Cùng dự hội nghị còn có lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội, đại diện các bộ ngành Trung ương và địa phương. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh thành trên cả nước.
Đẩy mạnh liên kết vùng, kết hợp hài hòa chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính điểm lại tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vai trò của văn hóa, đồng thời nhấn mạnh “văn hóa là sức mạnh nội sinh của một dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn”.
Cũng theo Thủ tướng, thể thao mang lại sức mạnh vật chất, thể chất và tinh thần, ý chí cho mỗi công dân. Một công dân khỏe mạnh, có ý chí kiên cường thì đất nước sẽ hùng cường và thịnh vượng. Bên cạnh đó, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng của đất nước.
Năm 2023 là một năm đầy thách thức và khó khăn bởi những vấn đề ngoài tầm dự báo liên quan đến kinh tế, an ninh quốc phòng, an ninh phi truyền thống, an ninh truyền thống, thiên tai, biến đổi khí hậu…
Các vấn đề này tác động toàn diện đến thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, cả nước đã vượt qua khó khăn, hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ và đạt được những thành quả quan trọng.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, tăng thu ngân sách, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao…
Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương kết quả, sự đóng góp của ngành VH-TT&DL đối với thành tựu chung của đất nước trong năm 2023. Cụ thể, ngành đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tình hình chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, chức năng.
Bộ VH-TT&DL đã hoàn thành 133/148 nhiệm vụ Chính phủ giao trong năm 2023, chủ động tích cực tham mưu đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; tổ chức thành công nhiều hội nghị quan trọng để phát triển nền VH-TT&DL.
“Đầu năm 2023 và Tết Nguyên đán, hoạt động văn hóa của chúng ta sôi nổi hơn, rầm rộ hơn, toàn diện, rộng khắp hơn nhưng tiêu cực ít hơn”, Thủ tướng đánh giá.
Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn phát huy và được thế giới công nhận.
Đặc biệt, đời sống văn hóa cơ sở, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục được phát triển có chiều sâu.
“Khi về thăm các tỉnh, tôi nhận thấy điều này rất rõ và cảm thấy vô cùng tự hào. Nhân dân vui vẻ, phát huy được bản sắc văn hóa của địa phương. Giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, gắn văn hóa với du lịch” .
Ghi nhận những thành tựu ngành VH-TT&DL đạt được, song Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ngành cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, khắc phục khó khăn, hoàn thiện cơ chế chính sách để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, kết nối mạnh hơn các vấn đề liên quan đến du lịch và di sản, huy động nguồn lực cho hợp tác công tư, quản lý xây dựng văn hóa mạng…
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng định hướng những nhiệm vụ ngành VH-TT&DL cần tập trung thực hiện trong năm 2024 với 8 đầu việc cụ thể.
Ngành VH-TT&DL cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về VH-TT&DL; quyết tâm tạo đột phá trong xây dựng thể chế, hoàn thiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ngành cần tiếp tục bảo tồn, tôn tạo phát huy tối đa các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị vật thể và phi vật thể đặc sắc của các vùng miền; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, khai thác di sản; kết hợp hài hòa hiệu quả giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn trong phát triển VH-TT&DL.
Ngành cần ưu tiên đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo hệ thống thiết chế văn hóa, phát huy mạnh mẽ vai trò của gia đình trong xây dựng nhân cách, xây dựng văn hóa số lành mạnh..
Ngành VH-TT&DL cần củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới mô hình hoạt động, cách thức quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước về thể dục thể thao, phát triển thể thao chuyên nghiệp, toàn diện, bền vững.
Theo Thủ tướng, năm 2024, ngành VH-TT&DL cần tập trung đánh giá tổng kết việc thi hành Luật Du lịch năm 2017, sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn,
Một trong những nhiệm vụ quan trọng Thủ tướng nhấn mạnh là đẩy mạnh liên kết nội vùng, liên kết vùng, liên kết quốc gia, liên kết quốc tế trên tinh thần một cung đường nhiều điểm đến, xây dựng con đường di sản quốc gia, con đường di sản quốc tế, kết nối thể thao, quan tâm đến tiếp cận bình đẳng đối với văn hóa, du lịch ở những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, đặc biệt là các đối tượng yếu thế.
Thủ tướng tin tưởng ngành VH-TT&DL sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, tạo ra những thành tựu mới, thành công mới góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.
“Khơi thông” nguồn lực, “kiến tạo” sự phát triển
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2023 – năm bản lề thực hiện Nghị quyết đại hội 13 của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 – đã đi qua với nhiều dấu ấn, kết quả về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của đất nước.
Năm 2023, ngành VH-TT&DL vinh dự được đón nhận nhiều sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của nhân dân với vai trò chủ thể sáng tạo trong xây dựng và phát triển văn hóa.
Bám sát phương châm hành động của Chính phủ năm 2023 “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, phương châm của ngành “Quyết liệt hành động – Khát vọng cống hiến”, ngành VH-TT&DL tiếp tục thay đổi căn bản, toàn diện tư duy “làm văn hóa” sang “quản lý Nhà nước về văn hóa”.
Lĩnh vực VH-TT&DL năm 2023 tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng trên một số phương diện.
Toàn ngành đã chủ động rà soát các “khoảng trống” trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực VH-TT&DL để tham mưu đề xuất Chính phủ, Quốc hội nhiệm vụ hoàn thiện thể chế.
Từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước thông qua công cụ pháp luật, đồng thời “khơi thông” nguồn lực, “kiến tạo” sự phát triển mà điểm nhấn quan trọng được BCH Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội giao chủ trì xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Ngành VH-TT&DL đã tập trung tham mưu trúng, đúng, kịp thời cho cấp ủy đảng trong việc cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa. Chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam với 3 nội hàm Dân tộc, Khoa học và Đại chúng được lan tỏa.
Các thành tố về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới được lượng hóa. Nhận thức về văn hóa đã có sự thay đổi theo hướng tích cực và cho phép kỳ vọng “Nhận thức đúng sẽ hành động đẹp”.
Công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người văn hóa đã đi đúng hướng, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.
Nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều điển hình tiên tiến đã xuất hiện, góp phần thiết thực để xây dựng nền tảng đạo đức tốt đẹp, giá trị “chân – thiện – mỹ” của con người.
Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc lần đầu tiên tổ chức dịp kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống của ngành đã vinh dự được nhận thư chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo.
Nhận thức sâu sắc hơn về vai trò văn hóa là động lực đối với sự phát triển bền vững đất nước, phát triển văn hóa cần sự chung tay của các cấp, các ngành, Bộ VH-TT&DL đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành trung ương, các địa phương để nâng tầm quy mô tổ chức, chất lượng các sự kiện văn hóa nghệ thuật cấp vùng, cấp quốc gia.
Ngành VH-TT&DL đã quan tâm mạnh mẽ hơn tới việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước.
Ngành cũng tích cực chuẩn bị, trình Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020; tổ chức Hội nghị toàn quốc phát triển thể thao thành tích cao làm cơ sở hoàn thiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030.
Đoàn thể thao Việt Nam đã giành thành tích xuất sắc, dẫn đầu toàn đoàn, vượt chỉ tiêu đề ra tại kỳ SEA Games; thi đấu đạt kết quả tốt ở ASIAD 19 tại Trung Quốc, vòng loại Olympic và các giải thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới. Đội tuyển bóng đã nữ quốc gia lần đầu tiên giành quyền tham dự World Cup.
Du lịch đã về đích với kết quả rất đáng trân trọng, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Công tác ngoại giao văn hóa được triển khai tích cực, Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 – 2027 với số phiếu rất cao. Hội An, Đà Lạt chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Công tác chỉ đạo điều hành, công tác truyền thông từng bước có sự chuyển biến. Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần đầu tiên được tổ chức đã lan tỏa những thành tựu của ngành, ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của tập thể, cá nhân đối với sự nghiệp phát triển VH-TT&DL.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ ghi nhận ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đóng góp từ các tham luận để phân tích sâu hơn, rút ra được nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về kết quả để phát huy trong thời gian tới.
“Chúng ta không được nhầm lẫn giữa mong muốn của xã hội để vội vã quy chụp yếu kém nhưng không được chủ quan, tự mãn và càng không được nhụt chí, nản lòng trước khó khăn như lời Tổng Bí thư đã căn dặn ngành VH-TT&DL trong thư chúc mừng nhân dịp Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023, kỷ niệm 78 năm ngày thành lập ngành.
Sau hội nghị, toàn ngành VH-TT&DL sẽ quyết liệt hành động với phương châm “tăng tốc, sáng tạo, về đích” nhằm xây dựng phát triển VH-TT&DL Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Văn hóa | Báo Dân trí