Con người tranh đấu để được làm “người”
Nhà văn trẻ Phát Dương mang trong lòng nhiều trăn trở và day dứt về cuộc sống hiện đại đã viết nên tập truyện ngắn 2 người trong 1 ngăn tủ. Cuốn sách dày 200 trang, do Nhà xuất bản Trẻ phát hành.
2 người trong 1 ngăn tủ tạo dựng nên thế giới giả tưởng hậu hiện đại để soi rọi và chiêm nghiệm thực tại cùng những ẩn ức của con người.
Qua từng trang viết, độc giả sẽ thấy được sự vẫy vùng, tranh đấu để con người được làm “người” trong một thế giới buộc họ phải biến thành những cỗ máy lãnh đạm và trống rỗng.
Cuốn sách gồm 12 truyện ngắn, mở ra mỗi thế giới, mỗi không gian giả tưởng đầy kỳ ảo.
Trong đó có một tương lai nơi con người phải chui trong những cái tủ lơ lửng mà “mỗi ngăn chỉ được phép có hai sinh vật”.
Có thành phố nơi con người phải đeo mặt nạ để làm việc, phải thi tuyển để giành một suất vào đó sống.
Có chiếc đồng hồ cát xoay chuyển thời gian, có những “tàn tích” để con người vào đó nhặt lại gương mặt, có những “khách sạn trên lưng mèo”.
Bằng cách kể chuyện đan xen hiện thực và huyền ảo, Phát Dương khéo léo lồng ghép thế giới giả tưởng với thực tại.
Trong đó, anh nhân viên hoặc đi làm những ngày tẻ nhạt, hoặc tranh suất lên lương; cậu sinh viên mua sách cũ, ở nhà trọ, ngồi quán cà phê thảo luận bài tập nhóm; người dân quê chen chân vào thành phố mong đổi đời.
Sự pha trộn trên tạo nên một thế giới vừa lạ lẫm vừa quen thuộc, với những điều tưởng như phi lý nhưng lại đang dần trở nên bình thường trong thực tế của con người.
Quen thuộc là sự đơn điệu của công việc, sự thờ ơ của con người, sự lạnh lùng của cuộc cạnh tranh để sống còn hay để vươn lên, sự nghiệt ngã của thời gian. Nhưng những điều đó được Phát Dương đẩy cao đến cực điểm, con người đánh mất nhân dạng, đánh mất tình người, đánh mất chính mình, đánh mất tương lai.
Trong truyện ngắn Mọt, thế giới của nhân vật chính dần bị xâm chiếm bởi lũ mọt chuyên gặm những cuốn sách “nông cạn, hời hợt”, rồi chính anh dần bị chúng gặm nhấm và biến thành một con mọt.
Đọc truyện của Phát Dương, độc giả sẽ giật mình thấy chính mình trong đó. Cây bút trẻ dường như đã khám phá đến tận cùng những lo âu và nỗi sợ đời thường.
Độc giả bị thôi thúc phải nhìn lại và đưa ra lựa chọn: thờ ơ hay đối diện, giả tạo hay chân thành, hững hờ hay quyết liệt. Khi đời sống con người chẳng khác mấy so với robot thì cũng là lúc phần người trong mỗi cá nhân trỗi dậy.
Phát Dương đã chứng tỏ một trí tưởng tượng phong phú, đẹp đẽ và bất ngờ. Một tác phẩm gây giật mình trước tiếng nổ của hành tinh và tiếng thì thầm như vết cứa từ tâm thức của tác giả.
Yếu tố giả tưởng hậu hiện đại
Trong 2 người trong 1 ngăn tủ, tác giả đã mượn thế giới hậu hiện đại để nói về thế giới hiện đại, đưa ra một tấm gương để con người nhìn rõ thực tại và chính mình.
Trong thế giới hậu hiện đại đó, sự tiện nghi, đồng bộ và sung túc được đặt lên hàng đầu. Tất cả đều được “tối ưu hóa” để mỗi thế giới có thể vận hành một cách quy củ và phát triển.
Nhưng đổi lại, con người không còn bản sắc người. Con người chỉ còn là những cỗ máy tuân thủ luật lệ, làm đúng chức năng và nằm gọn trong “ngăn tủ” của họ.
Điều đáng sợ là qua ngòi bút pha trộn thực – ảo của Phát Dương, độc giả sẽ có cảm giác thế giới đó đang sắp trở thành hiện thực chứ không chỉ tồn tại trên trang giấy.
Dường như chỉ chớp mắt thôi con người sẽ biến thành một con mọt, thành những con số, thành trống rỗng.
Cuốn sách thôi thúc con người tỉnh thức, không chịu cam phận, vùng thoát khỏi guồng quay của cuộc đời và giữ lấy tính người trong bản thân.
Phát Dương (tên thật Dương Thành Phát), 28 tuổi, là hội viên Hội Nhà văn thành phố Cần Thơ, một trong những cây bút trẻ nổi bật của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Anh đã giành giải thưởng trong nhiều cuộc thi viết như Văn học tuổi 20 lần VI năm 2018, Một nửa làm đầy thế giới...
Một số tác phẩm đã xuất bản: Tự nhiên say, Bộ móng tay màu đỏ, Mở mắt mà mơ, 100 cửa sổ.
Nhà xuất bản Trẻ phát hành bốn tựa sách của các tác giả trẻ trong nước, trong định hướng đồng hành cùng tác giả Việt.
Bốn tác phẩm gồm: Lạc Đà Bay của Võ Đăng Khoa; Dị Bản của Đinh Khoa; Hai người trong một ngăn tủ của Phát Dương và Nơi không có tuyết của Huỳnh Trọng Khang.
Văn hóa | Báo Dân trí