Sufiah Yusof sinh năm 1984, trong người cô mang hai dòng máu. Cha là ông Farooq Yusof, người gốc Pakistan. Mẹ là bà Halimaton Yusof, người gốc Malaysia. Sufiah lớn lên ở thị trấn Northampton, hạt Northamptonshire (Anh).
Sufiah Yusof từng được mệnh danh là thần đồng toán học khi 13 tuổi được nhận vào một trong những trường Đại học danh tiếng nhất nước Anh. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm theo học, cô đã khiến cho cả thế giới bất ngờ khi luôn tìm cách trốn chạy khỏi Oxford và sau đó lựa chọn bán thân để kiếm sống qua ngày.
Gia đình là địa ngục, tình yêu của bố mẹ là sự tra tấn
Ông Farooq Yusof là một thầy giáo tiên phong trong việc giảng dạy chuyên sâu cho học sinh ở địa phương và ông cũng áp dụng điều này trong giáo dục 5 người con của mình. Farooq Yusof luôn tự hào rằng, ông không sinh ra thần đồng nhưng ông có thể tạo ra nhiều phiên bản thần đồng. Từ đó, cuộc sống của Sufiah Yusof và các anh chị em trong nhà chẳng khác nào bị tra tấn.
Sufiah ngồi giữa cha và mẹ, chụp ảnh cùng gia đình năm 1997, sau khi được tuyển vào đại học – Ảnh: The Star.
Buổi sáng của anh em Sufiah bắt đầu bằng nghi thức cầu nguyện theo truyền thống của đạo Hồi trước khi bước vào học trong căn phòng lạnh để nâng cao khả năng tập trung. Những thú vui giải trí như âm nhạc hay TV đều bị cấm tại nhà vì ông Farooq cho rằng chúng sẽ gieo vào đầu bọn trẻ suy nghĩ thiển cận, vô ích.
Trong quá trình học tập, ông Farooq còn sử dụng bạo lực để răn dạy các con, đây chính là lý do khiến cô bé muốn bỏ chạy.
“Khi muốn đánh thức chúng tôi dậy vào nửa đêm, ông gọi bằng cách đấm thẳng vào mặt. Đó là những thứ khủng khiếp mà chúng tôi đã trải qua khi còn bé”, ông Isaac Abraham, 34 tuổi và là anh trai của cô Sufiah, kể lại với The Telegraph.
“Khi đã trưởng thành, chúng tôi không còn muốn nói gì với cha. Ông ấy đã ngược đãi anh chị em tôi. Đó là lý do vì sao con bé Sufiah muốn trốn chạy”, Abraham nói thêm.
Ngay từ rất sớm, Farooq đã tuyên bố sẽ giúp cô con gái Sufiah vào Trường St Hilda’s College, thuộc Đại học Oxford danh giá. Và bằng sự đào tạo vô nhân tính đó, ông đã làm được việc này vào năm 1997.
Khi ấy, Sufiah Yusof nổi lên như một hiện tượng, mọi người gọi cô với cái tên không thể ngưỡng mộ hơn: “Thần đồng toán học”. 13 tuổi, khi các bạn đồng trang lứa vẫn đang vật lộn với những công thức đơn giản thì cô bé đã trở thành tân sinh viên của Đại học Oxford danh tiếng tại Anh.
Sufiah (đứng giữa) từng là thần đồng toán học của nước Anh
Sự tự tin của ông Farooq ngày càng được nâng cao khi ngoài Sufiah, các anh chị cô cũng lần lượt đậu đại học vào năm 12 và 15 tuổi. Ông thường xuyên nhấn mạnh thành tựu của con cái đều do một tay ông dạy dỗ chứ không hề quan tâm đến năng lực thực sự của chúng.
Chạy trốn khỏi Oxford
Tại Oxford, Sufiah có những ngày tháng sống và hoạt động như một sinh viên chân chính. Cô tham gia vào các tổ chức, hiệp hội của trường và góp sức chống lại chính sách tăng học phí. Song, có một điều không thể thay đổi, đó là cô vẫn chịu sự kìm kẹp từ người cha độc tài.
Đến năm 2000, cô gái 16 tuổi đã vùng dậy và trốn khỏi Oxford để tự cứu lấy chính mình.
Cô sống ở thị trấn Bournemouth, nằm ở ven biển nước Anh, kiếm tiền bằng công việc bồi bàn ở một quán internet. Sufiah quyết không trở về nhà, cô gái trẻ viết một email gửi cho gia đình, mô tả cuộc sống thời thơ ấu của mình chẳng khác nào “địa ngục trần gian”.
Trong thư, Sufiah kể về khoảng thời gian chịu đựng ngược đãi cả về thể chất lẫn tinh thần. Năm 11 tuổi, cô từng 2 lần muốn tự sát và không biết bao lần phải khóc. Sau này, anh trai của Sufiah cũng tố cáo anh em cô đã bị cha mẹ lạm dụng, ép buộc quá đáng.
Vào năm 2003, Sufiah chỉ quay lại học tiếp khi có một gia đình khác nhận nuôi. Cô yêu chàng sinh viên luật Jonathan Marshall và kết hôn vào năm 2004.
Thần đồng một thời gây tiếc nuối khi trở thành gái bán dâm
Sufiah hoàn thành khóa học ở Oxford nhưng không được cấp bằng vì chưa qua các bài kiểm tra cuối cùng. Do Marshall theo đuổi công việc nên hai người chuyển đến sống ở London rồi Singapore.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân kéo dài chưa đến 2 năm thì đổ vỡ. Ông Marshall cho biết cả hai xuất hiện nhiều bất đồng, con đường mà mỗi người muốn đi lại khác xa nhau nên tất yếu dẫn đến chia tay. Marshall thừa nhận ông rất bất ngờ với những gì mà vợ cũ đã chịu đựng khi còn là một đứa trẻ.
Sau khi chia tay, Sufiah quyết định đăng ký vào Đại học London để học kinh tế vào năm 2005. Hai năm sau, nhiều người ngỡ ngàng khi phát hiện cô đang làm gái bán hoa. Sufiah để lại số điện thoại và thông tin của mình trên internet.
Những ai có nhu cầu có thể gọi cho cô, cùng hẹn hò, trò chuyện và tất cả mọi thứ. Giá cô đưa ra là hơn 170 USD/giờ, khoảng 3,8 triệu đồng, theo Daily Mail.
Tin tức về thần đồng toán học một thời bỗng chốc trở thành gái bán hoa khiến dư luận không khỏi bất ngờ nhưng nhờ đó mà biết được phương pháp đào tạo thiên tài kinh khủng của bố cô.
Dù được dư luận tìm thấy trong hoàn cảnh khác xa với trí tưởng tượng của mọi người về cuộc đời của một thiên tài nhưng Sufiah không hề cảm thấy ngại ngùng mà ngược lại còn cảm thấy tự hào vì giờ cô có thể sống theo ý mình muốn chứ không như một con rối để mặc cho bố thao túng. Cũng bởi vì cuộc đời trước đây chỉ có học, Sufiah không có lấy một người bạn thân trong suốt cả tuổi thơ.
Sufiah đầu năm 2016 hài lòng với cuộc sống hiện tại khi được tự do làm điều mình yêu thích – Ảnh: inquiringfeminist
Câu chuyện của Sufiah mỗi khi nhắc lại đều khiến người ta tiếc nuối. Sự kỳ vọng quá lớn của các bậc phụ huynh đôi khi lại đi chệch hướng, đẩy chính các con của mình vào đường cùng thay vì muốn tốt cho chúng. Hầu hết các chuyên gia tâm lý đều phản đối lối tư duy và phương pháp đào tạo bắt các con “chín ép” của không ít các bậc phụ huynh.
Tiến sĩ Peter Congdon, nhà tư vấn tâm lý giáo dục và giám đốc của Trung tâm quà tặng trẻ em ở Anh khẳng định việc cho những đứa trẻ chỉ mới 14 tuổi đi học đại học là phá hủy tuổi thơ của chúng. “Theo những gì tôi nghiên cứu thì thiên tài có nhiều ngã rẽ khác nhau trong cuộc sống, chúng có thể trở thành nhà triết học uyên bác nhưng có không ít lầm đường lỡ bước, sa đà vào những việc làm vi phạm pháp luật”, ông nói.
Tổng hợp
Kenh14.vn – Trang chủ – RSS Feed
Nguồn: Sưu Tầm internet