Nhà thờ Chợ Quán được xem là thánh đường cổ nhất Sài Gòn với tuổi đời 300 năm. Trải qua nhiều lần bị tàn phá do chiến tranh, đến năm 1882, nhà thờ Chợ Quán được cha Hamm xây dựng lại trên nền đất cũ cho đến ngày nay.
Còn một tuần nữa là đến Giáng sinh, nhà thờ Chợ Quán đã chăng đèn, kết hoa lung linh để đón người trong và ngoại Đạo đến sinh hoạt, vui chơi.
Nhà thờ Chợ Quán tọa lạc trên đường Trần Bình Trọng (quận 5). Nhà thờ có tổng diện tích khoảng 16.000m2, nằm lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc.
Mặt bằng nhà thờ bố trí theo lối kiến trúc nhà thờ cổ, gồm năm gian trải dài từ lối vào chính – tháp chuông đến Cung thánh.
Nhà thờ Chợ Quán có tháp chuông gồm ba tầng: tầng kéo chuông, tầng để chuông và tầng mái trên cùng với 5 quả chuông. Những quả chuông này được đúc từ Pháp và vận chuyển về Việt Nam bằng đường tàu thủy. Để kéo chuông lên mỗi tháp, người ta sử dụng năm con voi.
Trong năm quả chuông tại nhà thờ Chợ Quán có hai quả dùng để kéo trong ngày thường, hai quả dùng cho các dịp lễ quan trọng và một quả chuông dùng để báo tử. Chỉ vào những dịp lễ đặc biệt thì cả năm quả chuông này mới được kéo cùng một lúc.
Công trình này mang kiến trúc Romanesque, các cánh cửa đều theo cấu trúc mái vòm, những cột đá to với những hoa văn độc đáo và lợp ngói đỏ. Mặt bên nhà thờ đơn giản với dãy cửa sổ vòm, gờ chỉ, cửa sổ lá sách kính, bộ mặt kiến trúc bề ngoài công trình mang chung một gam màu vàng nhạt.
Khuôn viên nhà thờ Chợ Quán có nhiều cây xanh nên đây là điểm người dân hay chọn để đi dạo mát, tập thể dục vào mỗi buổi chiều.
“Gia đình tôi không theo Đạo nhưng chiều nào tôi cũng đến đây để đi bộ, tập thể dục bởi khuôn viên nhà thờ rất rộng rãi, thoáng mát lại không có xe cộ qua lại”, ông Hoàng (ngụ quận 5) chia sẻ.
Phía sau lưng nhà thờ Chợ Quán có thờ tượng thánh Matino, ông là vị thánh quan thầy của những người đa sắc tộc và những người ủng hộ sự hòa hợp giữa các chủng tộc.
Gian chính nhà thờ Chợ Quán được sơn màu vàng nhạt với các mái vòm cong đặc trưng. Không gian rộng rãi với 6 dãy ghế đủ chỗ cho khoảng 1.500 giáo dân dự lễ.
Khu Cung thánh được trang trí khá đơn giản nhưng vô cùng trang nghiêm với bức tượng chúa trên cây thánh giá.
Hai bên gian chính được bài trí nhiều tượng thánh với đầy đủ kích cỡ.
Nhà thờ Chợ Quán là nơi sinh hoạt tôn giáo của hàng trăm giáo dân sinh sống trên địa bàn TPHCM.
Bên trong nhà thờ còn đặt mộ phần của cha Hamm, người đã xây dựng nên nhà thờ Chợ Quán.
Ngoài là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, nhà thờ Chợ Quán còn là điểm đến du lịch cho người dân và du khách thập phương. Trừ các khung giờ làm lễ, mọi người có thể ghé tham quan nhà thờ vào tất cả các ngày trong tuần.
Văn hóa | Báo Dân trí