịch. Năm 1974, Thầy Nhất Hạnh viết cuốn sách Phép lạ của sự tỉnh thức, nói về những thiền tập dựa vào kinh Quán niệm hơi thở. Thầy cũng có kể những chuyện này ở trong lời bạt cuốn sách Cách mạng liệu pháp thư giãn.
Có một câu hỏi mà chắc là thầy đã từng được hỏi rất nhiều, đó là khi đời sống càng đầy đủ và tiến bộ thì số người cần được chữa lành lại tăng lên. Theo thầy nguyên nhân của việc này xuất phát từ đâu?
– Ngày xưa, ông bà mình lao động ngoài trời, lao động chân tay… nhưng lại rất ít bệnh. Còn bây giờ mình ngồi văn phòng, làm việc máy lạnh… nhưng lại nhiều bệnh hơn. Tiểu đường, béo phì, đau tim, stress… Là tại vì mình ít vận động quá. Thêm nữa, mình ngày càng tiện nghi thì sức đề kháng của mình không có. Ngày xưa, mình khó khăn thì xem rất là thường, bây giờ hơi khó khăn xíu đã căng thẳng rồi.
Cho nên giải pháp trị liệu thân cũng có thể áp dụng để chữa lành tâm. Ví dụ, bên Singapore, các cha mẹ hay cấm con chơi với đất vì nó bẩn, nhưng chính vọc đất lại giúp con nhỏ tạo ra được hệ thống miễn dịch, có sức đề kháng. Giống như ngày xưa trẻ con lúc mới đẻ ra hay mút tay thường bị cấm vì sợ có nhiều vi trùng… nhưng bây giờ người ta cho phép con mút tay vì có thể mút tay sẽ tiếp xúc với vi trùng nhưng lại giúp có hệ thống miễn dịch tốt.
Vốn dĩ trong cuộc sống, cái gì bằng phẳng quá, an toàn quá… thì dễ khiến con người ta thiếu sức chịu đựng. Ta quen ở vùng an toàn nên khi bước ra khỏi đó dễ bị đổ bệnh do không có sức đề kháng.
Xin được cảm ơn thầy vì những chia sẻ bổ ích.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet