Nhà chức trách Colombia cho biết họ có kế hoạch trục vớt xác tàu đắm San José trong tương lai gần. Con tàu này được cho là chở số hàng hóa, tiền vàng trị giá hàng tỷ USD.
Xác tàu đắm 300 năm tuổi này vốn là một đề tài thu hút sự quan tâm của truyền thông và dư luận quốc tế. Xác tàu không chỉ có giá trị về mặt khảo cổ mà còn được xem như một kho báu có giá trị kinh tế lớn.
Việc trục vớt con tàu thực ra không nhận được sự ủng hộ của các nhà khảo cổ, bởi quá trình đưa xác tàu lên khỏi đáy biển có thể sẽ gây tổn hại nặng nề cho những gì còn lại của con tàu.
Bộ trưởng Văn hóa của Colombia – ông Juan David Correa – cho biết những nỗ lực đầu tiên trong việc trục vớt con tàu sẽ được tiến hành trong khoảng thời gian từ tháng 4 tới tháng 5 năm sau, phụ thuộc vào tình trạng thời tiết tại vùng biển Caribbe ở thời điểm ấy. Theo ông Correa, đây sẽ là một hoạt động phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học.
Ông Correa khẳng định nhà chức trách Colombia nhìn nhận xác tàu San José là một di chỉ khảo cổ, không phải một kho báu. Hoạt động trục vớt được tiến hành với mục đích để Colombia trở thành quốc gia đi đầu trong hoạt động nghiên cứu khảo cổ dưới đáy biển.
Nhà chức trách Colombia cho biết họ có kế hoạch trục vớt xác tàu đắm San José trong tương lai gần (Ảnh: Daily Mail).
Xác tàu San José được cho là có chứa khối lượng vàng và bạc khá lớn, bên cạnh đó là các loại đá quý và nhiều hàng hóa đắt giá khác. Ước tính giá trị những hàng hóa mà tàu San José chuyên chở có giá trị lên tới hàng tỷ USD tính ở thời điểm hiện tại.
Ông Correa cho biết nếu có các mẫu vật được lấy lên từ xác tàu đắm, họ sẽ giữ tất cả ở trên một con tàu hải quân đậu gần địa điểm trục vớt xác tàu San José. Các mẫu vật này sẽ được sử dụng để phục vụ nghiên cứu. Dựa trên những kết quả thu về ban đầu, những nỗ lực tiếp theo sẽ được tiến hành ở mức độ phù hợp.
Xác tàu San José được tìm thấy hồi năm 2015 và từng là đối tượng của những tranh chấp pháp lý. Tàu San José bị đắm năm 1708 ở vùng biển Caribbe, ngoài khơi thành phố cảng Cartagena của Colombia.
Tàu San José bị chìm khi phải đương đầu với một cuộc tấn công trên biển. San José nằm trong đội tàu của nhà vua Tây Ban Nha Philip V. Khi đó, mối quan hệ giữa Tây Ban Nha và Anh rất xấu, vì vậy, tàu San José của vua Philip V đã bị tàu của hải quân Anh tấn công và đánh đắm.
Phát hiện khảo cổ xoay quanh xác tàu San José từng bị phủ bóng đen pháp lý bởi những tranh chấp. Một công ty chuyên tìm kiếm xác tàu đắm có trụ sở đặt tại Mỹ – công ty Armada – cũng từng tuyên bố quyền sở hữu đối với xác tàu đắm San José.
Thực tế, những tranh chấp kiểu này xung quanh những xác tàu đắm mang giá trị lịch sử và vật chất vốn không hiếm trong hoạt động truy tìm những kho báu hàng hải bị thất lạc.
Phát hiện khảo cổ xoay quanh xác tàu San José từng bị phủ bóng đen pháp lý bởi những tranh chấp (Ảnh: Daily Mail).
Về phía công ty chuyên tìm kiếm xác tàu đắm Armada, họ cho biết từ năm 1981 đã tuyên bố khoanh vùng được vị trí con tàu đắm. Tại thời điểm đó, công ty Armada và chính phủ Colombia là những đối tác trong việc tìm kiếm xác tàu San José.
Tuy vậy, nhà chức trách Colombia đã “độc lập tác chiến” trong những phần việc về sau này và không chia sẻ “kho báu” với công ty Armada. Năm 2011, một phiên tòa phân xử đã được mở ra ở Mỹ, tòa đã tuyên bố rằng giá trị vật chất của tàu đắm San José, nếu được tìm thấy, sẽ thuộc về phía Colombia.
Thực tế, phía Tây Ban Nha cũng từng cho rằng họ có quyền sở hữu đối với xác tàu đắm San José bởi con tàu này vốn nằm trong đội tàu của nhà vua Tây Ban Nha Philip V. Dù vậy, sau cùng, Colombia là phía có toàn quyền xử lý đối với xác tàu đắm nằm trên hải phận của mình.
Ở tại thời điểm bị đắm, tàu San José chở 11 triệu đồng vàng, đồng bạc cùng nhiều đá quý, đồ gốm sứ, hàng hóa đắt tiền. Đó là kho báu gom từ các xứ thuộc địa của Tây Ban Nha thời bấy giờ.
Từ lâu, trong giới săn tìm kho báu hàng hải, tàu San José đã rất nổi tiếng và được ví như một “thánh tích” bởi con tàu chở một trong những kho báu giá trị nhất từng xuất hiện trong lịch sử hàng hải thế giới.
Nhà chức trách Colombia đánh giá việc tìm thấy xác tàu San José là một trong những phát hiện vĩ đại nhất. Xác tàu đắm San José sau khi được trục vớt hoàn chỉnh sẽ được lập hồ sơ để đệ trình lên Liên Hợp Quốc xem xét công nhận là di sản văn hóa.
Vào giữa thế kỷ 16-18, chế độ phong kiến Tây Ban Nha phát triển cực thịnh, những đội tàu của Tây Ban Nha thường thực hiện các chuyến hải trình qua lại giữa Châu Âu và Châu Mỹ. Những thuyền này vận chuyển hàng hóa từ Châu Âu tới các xứ thuộc địa của Tây Ban Nha ở Châu Mỹ, đổi lại, những con thuyền này khi trở về Tây Ban Nha đều chất đầy vàng bạc, châu báu và của cải.
Tàu San José có 3 tầng sàn, có chiều dài thân tàu 45 mét, chiều rộng sàn tàu 14 mét, trên tàu có lắp 64 giá súng, có cả những khẩu thần công đúc bằng đồng vẫn còn ở tình trạng tốt.
Theo The Guardian
Văn hóa | Báo Dân trí