Moonage Daydream, bộ phim tài liệu của đạo diễn Brett Morgen về cuộc đời và triết lý sáng tạo của David Bowie được đề cử “Phim âm nhạc hay nhất” tại Grammy 2024 cùng nhiều đề cử giải thưởng khác, như một nỗ lực kết nối lại tất cả các mảnh ghép làm nên chính huyền thoại này, để trả lời cho thắc mắc ấy.
David Bowie là ai?
Nổi tiếng vào thập niên 1970, một thời đại mà David Bowie mô tả là mọi giá trị truyền thống đều bị bật rễ, “mọi thứ đều là rác rưởi còn mọi rác rưởi lại đều tuyệt vời”, sự xuất hiện của Bowie và cách mà ông điều hướng sự nghiệp độc nhất vô nhị của mình có lẽ vẫn luôn là một trong những bí ẩn lớn nhất của văn hoá đại chúng.
Moonage Daydream | Official Trailer | HBO
Nhưng trước hết, David Bowie là ai? Câu hỏi tưởng vô nghĩa vì người yêu âm nhạc hẳn đều biết Bowie là ai. Nhưng ông thực sự là ai?
Bằng cách kể chuyện phi tuyến tính và đầy hư ảo như dẫn vào một cõi không-thời gian khác, không giống với đại đa số phim tài liệu tiểu sử hiện nay, Moonage Daydream tái hiện lại cảm giác của chúng ta khi bước vào thế giới nghệ thuật của Bowie – cảm giác bị mê hoặc, nhưng rốt cuộc, không thể hiểu được ông.
Cuốn sách thay đổi cuộc đời Bowie là Trên đường của Jack Kerouac, và chuyến hành trình của ông trên Trái Đất này cũng luôn trong trạng thái trên đường.
Ông liên tục tạo ra các hình tượng nhân vật cho chính mình: ta còn chưa quên Ziggy Stardust – ngôi sao nhạc rock lưỡng tính đến từ hành tinh khác thì ông đã trở thành Aladdin Sane với tia chớp biểu tượng trên nửa gương mặt, hay Công Tước Trắng Mảnh Mai căm ghét con người.
Âm nhạc là không đủ với Bowie – ông phải giải phóng mình qua các phương thức biểu đạt khác nữa, như vẽ tranh, nặn tượng, mở triển lãm, đóng phim, đóng kịch Broadway, không bao giờ chịu ở yên một chỗ.
Ông cũng dịch chuyển địa điểm sống của mình liên tục, từ châu Âu sang châu Mỹ, từ châu Mỹ sang châu Á.
Ông tự nhận mỗi ngày mình theo một “đạo”, thứ Ba là đạo Phật nhưng sang thứ Năm lại tôn thờ Nietzsche.
Nghệ thuật của Bowie là sự pha trộn của đủ các dòng chảy văn hoá, từ kịch kabuki Nhật Bản đến chủ nghĩa biểu hiện Đức trong điện ảnh.
David Bowie từ chối việc bị định nghĩa đến mức khi người ta đã quen nhìn ông như một nghệ sĩ thách thức mọi giới hạn, thì bỗng nhiên, ông thử nghiệm trở thành một ngôi sao giải trí theo đúng nghĩa của nó.
Để rồi khi ông đã chán vai diễn hời hợt ấy và chẳng tìm thấy mục đích sống ở đó, ông lại dễ dàng từ bỏ hào quang.
Moonage Daydream tập hợp được cả những thước phim hiếm có nhất, những thước phim chưa từng được công bố của David Bowie – có cả những thước phim khi ông tập kịch, khi ông đảo trang và khoác lên mình một bộ sưu tập đồ cho nữ giới, khi ông mặt mũi lấm lem màu vẽ, thậm chí cả thước phim khi ông nằm trong phòng hoá trang và được phết lên một lớp thạch cao dày cộp.
Nhưng sau cùng, chúng ta vẫn chỉ được biết những gì đã làm nên David Bowie, nhưng ai mới là David Bowie thì ta không hiểu nổi.
Nghệ thuật nằm ở sự tìm kiếm
Dù vậy, tại sao phải tìm?
David Bowie nói rằng vị trí tốt nhất không phải vị trí an toàn, mà là vị trí khi ta cảm thấy bất an – vị trí khi ta bơi ra xa và chân không còn chạm đất.
Khi được hỏi về triết lý sáng tạo, ông chia sẻ rằng ông rất sợ những đích đến, “vì với tôi, nghệ thuật là về sự kiếm tìm, và nếu bạn đến được một điểm đến, nơi bạn nghĩ mình đã có được một khám phá, thì tôi cho rằng, Chúa ơi, điều đó thực sự làm tan rã tinh thần.”
Bản thân cuộc đời David Bowie đã là một tác phẩm nghệ thuật. Đời chỉ là một tấm toan trắng và ông liên tục vẽ lên đó những thể nghiệm sắc màu, vậy thì không cần thiết phải tìm ra David Bowie là ai cả. Quan trọng là không ngừng đi tìm.
Trong thế giới hiện đại nơi nghệ thuật cũng bị biến thành một dạng “nội dung” (content) có công thức, có sự giúp sức có dữ liệu lớn nhằm đánh trúng thị hiếu đám đông, được xem chuyến du hành kỳ diệu của một nghệ sĩ nguyên bản như David Bowie, người luôn khiến khán giả phải tìm mình thay vì ngược lại, giống như một sự rửa tội.
Trả lời cho câu hỏi đầu bài, có lẽ David Bowie đã lấp đầy sự trống rỗng của một thế giới mất đức tin vào Chúa bằng đức tin của mình vào cuộc sống.
Dù từng viết nên Rock ‘n’ Roll Suicide với phần lời có một anh chàng rap cả đêm về tự sát và tự lấy mạng mình năm 25 tuổi, nhưng Bowie thừa nhận mình là tín đồ của tình yêu cuộc sống. Mà cuộc sống là gì nếu không phải sự thay đổi từng giây?
Là người say mê Phật giáo, Bowie biết rằng mọi thứ là vô thường, mỗi phút giây đều có thứ gì đó chết đi và thứ khác sinh ra.
Đó là lý do vì sao nghệ thuật của ông luôn biến hoá, luôn thay đổi.
Ngay cả khi cái chết cận kề thì với ông, đó cũng chỉ là một hoá thân khác, như nhân vật Tiên Tri Mù trong album cuối đời. Có lẽ như người ta vẫn nói, với những tâm hồn vĩ đại thì cái chết chỉ là một cuộc phiêu lưu mới mà thôi.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed