Ngày 15/12, Cục THADS TP.HCM cho biết, đang làm thủ tục để phân chia hơn 82 tỷ đồng theo tỷ lệ cho hơn 4.500 bị hại trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba do Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm thực hiện.
Cụ thể, người nhận được nhiều nhất khoảng 800 triệu đồng. Đây là số tiền mà bản án tuyên và các bị cáo nộp để khắc phục hậu quả. Theo Cục THADS, dự kiến ngày 28/12, đơn vị này sẽ tiến hành kê biên các tài sản: xe, vàng, máy tính… trong vụ án để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho các bị hại.
Riêng các bất động sản của Công ty Alibaba, Cục THADS đang làm thủ tục ủy thác hồ sơ về cho các cơ quan THADS ở tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu để xử lý. Cục THADS TP.HCM chỉ xử lý duy nhất một bất động sản là trụ sở Công ty Alibaba ở TP.Thủ Đức.
Ngoài ra, Cục THADS cho biết thêm, đang tổ chức cho 58 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được tiếp tục thanh toán tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường của vợ chồng Luyện.
Sau khi 58 người hoàn thành nghĩa vụ, Cục THADS sẽ có văn bản xác nhận để họ được quyền liên hệ các cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Được biết, liên quan đến 58 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trước đó Cục THADS TP.HCM đã phải tổ chức họp liên ngành và có công văn gửi đến TAND tối cao để tìm hướng xử lý. Cũng theo Cục THADS, vụ án có hơn 4.500 bị hại được bồi thường thiệt hại tổng cộng hơn 2.445 tỷ đồng. Hiện có khoảng hơn 4.000 bị hại đã có đơn yêu cầu thi hành án gửi cho Cục THADS TP.HCM.
Theo cáo trạng vụ án, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của nhiều người dân trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín của Luyện, làm người đại diện theo pháp luật của các công ty, sau đó tổ chức mua một số lượng lớn đất nông nghiệp.
Công ty Alibaba và các công ty cùng hệ thống tự lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra các thông tin không có thật, như: Đây là các dự án có tính pháp lý đầy đủ, tự đặt tên các dự án để kêu gọi, lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư để huy động tiền từ khách hàng.
Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Nguyễn Thái Luyện sử dụng các thủ đoạn như: Cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng, kể từ ngày nộp tiền; thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng…
Với phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán, đều không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết khi đến hạn, mà được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại, theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.
Thực tế, hầu hết các dự án đều do Công ty Alibaba tự vẽ, chưa được phép phân lô tách thửa, không phải đất thổ cư như quảng cáo và thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Việc đưa ra quyền chọn hoặc các phụ lục hợp đồng kèm theo chỉ nhằm mục đích thu hút nhiều nhà đầu tư vào các dự án. Bằng các thủ đoạn nêu trên, Nguyễn Thái Luyện và đồng bọn đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.400 tỷ đồng của 4.550 khách hàng.
Ngày 19/5, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo, y án tù chung thân đối với Luyện. Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc vợ chồng bị cáo Luyện liên đới bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt hơn 2.400 tỷ đồng của hơn 4.500 bị hại mà các bị cáo đã lừa đảo.
Tin An Ninh Hinh Su