Bên trong vỏ kén vàng, Những đứa trẻ trong sương, Tro tàn rực rỡ là những phim nghệ thuật Việt làm rạng danh xứ sở.
Điều ý nghĩa là các đạo diễn tài năng đằng sau những bộ phim này hoặc tự học, hoặc được đào tạo và trưởng thành trong nước, cũng như có sự tiếp nối thế hệ. Họ cùng nhau mở ra khả năng điện ảnh Việt vươn tầm quốc tế bằng chất lượng nghệ thuật.
Kể câu chuyện Việt Nam cho thế giới
Một điểm đặc biệt là các nhà làm phim này đều đoạt giải quốc tế bằng những bộ phim, câu chuyện Việt Nam, kể về con người Việt Nam, mang bản sắc vùng miền riêng biệt hoặc phản ánh tâm tưởng người Việt Nam trong một xã hội rất Á Đông.
Phạm Thiên Ân đứng bên Trần Anh Hùng ở Cannes
Trong vài năm trở lại đây, dòng phim độc lập của Việt Nam – dù vẫn gặp nhiều khó khăn về kinh phí – có sự phát triển khởi sắc với một số tác phẩm tranh giải, đoạt giải ở các liên hoan phim quốc tế uy tín.
Năm 2023, thành tựu lớn nhất của điện ảnh Việt có thể nói là việc Bên trong vỏ kén vàng của đạo diễn Phạm Thiên Ân giành giải Camera vàng (Caméra d’Or) – giải thưởng vinh danh các tác phẩm đầu tay xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes.
Đây được coi là sự tiếp nối thế hệ đầy ý nghĩa khi 30 năm trước, một bộ phim nói tiếng Việt – Mùa đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng – cũng từng giành giải Camera vàng tại Liên hoan phim Cannes.
Trần Anh Hùng và Phạm Thiên Ân cũng hội ngộ tại Cannes năm nay, nơi mỗi người đều đạt thành tựu của riêng mình, và đạo diễn kỳ cựu Trần Anh Hùng đã dành nhiều lời khen cho tác phẩm của đạo diễn trẻ.
Trang IndieWire đánh giá Bên trong vỏ kén vàng “là một kiệt tác cá nhân kéo dài 3 tiếng đồng hồ với sự diễn xuất chậm rãi có chủ ý.
Đó là câu chuyện đầy mê hoặc về khao khát không thể dò thấu của tâm hồn về một thế giới khác”.
Cuối năm, Bên trong vỏ kén vàng còn được xếp thứ 24 trong top 50 phim hay nhất năm của tạp chí uy tín Sight and Sound, đứng trên nhiều phim quốc tế nổi tiếng.
Đạo diễn Phạm Thiên Ân là người tự học để đến với điện ảnh. Anh không qua trường lớp, không có dịp tham gia các cộng đồng phim độc lập ở TP.HCM để tìm được những cơ hội làm phim thuận lợi hơn.
Trong quá trình làm phim, anh còn sống tại Mỹ, viết kịch bản tại Mỹ nhưng tâm hồn luôn hướng về Việt Nam, về Việt Nam quay phim, luôn suy tưởng để kể câu chuyện Việt Nam.
Sau giải thưởng ở Cannes, anh còn khẳng định với Tuổi Trẻ là “sẽ luôn làm phim về Việt Nam”.
Bùi Thạc Chuyên, Hà Lệ Diễm và sự tiếp nối thế hệ
Phim tài liệu Children of the Mist (Những đứa trẻ trong sương) của đạo diễn Hà Lệ Diễm cũng là một niềm tự hào của điện ảnh Việt khi đoạt nhiều giải quốc tế, trong nước và vào top 15 hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc tại Oscar 2023 – phim Việt Nam đầu tiên làm được điều này.
Danh sách giải thưởng của phim rất dài, có thể kể qua: Đạo diễn xuất sắc và Giải đặc biệt của ban giám khảo cho phim đầu tay tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam; Phim tài liệu quốc tế xuất sắc tại Liên hoan phim DocAviv; Giải thưởng lớn cho phim truyện tài liệu tại Liên hoan phim quốc tế về giáo dục; Phim châu Á xuất sắc tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng…
Và mới đây nhất, là giải Bông sen vàng và giải Đạo diễn xuất sắc phim tài liệu tại Liên hoan phim Việt Nam.
Hà Lệ Diễm là đạo diễn kiêm quay phim của Những đứa trẻ trong sương. Nhân vật chính là Di (15 tuổi) – cô bé người Mông xinh xắn, sắc sảo, dám nói dám làm và khao khát học hành để tự quyết về cuộc đời mình.
Sau giải Bông sen vàng, đạo diễn Hà Lệ Diễm đã gửi lời cảm ơn rất chân thành đến đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và trung tâm TPD nơi cô học nghiệp vụ làm phim.
Bởi Hà Lệ Diễm chính là học viên xuất sắc của TPD, nơi được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sáng lập và góp phần đào tạo nên nhiều nhà làm phim trẻ và giỏi hiện nay của phim độc lập Việt Nam.
Và năm nay, như một mối duyên phim Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng là phim điện ảnh Việt thành công tại các giải thưởng, trong đó có Bông sen vàng cho Phim truyện điện ảnh.
Phim cũng đoạt giải cao nhất – Montgolfière d’or (Golden Balloon) tại Liên hoan phim Ba Châu Lục (Pháp) và đại diện Việt Nam dự vòng sơ tuyển hạng mục Phim quốc tế xuất sắc tại Oscar 2024.
Phim có dấu ấn Việt Nam, đặc biệt là bức tranh văn hóa miền Tây và cộng hưởng từ văn học Việt Nam khi chuyển thể từ hai truyện ngắn Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Tương lai phim nghệ thuật Việt Nam
Trao đổi với Tin Tức Online, biên kịch – đạo diễn Kay Nguyễn nhận định qua những bộ phim trên, các đạo diễn đã thể hiện được ngôn ngữ điện ảnh có tầm nhìn quốc tế và sự va chạm quốc tế, giúp các nhà làm phim Việt có thêm ý tưởng, đề tài mới mẻ trong tương lai.
Ngoài ra, việc dòng phim nghệ thuật được tôn vinh cho thấy điện ảnh Việt Nam đang ngày càng phát triển lành mạnh, có đất cho nhiều thể loại phát triển: từ giải trí, thương mại đến phim độc lập.
Đây giống như một sự cộng sinh. Các nhà làm phim ai cũng có phần, có điều kiện được tham gia và theo đuổi “trái tim” của mình, dù trái tim đó đặt ở phim thương mại hay phim nghệ thuật.
Kay Nguyễn hy vọng điện ảnh Việt sẽ có thêm những tác phẩm đoạt nhiều giải thưởng quốc tế uy tín trong năm 2024.
Chị nói: “2024 là một năm kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng chính trong khó khăn sẽ sản sinh ra những con người khác biệt, làm ra những bộ phim đặc biệt dựa trên các trải nghiệm chân thật của chính mình”.
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, dòng phim nghệ thuật Việt Nam nên đến gần khán giả hơn. Đó là mong muốn được đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn (phim truyền hình Đất phương Nam) bộc bạch trong một hội thảo nhân nhắc đến Bên trong vỏ kén vàng.
Lâu nay, quan niệm “phim nghệ thuật kén khán giả” dường như trở thành mặc định trong tâm trí người xem và bản thân các nhà làm phim.
Trong khi đó, Anatomy of a Fall – bộ phim giành Cành cọ vàng ở Liên hoan phim Cannes năm nay – lại được đánh giá là không quá kén người xem và có doanh thu 18,3 triệu USD trên toàn thế giới.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed