Căn xưởng nhỏ của nghệ nhân Bùi Viết Tưởng (trú tại xóm Dinh, thôn 2, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ) những ngày cuối năm tất bật chuẩn bị những sản phẩm đầu lân sư, rồng phục vụ cho Tết Nguyên đán 2024.
Dịp Tết Nguyên đán năm nay gắn với hình tượng linh vật rồng, xưởng sản xuất của anh Tưởng đã ra mắt nhiều mẫu rồng mới và đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng, phục vụ cho việc trưng bày, tổ chức lễ hội của nhiều địa phương, doanh nghiệp.
Anh Tưởng cho biết, để hoàn thiện tổng thể một sản phẩm rồng, nếu làm tích cực thì nhóm thợ mất khoảng 10-15 ngày, riêng công đoạn may làm nhanh cũng mất khoảng 4-5 ngày.
Nhận thấy yếu tố thời tiết như mưa, nắng có thể ảnh hưởng tới chất lượng của các sản phẩm rồng, anh Tường đã cho ra mẫu sản phẩm “Rồng vảy nổi 3D phản quang”, có khả năng chịu nước, tăng tuổi thọ sản phẩm lên tới nhiều năm.
Từ những chất liệu như mây, nứa, sắt, thép cùng các chất liệu vải chống nước, qua bàn tay khéo léo của thầy trò anh Bùi Viết Tưởng đã tạo nên những mẫu sản phẩm rồng độc đáo, bền đẹp theo thời gian. Họa tiết lấy màu vàng chủ đạo, xen kẽ với màu đỏ mang đậm nét truyền thống Việt Nam.
Công đoạn phức tạp nhất là làm vảy rồng, mỗi con rồng dài gần 20m, mỗi mét có hàng trăm vảy được ghép lên thân, tổng thể gần 3.000 vảy được gắn vào mình rồng. Những chiếc vảy rồng làm từ decal 3D phản quang, chất liệu này vừa kháng nước tốt vừa giữ phom dáng uy dũng và cả nét mềm mại khi rồng uốn lượn.
“Thợ may cũng phải rất kén chọn, không phải ai cũng may được, phải quen tay không rất dễ làm lệch và méo phom dáng, khi đưa lên tổng thể rồng phải khớp, tròn mình. Thời gian đầu khi tôi thử nghiệm cũng rất nhiều lần phải gỡ ra, có những lúc chán nản nhưng vẫn phải kiên trì đưa ra mẫu mới phục vụ bà con”, anh Tưởng tâm sự.
Theo cá nhân anh Tưởng, một sản phẩm đẹp trên khuôn mặt cần đạt được độ sắc nét, nhìn vào là thấy sự uy nghi, linh thiêng mang đặc trưng của rồng Việt. Sản phẩm “Rồng vảy nổi 3D phản quang” đã có mặt trên khắp các tỉnh thành, sử dụng trong các nhà hát kịch, xiếc, lễ hội…, xuất đi rất nhiều nước như Malaysia, Úc, Thái lan, Ấn Độ…
Tính tới thời điểm hiện tại, đã có khoảng 30 mẫu sản phẩm rồng được xưởng của anh Tưởng sản xuất phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm nay, rất nhiều khách hàng đã tới trực tiếp xưởng để đặt hàng.
Chị Phạm Thu Thủy (áo đen) cho biết, cách đây vài năm chị được một người bạn giới thiệu tới xưởng và khá ấn tượng với các sản phẩm tại đây. Năm nay chị quyết định quay trở lại để lựa chọn sản phẩm đầu lân và rồng để phục vụ cho hội làng tại địa phương nơi chị sinh sống vào dịp đầu năm mới.
Ngoài việc sản xuất các sản phẩm đầu lân, rồng với hi vọng phát triển nghệ thuật múa lân, múa rồng, anh Bùi Viết Tưởng còn tổ chức một đoàn lân – sư – rồng tham gia biểu diễn tại khắp các tỉnh thành, qua đó giành không ít các giải thưởng trong và ngoài nước.
Từ năm 2009 tới nay, đoàn lân – sư – rồng của anh Tưởng đã giành nhiều huy chương và thành tích nổi bật, giấy khen từ các đơn vị tỉnh, thành và địa phương.
Khu vực khoảng sân trước Nhà văn hóa thôn 2, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ là địa điểm quen thuộc mà thầy trò đoàn lân – sư – rồng của anh Tưởng thường xuyên tập luyện.
Từng tham gia tập luyện võ cổ truyền, anh Tưởng hướng học trò sử dụng các động tác võ thuật có bộ tấn, thân pháp và nhãn pháp để hòa mình vào việc biểu diễn múa lân, múa rồng.
Múa rồng cần có sự kết hợp của khoảng 9 người, đòi hỏi sự đoàn kết, thuộc bài, phối hợp ăn ý trong từng động tác, sự mềm mại tạo ra các đường cong uốn lượn, tạo hình cơ bản như ngôi sao, số 6, số 9…
Văn hóa | Báo Dân trí