Dù đó là những sai sót nhỏ nhưng phần nào làm giảm đi chất lượng của phim. Và không chỉ Chúng ta của 8 năm sau, phim truyền hình Việt khác cũng đầy sạn.
Lỗi trong Chúng ta của 8 năm sau
Ở phần 1 Chúng ta của 8 năm sau, Dương 22 tuổi, ông Quảng (diễn viên Trung Anh) cha ruột Dương – là một doanh nhân thành đạt – nổi bật với mái tóc bạc trắng.
Trong tập 6, phim kể lại quá khứ, khi mẹ Dương dẫn con gái đi gặp mặt cha một lần.
Trailer phim Chúng ta của 8 năm sau
Dương lúc đó chỉ khoảng 10 tuổi, do một diễn viên nhí đảm nhận.
Thời gian cách nhau cũng phải hơn 10 năm, vậy mà ông Quảng xuất hiện không có sự khác biệt về hình dáng lẫn mái tóc: tóc vẫn bạc và khuôn mặt vẫn nhiều nếp nhăn như hiện tại.
Một chi tiết hài hước khác, phim kể câu chuyện của Dương và những người bạn với khoảng cách thời gian 8 năm.
Ở phần 1, Dương (diễn viên Hoàng Hà đảm nhận) cầm đũa ăn cơm bằng tay phải. Nhưng 8 năm sau, Huyền Lizzie vào vai Dương cầm đũa ăn cơm bằng tay trái. Có người đùa: “Chẳng lẽ thói quen khó vậy mà thay đổi được”.
Thậm chí khán giả soi đến mức phát hiện ra Dương viết lá thư cho kiến trúc sư Kiêm để tìm hiểu sự thật về dự án Ngôi nhà mặt trời mà cô thiết kế đang bị cho là ăn cắp ý tưởng của ông, với đầy lỗi chính tả, sai cách…
Có người viết vui: “Công nhận, đọc mẩu tin nhỏ thôi mà kiểu bỏ dấu câu như này là thấy bắt đầu đánh giá người viết nha”.
Lỗi nhỏ nhưng có võ
Sự tinh ý của khán giả khi nhận ra những lỗi trong Chúng ta của 8 năm sau chứng tỏ bộ phim này được nhiều khán giả xem phim quan tâm, xem kỹ.
Nếu soi qua các phim truyền hình Việt từng phát sóng thì cũng đầy lỗi tương tự.
Như trong bộ phim đề tài xưa, khán giả phát hiện trên màn ảnh có diễn viên quần chúng đóng vai người dân đang cầm điện thoại chụp hình cảnh quay.
Trong phim khác, tóc nhân vật đang dài và xoăn. Khi nhân vật này từ trên lầu đi xuống tóc bỗng dưng ngắn và thẳng.
Có diễn viên đóng cùng một cảnh nhưng lúc đầu có đeo bông tai, chỉ vài giây sau đôi bông tai biến mất.
Hiện nay đạo diễn phim truyền hình Việt gần như phải quán xuyến hết quy trình sản xuất phim.
Với áp lực thời gian, chi phí sản xuất và đội ngũ chưa thật sự chuyên nghiệp thì những lỗi về phục trang, hóa trang… vẫn thường xuyên xuất hiện.
Với những người dễ tính, họ sẵn sàng bỏ qua chi tiết này để xem phim.
Người khó tính thì ngán ngẩm, chê bai. Nhưng dù có sự cảm thông thì ê kíp sản xuất cần chú ý hơn và không thể xem thường những lỗi nhỏ nhưng lại có võ này.
Cảm xúc tiêu cực ấy dần dần làm mất đi tình yêu của khán giả dành cho phim truyền hình Việt.
“Chưa bao giờ hết ngạc nhiên trước sự ngô nghê, thiếu chuyên nghiệp của đa phần phim Việt Nam hiện nay”, ý kiến của khán giả viết trên diễn đàn phim thấy thật buồn.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed