Chiều 5/1, tại TAND TP.Hà Nội, các luật sư được tiến hành xét hỏi với 38 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan.
Theo cáo buộc, Công ty Việt Á sau khi cùng Học viện Quân y nghiên cứu thành công kit test Covid-19 đã chiếm lấy thành quả, mang đi đăng ký lưu hành rồi sản xuất thương mại, bán với giá cao gây thiệt hại 1.235 tỷ đồng cho Nhà nước cùng nhiều tổ chức, cơ quan.
Các bị cáo trong vụ Việt Á tại tòa. Ảnh Đ.X
Tại tòa, nhiều bị cáo khai quá trình nghiên cứu rồi cấp phép nói trên được thực hiện rất nhanh do tình hình chống dịch cấp bách. Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Việt Á, cho hay khi cùng Học viện Quân y ký hợp đồng thực hiện đề tài nghiên cứu, Bộ Khoa học Công nghệ yêu cầu trong 1 tháng phải có sản phẩm sử dụng được, để Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Còn bị cáo Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Khoa học Công nghệ khi khai về việc này đã cho hay, Chính phủ ra văn bản yêu cầu phải trong 1 tháng phải có kit test, để nghiệm thu giai đoạn 1 chứ không phải sau 1 tháng phải có sản phẩm thương mại.
Một luật sư đặt câu hỏi, kết quả nghiên cứu kit test nếu muốn thành sản phẩm thương mại, cần tiến hành những bước nào? Bị cáo Ngọc Anh đáp, Bộ Khoa học Công nghệ chỉ quản lý các đề tài, đảm bảo các đơn vị thực hiện đề tài đúng thuyết minh ban đầu còn việc đăng ký sản xuất thuộc về các Bộ liên quan, trong trường hợp kit test là thuộc về Bộ Y tế.
Luật sư đề nghị HĐXX cho bị cáo Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Y tế lên bục khai báo và hỏi, sản phẩm kit test nghiên cứu ra cần đăng ký thế nào, chuyển giao cho doanh nghiệp thương mại nào? Nếu không phải Công ty Việt Á thì doanh nghiệp nào khác có đủ điều kiện sản xuất thương mại?
Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế từ chối trả lời câu hỏi trên với lý do bản thân không phụ trách lĩnh vực trang thiết bị, công trình y tế đồng thời đề nghị luật sư gửi văn bản tới Bộ Y tế để được trả lời.
Vị luật sư cho rằng, cần làm rõ vấn đề, Công ty Việt Á đã làm sai, nhưng nếu đúng quy định cần làm những gì? Nhưng ở đây, chính cựu Bộ trưởng Bộ Y tế còn không trả lời được.
Một câu hỏi khác từ các luật sư cũng không được trả lời là việc giá thành thực sự của kit test Việt Á sản xuất là bao nhiêu? Theo cáo trạng, Việt Á bán sản phẩm giá 470.000 đồng/test nhưng cơ quan định giá cho rằng, cộng tất cả chi phí và 5% lợi nhuận, nó có giá 147.000 đồng/test
Về giá cả kit test, Phan Quốc Việt cho rằng nó tùy thuộc tình hình nguyên vật liệu, Công ty Việt Á từng chủ động vấn đề này nên giá thấp nhưng nếu không có, phải mua ngoài trong bối cảnh cả thế giới cùng mua, giá thành sẽ nâng lên.
Bị cáo Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế, thì khai, Công ty Việt Á từng đề xuất giá 600.000 đồng/kit test nhưng sau khi hiệp thương, giá giảm xuống 470.000 đồng.
“470.000 đồng là giá tạm tính để các cơ quan, đơn vị tạm thanh toán, không được dùng làm hồ sơ thầu”, ông Liên nói. Vị này cho hay, có 7 ngân hàng mua kit test của Việt Á để ủng hộ chống dịch cũng nhất trí con số này, còn về thực sự nó có giá bao nhiêu, chính ông Liên cũng chưa thể khẳng định.
Theo hồ sơ vụ án, Phan Quốc Việt cùng đồng phạm tại Công ty Việt Á và hàng loạt quan chức có 4 sai phạm chính trong quá trình nghiên cứu kit test, đăng ký lưu hành rồi bán trái phép với giá cao hơn thực tế.
Sai phạm đầu tiên trong nghiên cứu, cáo trạng thể hiện năm 2020, Covid-19 bùng phát nên Chính phủ giao Bộ Khoa học Công nghệ tích cực nghiên cứu, chế tạo sinh phẩm phòng chống dịch. Việc nghiên cứu kit test Covid sau đó được giao Học viện Quân y chủ trì với kinh phí 18,9 tỷ đồng.
Phan Quốc Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng, Vụ phó thuộc Bộ Khoa học Công nghệ, tác động người liên quan để Công ty Việt Á được tham gia cùng Học viện Quân y. Bị cáo Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Khoa học Công nghệ khi đó ký quyết định đồng ý việc này.
Kết quả nghiên cứu là tài sản nhà nước, do Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đại diện sở hữu nhưng bị cáo này cùng cấp dưới là Thứ trưởng Phạm Công Tạc lại để Công ty Việt Á mang đi đăng ký sở hữu.
Cơ quan tố tụng xác định, khi làm những việc vi phạm pháp luật nhưng có lợi cho Việt Á, Chu Ngọc Anh nhận từ Phan Quốc Việt 200.000 USD; Phạm Công Tạc nhận 50.000 USD còn Trịnh Thanh Hùng nhận 350.000 USD.
Do vậy, các ông Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” còn Trịnh Thanh Hùng bị cho phạm tội “Nhận hối lộ” (ông Hùng vừa bị tòa quân sự phạt 15 năm tù trong vụ việc tại Học viện Quân y).
Sai phạm tiếp theo xảy ra tại Bộ Y tế trong quá trình cấp phép lưu hành sản phẩm kit test cho Công ty Việt Á. Cáo trạng thể hiện Phan Quốc Việt dùng kết quả nghiên cứu cùng Học viên Quân y đi đăng ký tại Bộ Y tế, để Việt Á sản xuất thương mại, bán ra thị trường.
Bị can Nguyễn Văn Trịnh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng khi đó đã lợi dụng chức vụ, hướng dẫn Phan Quốc Việt soạn thảo các văn bản liên quan cấp phép; tác động đến người của Bộ Y tế để giúp Việt. Bị cáo Trịnh do vậy được Việt cảm ơn 200.000 USD và hiện bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi hành công vụ”.
Một số người thuộc Bộ Y tế cũng bị cáo buộc có hành vi nhận hối lộ, làm sai quy định giúp Công ty Việt Á được phép sản xuất kit test, bán thương mại. Số này gồm Thứ trưởng khi đó là Nguyễn Thanh Long (nhận 2,25 triệu USD); Nguyễn Huỳnh, cựu Phó phòng Giá Cục Quản lý Dược (nhận 4 tỷ đồng); Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị công trình (nhận 300.000 USD); Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Vụ Tài chính, kế hoạch (nhận 100.000 USD).
Sai phạm vi phạm đấu thầu, xảy ra khi Công ty Việt Á bán kit test với giá cao cho nhiều cơ quan trên địa bàn cả nước. Quá trình này, Phan Quốc Việt cũng hối lộ hàng loạt bị cáo là những người có thẩm quyền.
Cơ quan tố tụng cho rằng, một test của Việt Á chỉ có giá 143.000 đồng, gồm tất cả chi phí kèm theo 5% lợi nhuận. Tuy vậy, Phan Quốc Việt bán với giá cao hơn nhiều, như tại Hải Dương là 470.000 đồng/test.
Tổng cộng, có hơn 4,5 triệu kit test được Công ty Việt Á bán ra, gây thiệt hại 1.235 tỷ đồng, gồm 402 tỷ đồng thuộc về Nhà nước.
Trong số 402 tỷ thiệt hại nói trên, có 222 tỷ đồng do CDC các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương gây ra trong quá trình mua, tiêu thụ kit test của Việt Á. Còn 15 tỉnh thành khác gây thiệt hại 180 tỷ đồng.
Phiên tòa lần này sẽ xử lý các hành vi đưa – nhận hối lộ và vi phạm đấu thầu của các bị cáo là người trong Công ty Việt Á hoặc cơ quan nhà nước các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Bình Dương, Nghệ An. Hành vi phạm tội của Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á tại các tỉnh thành khác được công an các địa phương giải quyết.
Sai phạm khác trong quá trình mua bán kit test thuộc về các bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thủy, cựu chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục và Nguyễn Bạch Thùy Linh, Giám đốc Công ty SNB Holdings.
Họ bị cáo buộc lợi dụng ảnh hưởng của mình với “người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước”, yêu cầu Công ty Capital (của Singapore) mua số kit test trị giá 1 triệu USD (23,5 tỷ đồng) từ Việt Á để tặng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dùng cho phòng chống dịch.
Qua đây, Phan Quốc Việt chi 40% “hoa hồng” cho Thủy và Linh, tương đương hơn 8 tỷ đồng. Cả 2 người này bị truy tố về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Tin An Ninh Hinh Su