Trong thời gian “nhập hội ăn xin”, phóng viên đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trước những câu chuyện, lai lịch của những người ăn xin.
Đi xe máy tới ăn xin
Thấy một nhóm phụ nữ trung niên ngồi xin quà từ thiện trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình, phóng viên lân la tiếp cận. Do chưa đến giờ nhà hảo tâm đến nên thời gian chờ đợi là thời gian nói chuyện, những phụ nữ này cho biết đều có chỗ ở gần đó, mỗi đêm họ ra đây ngồi, giả làm người vô gia cư để xin quà từ thiện. “Thấy phát quà thì mình ra nhận thôi, bỏ thì uổng, quà từ thiện mà” – một phụ nữ trong nhóm này nói với phóng viên.
“Chị sống ở chung cư, có đủ máy điều hòa, tủ lạnh. Giá thuê 9 triệu đồng/tháng và tối nào cũng ra đây ngồi xin thêm đồ” – một phụ nữ khác cho hay. Trong khi đó, người kế bên kể bản thân làm nghề rửa chén thuê với mức lương 6,5 triệu đồng/tháng, mướn nhà ở nơi khác. Thấy ở đường Trường Chinh có nhiều người phát quà từ thiện nên hơn 1 năm nay, tối nào bà cũng chạy xe máy đến, dựng xe một chỗ rồi đi bộ ra ngồi xin quà.
Người phụ nữ chở quà từ thiện xin được về nhà. Ảnh: MINH DIỄM
Những phụ nữ cũng rôm rả bàn chuyện chơi số đề. “Tui “nuôi” số này mấy tháng nay rồi, phải trúng thôi. Tối qua nằm mơ, gần lắm rồi. Không thể nào không trúng được” – một người quả quyết, đồng thời khuyến khích “ngày đánh mấy chục ngàn cho vui, có gì đâu. Dễ lắm, để chỉ cho…”
Đến khoảng 22 giờ, số người đi phát quà ít dần, những người ăn xin dọc đường lần lượt rời đi. Họ tiếc nuối trước đây có khi ngồi tới 1-2 giờ sáng vẫn có quà để nhận nhưng bây giờ số người phát quà đã giảm nên chờ đợi chỉ mất công.
Giao dịch chóng vánh
Trong số những người ăn xin mà phóng viên tiếp cận, rất ít người thực sự có nhu cầu sử dụng quà từ thiện. Đa số những món quà mà họ nhận sẽ nhanh chóng trở thành món hàng. Từ nước suối, mì ăn liền, sữa, bánh ngọt, bánh mì, bánh bao… đều được bán lại lấy tiền.
Muốn bán rất dễ bởi không hiếm người thu mua với nhiều mục đích khác nhau. Có người thu mua rồi bán lại cho tiệm tạp hóa nhằm kiếm lời, cũng có người mua về sử dụng bởi giá mua rẻ hơn giá thị trường.
Một trong số đó là bà B. Mỗi đêm, người phụ nữ khoảng 40 tuổi này đạp xe quanh tuyến đường Trường Chinh và một số tuyến đường lân cận. Chiếc xe luôn buộc theo thùng rất to. Khi chiếc thùng được chất đầy quà từ việc mua lại của người ăn xin, bà B. chở về cất trong căn phòng trọ nằm trong một con hẻm trên đường Trung Lang (quận Tân Bình), sau đó vội vã thực hiện những chuyến hàng khác. Lúc chưa có ai mang quà tới bán, bà B. “hóa thân” thành ăn xin để nhận quà từ thiện.
Bán quà từ thiện cho tiệm tạp hóa. Ảnh: MINH DIỄM
Phóng viên tiếp cận, ngỏ ý muốn bán lại những món quà vừa xin được. Thấy phóng viên là người mới, bà B. liền ép giá khi nói nước suối chỉ mua với giá 1.000 đồng/chai, sữa đậu nành 2.000 đồng/bịch, mì ăn liền 2.000 đồng/gói. Khi bị than giá mua quá thấp, bà B. tỏ thái độ khó chịu: “Bây giờ có bán không? Không bán thì biến đi chứ đừng có nói nhiều”.
Một lần khác, phóng viên bám theo người đàn ông xách túi quà to trên tay. Trước đó, người đàn ông này vừa xin vừa thu mua quà từ thiện ngay tại khu vực ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình). Địa điểm ông ta đến sau khi gom hàng là tiệm tạp hóa nằm trên đường Xuân Hồng. Tại tiệm, người đàn ông lấy ra từ bao đồ vô vàn vật phẩm như sữa, bánh, mì gói, nước suối… Tất cả đã được phân loại, đóng vào bao gọn gàng. “Tối nay là 165.000 đồng, cộng cái cũ là 245.000 đồng nha” – người đàn ông cất lời tính toán với chủ tiệm tạp hóa.
Biết bị lợi dụng nhưng…
Đều đặn 2 lần/tuần, chị Nguyễn Thị Ngọc Vân (quận Tân Bình) cùng người thân trong gia đình đi phát quà từ thiện cho người ăn xin, người vô gia cư. Theo chị Vân, có rất nhiều người không thật sự cần những món quà đó, tuy nhiên, vì số đông tới than khổ, nài nỉ, chị khó xử nên phát luôn. “Mình đi làm từ thiện mà. Ai lợi dụng thì người đó mang tội” – chị Vân tự an ủi nhưng cũng cho hay rút kinh nghiệm sau nhiều lần phát hiện những món quà từ thiện bị mang đi bán, chị chuyển sang phát thức ăn như xôi, bánh mì, bánh canh… với hy vọng ai thực sự cần mới nhận những món quà của mình.
Bà B. sắp xếp lại quà từ thiện đã mua và xin được. Ảnh: LÊ VĨNH
Với chị Đàm Thị Thu Hồng (huyện Bình Chánh), gần 1 năm nay, chị đi phát quà từ thiện tại nhiều tuyến đường của TP HCM. Những phần quà thường là xôi, bánh bao, cơm hoặc thực phẩm khô như bánh, sữa, nước suối để người nhận có thể trữ được lâu hơn.
Trao đổi với phóng viên, chị Hồng cho biết lựa chọn hình thức trực tiếp phát quà từ thiện mà không thông qua một đơn vị, tổ chức nào khác vì chị muốn biết được số tiền mình bỏ ra sẽ gồm những phần quà gì và được phát cho ai. “Nếu trao tiền cho một nhóm khác thì đôi khi cũng không biết được chính xác số tiền đó sẽ được sử dụng như thế nào. Khi đã trao cho các tổ chức thì mình cũng không thể yêu cầu sao kê để biết được chi tiết về số tiền của mình… Tôi nghĩ mình tự đi làm từ thiện sẽ tốt hơn” – chị Hồng nói.
Về chuyện có thể phát nhầm, chị Hồng bày tỏ vẫn biết một số đối tượng không thật sự cần những phần quà này nhưng “nếu người ta sử dụng không đúng mục đích thì mình cũng không để tâm lắm, vì mình đang đi làm từ thiện mà”.
Không muốn lãng phí chân tình
Chị Đoàn Thị Thanh (quận Tân Phú) cùng chung suy nghĩ bất lực nếu có người không trân trọng quà chị mang tới. “Tôi biết có không ít người lợi dụng món quà từ thiện của mình, nhưng tôi cũng nghĩ rằng đi làm từ thiện thì cứ làm thôi. Còn ai làm gì khác thì… đó là chuyện của người ta” – chị Thanh nói. Chị Thanh cũng cho hay từng bắt gặp những người cứ đều đặn tới giờ là xuất hiện, nhận quà, lựa đồ ngon, còn những đồ không phù hợp thì sẵn sàng bỏ đi. Vì thế, để không lãng phí sự chân tình hướng về những mảnh đời thực sự nghèo khó cũng như tránh cảm giác ấm ức vì lòng tốt bị lợi dụng, những lần sau này, chị đều nhìn người, phán đoán để phát quà chứ không đưa tràn lan như trước.
Người ăn xin cất quà từ thiện vừa xin được vào nhà và trở ra xin tiếp. Ảnh: LÊ VĨNH
Khi được hỏi vì sao không gửi kinh phí đến các cơ quan, tổ chức có chức năng tiếp nhận, phân phối các nguồn quà tặng để chăm lo cho người nghèo thì chị Thanh nêu lý do sẽ không biết rằng số tiền mình trao tặng có đến được tay những người thật sự cần hay không. “Tôi cứ tự đi thôi, thấy người nào cần thì tôi cho người đó” – chị Thanh lý giải về công việc xuất phát từ cái tâm của mình.
Trong những lần ngồi đợi quà từ thiện, phóng viên nhiều lần chứng kiến cảnh khi người phát quà vừa rời đi, có bà cụ vội mở cánh cửa sắt của căn nhà ngay mặt tiền đường Trường Chinh ra để cất quà vào trong. Sau đó, bà cụ này nhanh chóng kéo cửa lại, tiếp tục ngồi đợi những phần quà từ thiện khác.
(Còn tiếp)
Kenh14.vn – Trang chủ – RSS Feed
Nguồn: Sưu Tầm internet