Đỗ Bảo là một người Hà Nội thế hệ 7X và âm nhạc của anh gợi lên thứ tâm tình thanh lịch, sang trọng chỉ có thể nảy sinh khi thong thả đi dọc những con phố cũ Hà Nội.
Đến thế hệ 8X, viết về Hà Nội nổi bật, ta có thể kể tới Nguyễn Đức Cường với Nồng nàn Hà Nội – Hà Nội ở đó “động” hơn Hà Nội của Đỗ Bảo nhưng vẫn là Hà Nội kinh điển của hồ Gươm, hoa sữa, các cụ già tập dưỡng sinh.
Thế hệ 9X có khác hơn, Hà Nội trong mắt Vũ Đình Trọng Thắng (ban nhạc Ngọt) tuy vẫn là hồ Gươm nhưng bình dân hơn nhiều với hình ảnh quán trà đá ven đường và giai điệu waltz gợi ta nhớ đến những di sản châu Âu trong thành phố.
Nhưng gen Z viết về Hà Nội thì viết về điều gì?
Câu trả lời có thể tìm thấy trong ca khúc Cầu Vĩnh Tuy của Wren Evans. Không phải hồ Gươm, không phải 36 phố phường hay bất cứ biểu tượng tao nhã nào của thủ đô, mà là cầu Vĩnh Tuy – một cây cầu mới có tuổi đời 15 năm, một cây cầu luôn nằm ở vùng ngoại biên văn hóa của thành phố, nhưng lại là nơi cư dân trẻ đổ về sinh sống.
Và đây là Hà Nội của Wren Evans, một nghệ sĩ trẻ Hà Nội sinh năm 2001: giai điệu kết hợp giữa electropop, R&B đương đại mang đến âm hưởng city pop; những ký ức qua cầu Vĩnh Tuy – khi thì đón xe buýt đi học, khi thì phóng xe với người bạn gái ngồi sau.
WREN EVANS – Cầu Vĩnh Tuy | LOI CHOI The First Album (ft. itsnk)
Trước nay, nghĩ về cầu Vĩnh Tuy là nghĩ tới cảnh tắc đường hay khu ven rìa, nhưng chỉ một bài hát, cầu Vĩnh Tuy đã trở thành một thực thể lãng mạn, một mốc ký ức thực thụ của người Hà Nội thay cho những địa danh mà giờ đậm đặc dấu ấn du lịch nhiều hơn là dân sinh.
Cầu Vĩnh Tuy là một trong những ca khúc xuất sắc nhất thuộc về album Loi choi: The Neo Pop Punk với một loạt ca khúc xuất sắc của Wren Evans và nhà sản xuất itsnk.
Với những nghệ danh nếu chỉ nghe qua thì khán giả lớn tuổi sẽ không biết đó là người Việt Nam, nghe như tên tài khoản ảo trên Facebook, hai nghệ sĩ đã cùng tạo nên một danh tính mới về thế nào là một người Việt trẻ sống ở những khu đô thị mới.
Ký ức đô thị mới đang khai sinh
11 track nhạc trong Loi choi được nối liền mạch, điểm kết thúc của track này là khởi đầu của track cuối.
Kết cấu như vậy khiến album như lên một chuyến đi bằng xe máy lượn vòng quanh thành phố và tuy vẫn đang ở trong một thành phố nhưng những âm cảnh lại thay đổi liên tục.
Có khi là những đoạn guitar flamenco như đi qua một con ngõ giữa trung tâm thành phố, có khi lại là một đoạn nhạc trữ tình như khi đi qua nhà của một người trung tuổi đang nghe nhạc sến, có khi là một bản disco xập xình như đi qua một con phố chuyên… karaoke.
Album của Wren Evans vì thế chống lại tất cả những dán nhãn tính từ về thành phố, thành phố ở đây là một thực thể liên tục chuyển động và liên tục biến hóa.
Chẳng hạn như trong Việt kiều, một ca khúc độc đáo nữa của Loi choi, Wren Evans đã đi thẳng vào “vấn đề” mà thế hệ trước thường hay phàn nàn về giới trẻ: tại sao họ hay chêm ngoại ngữ vào tiếng Việt như vậy?
Trong Việt kiều, ca sĩ dùng tới bốn ngôn ngữ, ngoài tiếng Việt còn có tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Pháp – ba ngôn ngữ thường xuyên thấy trên đường phố Việt Nam.
Những con phố Tây, những khu phố Hàn, những quán cà phê hay quần áo sang chảnh đặt tên tiếng Pháp – đó là một hiện thực ở Hà Nội và đang trở thành một phần bản sắc không thể tránh khỏi khi Hà Nội ngày càng quốc tế hóa.
Nhưng phần hay nhất của ca khúc này phải là đoạn “Mình quê Thanh Hóa nhưng lai Hà Nội” – một câu hát về dòng người nhập cư đông đảo của thủ đô.
Nếu như có gì tạo nên sự khác biệt của Wren Evans trong âm nhạc về Hà Nội thì chính là ở đây. Anh không hướng tới một hình tượng “Hà Nội gốc”, mà là Hà Nội lai, Hà Nội pha tạp và hình tượng ấy hoàn toàn ăn khớp với nồi lẩu âm nhạc sôi sục trong Loi choi.
Với album này, có lẽ một ký ức đô thị mới đang khai sinh.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed