Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương – chỉ đạo và chủ trì Hội nghị.
Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 2009, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật triển khai thí điểm Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn tại 16 tỉnh, thành phố.
Mục tiêu của đề án là nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn trong sạch, vững mạnh, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Trên cơ sở đánh giá việc thực hiện thí điểm đề án, ngày 23/11/2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo triển khai thực hiện đề án cho tất cả cơ sở xã, phường, thị trấn của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và thống nhất: Qua 15 năm triển khai (2009-2023), Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn thực sự phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.
Đề án nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể cũng như của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, trở thành một trong những đề án có ý nghĩa thiết thực đối với việc đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cấp xã, phường, thị trấn.
Trong điều kiện nguồn kinh phí của các xã, phường, thị trấn dành cho việc mua sách còn khó khăn, đặc biệt đối với các xã ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc triển khai đề án đã góp phần giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở có thêm nguồn tài liệu chính thống, tin cậy để nghiên cứu, học tập, ứng dụng trong thực tiễn.
Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện đề án, bà Nguyễn Hoài Anh – Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật – cho biết, đến nay, đề án đã trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước 593 đầu sách (cả đĩa CD-ROM và CD Audio), với tổng số 14,4 triệu bản in.
Để tăng cường hiệu quả của đề án, trang Thư viện sách điện tử (Thuviencoso.vn) đã được xây dựng từ đầu năm 2020 và cung cấp bản số hóa hơn 500 đầu sách của đề án, phục vụ việc đọc và tra cứu trực tuyến của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.
Để tiếp tục triển khai một cách thiết thực, hiệu quả đề án, nhiều đại biểu đã đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung và hình thức sách của đề án, tăng cường xuất bản sách điện tử và phổ biến nội dung sách trên mạng xã hội và các nền tảng số.
Bên cạnh đó, chú trọng tăng cường xuất bản thêm nhiều đầu sách nói, sách hình ảnh, sách đa phương tiện, sách bằng nhiều thứ tiếng phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số; thường xuyên khảo sát, kiểm tra, đánh giá thực trạng triển khai đề án tại các tỉnh, thành phố để có những đề xuất, kiến nghị kịp thời, sát thực tiễn…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tích của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp; Hội đồng chỉ đạo, Ban Tổ chức thực hiện đề án; các đơn vị thực hiện đề án trong việc triển khai quyết liệt, hiệu quả đề án 15 năm qua.
Về những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng của Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn; về trách nhiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, tăng cường nắm bắt nhu cầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân,… từ đó xác định mục tiêu, kế hoạch xuất bản phù hợp về đề tài, số lượng. Tiếp tục đổi mới công tác lựa chọn đề tài, biên soạn nội dung sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, phòng đọc sách, trang thiết bị phục vụ cho việc quản lý, bảo quản, sử dụng sách, đồng thời với việc tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, nghiên cứu, học tập sách của đề án.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện đề án, trong đó chú trọng phát hiện, biểu dương và đề nghị nhân rộng những mô hình tốt, sáng tạo trong việc bảo quản và sử dụng sách.
Đẩy mạnh số hóa, xuất bản và phát hành sách điện tử trên mạng internet để tạo điều kiện thuận lợi trong việc khai thác, tra cứu, tìm hiểu.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu Hội đồng chỉ đạo, Ban Tổ chức đề án tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc; khẩn trương hoàn thiện báo cáo, đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đề án một cách phù hợp nhất trong giai đoạn tiếp theo, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cấp cơ sở trong tình hình mới.
Tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao tặng 2 bằng khen cho tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, triển khai Đề án và 9 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, thực hiện đề án.
Văn hóa | Báo Dân trí