Rapper Datmaniac, tên thật là Trần Sơn Đạt, là rapper tài năng được giới hip hop Việt gọi thân thuộc là “chú Ba”. Anh là một trong những huấn luyện viên của chương trình King of Rap năm 2020.
Má của anh, má Năm (60 tuổi, sống ở TP.HCM), nổi tiếng trong cộng đồng hip hop bởi bà nhiệt tình ủng hộ con chơi hip hop và đồng hành với con trong các chương trình biểu diễn lớn nhỏ. Má cũng là người bạn già của nhiều rapper trẻ ở Việt Nam.
Bà mới ra cuốn sách Chúng ta là một gia đình, dành tặng những đứa con của mình.
Má Năm chất lừ
Trong một phim tài liệu ngắn do Dunkare Magazine thực hiện vài năm trước, Datmaniac kể rằng một đồng nghiệp từng nói: “Sao em sướng quá vậy, đi diễn có cả gia đình đi theo”. Lúc đó, “tôi hiểu điều đó có một ý nghĩa như thế nào. Má luôn ủng hộ trên con đường của mình”, Đạt nói.
Không chỉ là má của chú Ba và em Pick (con trai thứ hai), má Năm còn là “mẹ nuôi” kính yêu của nhiều đứa con hip hop ở Sài Gòn.
Hoàng Huy Thịnh, sáng lập Cổ Động, nói: “Má Năm đã nấu những món ăn ngon, lắng nghe bao tâm tư lớn nhỏ của tụi trẻ, trò chuyện với phụ huynh khác để họ cởi mở hơn với các con mình”.
Để lại bình luận dưới bài đăng chúc mừng sinh nhật má Năm “chất lừ” trên trang Cổ Động, bạn Bảo Long viết: “Tuổi trẻ hip hop đã có nhiều rồi. Người già hip hop chúng tôi là số 1”. Má Năm là bà má “có một không hai” của hip hop Việt Nam.
Không rõ má Năm có “hoa chân” hay nút ruồi ở lòng bàn chân không nhưng má “đi thấy ghê”. Chỉ vì con trai nói “con diễn trên sân khấu chợt nhớ má đang nằm còng queo ở nhà, con hết vui” nên hễ chương trình biểu diễn nào có Datmaniac là có má.
Má đi diễn cùng con trai khắp trong Nam ngoài Bắc, ra cả nước ngoài. Má nói với Tuổi Trẻ: “Bất kể sân khấu nào có con trai mình đứng trên đó rap thì đều là sân khấu lớn”. Có lúc má ngồi, có lúc má đứng lắc lư, nhún nhảy “quẩy” cùng tụi nhỏ. Nói chung vui quá xá.
Bà mẹ 60 tuổi làm bạn với gen Y, gen Z
Hỏi má Năm làm sao một người 60 tuổi như má lại có thể “chơi chung” được với các gen Y, gen Z?
Chưa hết, một người có tuổi lại đọc rap, “quẩy rap” lạ quá và vui quá má ơi! Má Năm cười ngặt nghẽo. Câu hỏi này nhiều người hỏi lắm vì thiên hạ cho đó là một điều lạ kỳ.
Nhưng với má, có gì lạ đâu: “Má nói con nghe, má cũng rap chẳng kém gì tụi nhỏ đâu, có điều má rap không hay thôi”.
Năm đang học lớp 6, lớp 7 gì đó, trong khi Pick mê rock thì Đạt tình cờ biết đến Michael Jackson và rapper Eminem rồi “lọt hố” văn hóa hip hop.
Có lúc đang ngồi học, chúng gào lên hầm hố bà cố. Có khi chúng cứ lắc lư, nghe những thứ “khó hiểu”.
Nhưng lúc đó má Năm không phân biệt dòng nhạc này với dòng nhạc kia.
Má nghĩ muốn hiểu con mình, chí ít phải lắng tai nghe một cách thực lòng loại nhạc mà chúng đang mê, xem nó ra làm sao.
Có một bữa Đạt làm tặng má bài rap tựa là Ba, mẹ và tôi. Má khen bài dễ thương lắm, nghe vui vui. “Nhưng lúc đó chỉ vui thôi. Tôi cảm nhận được thằng bé nhà mình có trò chơi này mới. Tôi đã nghĩ đơn giản vậy đó”, má nhớ lại.
Má Năm bảo bà hãnh diện khi nhìn ngắm quá trình trưởng thành của con cái, từ khi có bầu tới khi dắt tay tụi nhỏ đi học lớp 1, sau này dắt tay con đi diễn.
Hip hop nổi lên như một thứ văn hóa đại chúng mấy năm trở lại đây khi chương trình Rap Việt, King of Rap lên sóng.
Nhưng mười mấy năm trước, khi hip hop vẫn là một cụm từ xa lạ, ít nhiều bị “ý kiến”, thì má Năm, một người đàn bà gốc Sa Đéc (Đồng Tháp), tất bật nuôi hai đứa con trai khi chồng mất sớm, đã dùng tấm lòng bao dung và muốn hiểu con cái để có thể nhập cuộc, đối thoại với chúng.
Cuộc “đụng độ thế hệ” giữa ba má, ông bà với lớp con cái, cháu chắt mà chúng ta thường thấy ở nhiều gia đình Việt Nam, may quá, trong gia đình má Năm, lại diễn ra hết sức êm dịu.
Má nói với con trai má, khi nhận ra mình là linh hồn của các con, má tự dặn lòng không được bi quan, buồn bã. Má là phụ nữ nhưng má không thích là một nhành hoa mà một cái cây tươi lớn để mỗi lần muốn nhìn mẹ, tụi con phải ngước lên mới thấy.
Má là bạn của Đạt và Pick, đồng thời là bạn của “500 anh em hip hop” Việt Nam. Má đi đến đâu, tỉnh thành nào cũng có 1-2 đứa con nuôi của má đóng cọc ở đó chở má đi chơi, đi ăn.
Má kể có những bạn trẻ nói: “Sao con kể cho má được mà không thể kể cho má con ở nhà?”. Con kể câu trước, câu sau đã nghe má con chửi “lo học đi, trai gái hoài”. Có bạn kể: “Con phải lén gia đình chơi rap, buồn quá má ơi”…
Trong cuốn Chúng ta là một gia đình, má Năm gọi đó là “những đứa trẻ mang nặng trong lòng nỗi “bất lực mơ hồ” của bản thân, những đứa trẻ đầy tâm trạng khó nói với ba mẹ ruột của mình”.
Sau một thời gian tâm tình với tụi nhỏ hip hop, má Năm nhắn gửi tới những người làm bố làm mẹ khác một đúc kết của riêng bà. Má nói: “Nếu ta chịu lắng nghe thì con mình mới trải lòng. Chúng ta coi nhẹ tình cảm, sở thích, câu chuyện của chúng, chúng sẽ không kể nữa”.
“Chỉ cần gần gũi con cái thêm một chút xíu nữa. Chỉ cần lắng nghe thôi, chẳng cần ý kiến gì cả”, má nói thêm.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed