Biên kịch Trịnh Thanh Nhã, vợ của nhà văn Lê Phương – biên kịch phim Biệt động Sài Gòn xót xa chia sẻ với Dân Việt: “Nghe tin anh, đạo diễn Long Vân từ trần, choáng mất một lúc tôi mới gọi điện cho chị Kim Cương vợ anh được. Nghe chị khóc mà lòng tôi cũng tan nát. Anh ốm đã lâu, tôi cũng đã đến thăm anh ở nhà đôi lần. Rồi biết anh nhập viện, tôi cứ tự hứa sẽ đến thăm nhưng gọi chị mấy lần không được nên chẳng biết đến đâu để thăm. Và bây giờ là tin anh đã đi xa. Vậy là cặp bài trùng trong nghề điện ảnh Long Vân – Lê Phương đã cùng khuất bóng. Trống vắng quá.
Hy vọng là họ đã gặp nhau để tiếp tục cãi vã rồi lại cùng tâm đắc tạo nên những tác phẩm chung. Hơi tiếc và cũng lạ lùng là cả hai người bạn ấy đều không có sự tưởng thưởng nào tôn vinh cá nhân họ, dù những cống hiến của họ cho điện ảnh Việt một thời là không hề nhỏ. Có lẽ họ giống nhau ở sự cống hiến hết mình, và cũng giống nhau ở cái kiểu “ngất ngưởng vô tư” trước mọi danh lợi ở đời. Bởi thế mà họ thân nhau mãi mãi”.
Đạo diễn Long Vân nhưng chưa từng được trao tặng danh hiệu
Chia sẻ những kỷ niệm về đạo diễn Long Vân, biên kịch Trịnh Thanh Nhã bày tỏ: “Ngoài đời, phía sau phim ảnh, ông là người rất đơn giản. Ông rất sướng vì có vợ rất đảm đang, sau đó là con gái Vân Dung là doanh nhân thành đạt, lo toan hết mọi thứ nên không phải nghĩ ngợi gì về mặt vật chất. Ông chơi khá rộng với diễn viên vì họ là người chuyển tải những suy nghĩ, ý tưởng của ông.
Niềm vui thường trực của ông là nhậu. Lúc nhậu ông chỉ uống chứ không ăn. Trong cuộc “trà dư tửu hậu” mà nói lệch ra ngoài phim ảnh thì ông im lặng. Chỉ khi nào nói đến phim thì ông mới linh hoạt và hào hứng một cách lạ lùng. Ông không thích những câu chuyện trong đời sống thường nhật vì ông không phải lo toan gì. Còn các quan hệ bạn bè ông không tranh luận với ai bao giờ. Chỉ trong các tranh luận về công việc thì ông có thể cãi nhau với biên kịch triền miên để đi tới đồng thuận.
Xong việc thì thôi, ông không bao giờ ngoái lại để đánh giá lại bản thân mình tại sao lại không được cái này cái kia. Những băn khoăn đó hầu như ông không có. Đó là những nét phổ biến của ông mà chúng tôi nhìn thấy. Vũ trụ của ông chỉ có niềm đam mê điện ảnh mà không có gì khác, đó là điều anh em vừa thương, vừa hay lấy ra trêu trọc ông.
Mọi người cũng nói với ông rằng: “Anh hoàn toàn có thể được giải thưởng Nhà nước” nhưng ông bảo “Phiền lắm!”. Ông thấy các thủ tục hành chính rất phiền phức chứ không phải ông kiêu ngạo. Ông thấy ai được giải thường gì ông cũng vui, mừng cho họ. Nhưng với bản thân mình không bao giờ ông nghĩ rằng mình đã cống hiến cái này thì phải được cái gì.
Chưa bao giờ tôi nghe thấy ông đề cập đến nội dung tương tự. Có ai nói đến ông cũng đều gạt đi ông bảo “Mệt lắm”. Có thể trong ý thức của ông những giải thưởng chỉ mang lại một số tiền bạc thôi, mà ông không cần tiền. Chồng tôi cũng thế nên tôi rất hiểu. Họ không nghĩ đến danh hiệu, giá trị giải thưởng, không có trong suy nghĩ của họ chứ không phải họ coi thường. Họ không có thời gian cho việc ấy.
Hầu như không bao giờ ông nói về niềm tự hào bản thân hay chê bai các đạo diễn khác. Tất cả những việc ông là những việc đang muốn làm và chưa làm được là nỗi băn khoăn của ông. Không bao giờ ông ngoái lại để tự mãn những gì đã làm xong. Nhưng đã theo đuổi cái gì thì ông theo đuổi đến cùng.
Còn sau nay khi đã yếu rồi, những ý nghĩ về các dự án vẫn ở trong đầu ông. Ông vẫn giữ kịch bản và mong muốn để làm được nó. Không được thì ông cứ nghĩ, loay hoay tìm mối quan hệ, tìm cách để làm được nó.
Vợ chồng tôi và ông gặp nhau khá nhiều, thỉnh thoảng nhớ nhau lại gọi nhau ra cà phê. Tôi thấy hai ông lại “âm mưu”. Quanh năm ngày tháng như thế mà lực bất tòng tâm không làm được. Nhưng hai ông cũng không thấy buồn về điều đó, vẫn cứ “âm mưu” đến đâu được đến đó. Tôi hay đùa hai ông cứ gặp nhau là “âm mưu” kiểu “cái này phải gặp ông này sẽ làm được cho mình”. Tôi không bao giờ nghe thấy các ông nói “Đáng lẽ ai đó phải cho mình cái này cái kia”.
Cả hai ông đều chưa từng có nhà hay danh hiệu nào của nhà nước, cơ quan. Nhưng mối quan tâm đó không nằm trong vũ trụ sống của họ. Họ nghệ sĩ đến từng chân tơ kẽ tóc. Nghe thấy ai được giải thưởng các ông đều cười rất vui sướng nhưng không hề nghĩ là mình không được.
Tôi nhớ có Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8, lúc đó Biệt động Sài Gòn rất có tiếng vang. Tập 3 được đưa vào tranh giải. Tất cả mọi người đều nói phim sẽ đoạt giải, nhưng cuối cùng không được giải. Sau đó tôi thấy ông nằm quay mặt vào tường khách sạn, ông rất buồn. Nhưng chỉ thế thôi rồi hôm sau ông qua hết. Sau đó không bao giờ ông nhắc lại chuyện đó hay trách móc ai. Năm đó Hãng phim truyện Việt Nam chiếm gần hết giải của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 nhưng ông không có một giải thưởng nào. Bộ phim Biệt động Sài Gòn cũng chưa từng có giải thưởng nào.
Tôi cũng từng nói với chị Kim Cương là làm hồ sơ cho ông xét nhưng chị bảo “Ông có cần đâu!”. Cả gia đình đều như vậy”.
NSƯT Hà Xuyên đau xót chia sẻ trên trang cá nhân: “Vừa hạ cánh xuống sân bay Phú Quốc, tắt chế độ máy bay và thấy bài đăng của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã. Vậy là đạo diễn Long Vân đã bỏ chúng ta ra đi, thế là “cha và mẹ” của Biệt động Sài Gòn – nhà văn nhà biên kịch Lê Phương rời cõi tạm rồi bây giờ là đạo diễn Long Vân.
Ba năm đuợc sống và làm việc với đạo diễn Long Vân – một nguời tâm huyết với nghề, rút hết ruột gan với đam mê cháy bỏng khi làm nghề đủ thấy anh yêu nghề đến thế nào. Nhờ sự quyết đoán của đạo diễn Long Vân mà Hà Xuyên có một vai diễn để đời – Ngọc Mai – Z20 trong Biệt động Sài Gòn. Tôi viết tới đây thì “Cái gì cay cay trong mắt, cái gì mằn mặn trên môi…” Tôi đã khóc khi đuợc tin anh đi xa và mình thật sốc mỗi khi Biệt động lại chia ly một nguời…
Vẫn biết rằng “sinh, lão, bệnh, tử”… nhưng sao lòng cứ nặng trĩu khi phải chia ly những nguời thầy, nguời anh và người bạn. Vĩnh biệt anh – mong anh ra đi thanh thản và cầu xin cho anh sớm tiêu diêu nơi miền cực lạc anh nhé”.
NSƯT Thanh Loan hiện đang ở Úc, chị đau lòng chia sẻ trên trang cá nhân: “Vô cùng thương tiếc đạo diễn Long Vân – một người tài năng đức độ, khiêm nhường… đã cưỡi hạc bay về trời! Cầu mong anh sớm siêu sinh tịnh độ gặp nhà biên kịch Lê Phương – đã cùng nhau làm nên những tác phẩm kinh điển cho điện ảnh Việt Nam, không thể lãng quên.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet