Văn hóa Đông Sơn cách nay 2.500-2.000 năm là nền văn hóa khảo cổ thuộc thời đại kim khí ở Việt Nam, được các nhà khảo cổ học đặt tên dựa vào phát hiện ngẫu nhiên một nhóm đồ đồng cổ tại làng Đông Sơn ở ven bờ sông Mã (Thanh Hóa) vào năm 1924. Di vật văn hóa Đông Sơn đa dạng, mang tính thẩm mỹ cao, tiêu biểu là trống đồng Đông Sơn.
Chiếc trống đồng có niên đại thế kỷ 2 – thế kỷ 1 trước CN, được sưu tầm tại thị trấn Sao Vàng (Thanh Hóa) là chiếc trống đồng Đông Sơn có kích thước lớn nhất từng được phát hiện tại Việt Nam. Trống hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia qua chuyên đề “Âm vang Đông Sơn”.
Người xưa làm thế nào để đúc được những chiếc trống có kích thước lớn, hoa văn tinh xảo như vậy là một bí ẩn chưa có lời giải.
Các đợt khai quật năm 2014-2015 đã phát hiện gần 1.000 mảnh khuôn đúc trống, bao gồm cả khuôn ngoài và khuôn trong ở các vị trí mặt, tang, lưng và chân trống. Trong ảnh là mảnh khuôn đúc trống bằng đất nung thế kỷ 3-4 được khai quật tại di tích Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Chất liệu làm khuôn là đất sét trộn trấu pha thêm sỏi nhỏ, được nung ở nhiệt độ 900 độ C.
Luy Lâu là trị sở của quận Giao Chỉ thời Hán, đồng thời là trung tâm kinh tế, văn hóa, tôn giáo giai đoạn 10 thế kỷ đầu công nguyên. Năm 1998, nhà khảo cổ học Nhật Bản Nishimura Masanari phát hiện ngẫu nhiên một mảnh khuôn đúc trống ở Luy Lâu, gây tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu.
Hoa văn được tạo bằng cách khắc trực tiếp lên khuôn (nét chìm) hoặc phương pháp in khuôn (nét nổi).
Trống Đông Sơn chủ yếu có kích thước lớn, mặt trống thường nhỏ hơn tang trống, dáng cân đối hài hòa, được chia thành 3 phần rõ rệt: Tang trống, lưng trống và chân trống. Hoa văn trang trí thường phủ kín mặt, tang và lưng trống.
Một mặt trống được sưu tầm tại Hàng Bún (Hà Nội) niên đại thế kỷ 2 – thể kỷ 1 trước CN có đặc điểm khá giống với trống đồng Đông Sơn.
Các di vật thuộc văn hóa Đông Sơn đa dạng, độc đáo, thẩm mỹ cao: Công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí, đồ trang sức…, đặc biệt những di vật bằng đồng thau được chế tác với trình độ cao. Trong ảnh là thạp đồng, niên đại thế kỷ 2 – thế kỷ 1 trước CN.
Người Đông Sơn đã tạo ra được những cây đèn có kết cấu phức tạp, kết hợp hình tượng người, hình tượng thú. Trong ảnh là những chiếc đèn treo bằng đồng, niên đại thế kỷ 2 – thế kỷ 1 trước CN.
Đèn có chân là tượng người quỳ bằng đồng, niên đại thế kỷ 2 – thế kỷ 1 trước CN.
Rìu đồng, niên đại thế kỷ 2 – thế kỷ 1 trước CN.
Dao găm bằng đồng có chuôi hình người, niên đại thế kỷ 2 – thế kỷ 1 trước CN.
Trên cơ sở nghiên cứu thông tin khoa học thu được từ mảnh khuôn đúc Luy Lâu, các nhà khảo cổ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phác dựng lại hình dáng, hoa văn chiếc trống và được đúc bởi làng nghề Chè Đông (Thanh Hóa). Trong ảnh là chiếc trống đồng được phục dựng.
Chiếc trống được đúc ra đạt yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật, độ dày, trọng lượng, hoa văn, âm thanh.
Quá trình đúc thực nghiệm đã kiểm chứng các thông tin thu thập được từ mảnh khuôn trống, cung cấp cơ sở khoa học để xem xét lại các đặc điểm của sưu tập và chức năng của một số hiện vật liên quan, từ đó hiểu rõ hơn kỹ thuật đúc trống của cư dân Đông Sơn.
Văn hóa | Báo Dân trí