Theo The Guardian, tác giả người Na Uy Jon Fosse – người đoạt giải Nobel văn học năm nay, đã nói rằng những cuốn sách đầu tiên của ông “được đánh giá khá kém”. Nếu nghe lời các nhà phê bình, thì ông đã ngừng viết từ 40 năm trước.
Fosse – tác giả của loạt tiểu thuyết: Septology, Aliss at the Fire, Melancholy và A Shining, đã được trao giải Nobel văn học vào tháng 10 “vì những vở kịch và văn xuôi sáng tạo, mang lại tiếng nói cho những điều không thể nói được”.
Trong bài phát biểu đoạt giải, Fosse nói rằng có “nhiều vụ tự tử” trong bài viết và ông “sợ” tác phẩm của mình “có thể đã góp phần hợp pháp hóa việc tự sát”.
Tuy nhiên, sau khi nhận giải, ông đã bày tỏ cảm động hơn bất cứ điều gì, bởi những độc giả đã thẳng thắn chia sẻ rằng bài viết của ông “đã cứu mạng họ”.
“Tôi luôn biết rằng viết lách có thể cứu được mạng người, thậm chí là cứu chính tôi”, Fosse nói. “Và nếu bài viết của tôi cũng có thể giúp cứu sống người khác thì không gì có thể khiến tôi hạnh phúc hơn”.
Fosse đã sử dụng bài phát biểu để suy ngẫm về cuộc đời của mình và kể lại một tình tiết ở trường khi ông “vượt qua nỗi sợ hãi bất ngờ”.
Ông đã chạy ra bên ngoài và sau đó nói với cả lớp rằng “phải đi vệ sinh”. Cảm thấy nỗi sợ hãi đã lấy đi ngôn ngữ của mình, ông tự nhủ “phải lấy lại nó”. Fosse nhận thấy viết lách mang lại cho bản thân “cảm giác an toàn” và “làm tan biến với nỗi sợ hãi”.
Chủ nhân Nobel văn học 2023 đã so sánh giữa âm nhạc và viết lách, giải thích rằng khi còn là một thiếu niên, ông đã chuyển từ “gắn bó với âm nhạc” – có thời điểm ông khao khát trở thành một nghệ sĩ guitar rock – sang viết lách.
“Trong bài viết của mình, tôi đã cố gắng tạo ra điều gì đó mà tôi đã trải nghiệm khi chơi nhạc”, ông nói.
Fosse tiếp tục thảo luận về quá trình viết của mình. “Khi tôi viết, tại một thời điểm nhất định, tôi luôn có cảm giác rằng văn bản đã được viết rồi, ở đâu đó ngoài kia chứ không phải bên trong tôi và tôi chỉ cần viết nó ra trước khi văn bản biến mất”, ông nói.
Ông nói thêm rằng việc tiểu thuyết Septology không có một dấu chấm nào “không phải là một phát minh”.
“Tôi chỉ viết cuốn tiểu thuyết như thế, một mạch, một mạch không cần phải dừng hẳn”, ông nói.
Cuốn tiểu thuyết kể về một họa sĩ già, Asle, sống một mình ở bờ biển phía Tây Nam Na Uy và suy ngẫm về cuộc đời mình.
Jon Fosse sinh năm 1959 tại Haugesund, Na Uy. Tiểu thuyết đầu tay của ông – Raudt, svart (Đỏ, đen) – được xuất bản năm 1983. Năm 1989, ông được đánh giá cao với tiểu thuyết Naustet (Nhà thuyền).
Sau đó, ông tiếp tục viết vở kịch đầu tiên năm 1992 – Nokon kjem til å kome (Ai đó sẽ đến). Năm 1994, vở Og aldri skal vi skiljast được trình diễn ở Nhà hát Quốc gia ở Bergen.
Fosse sáng tác bằng tiếng Nynorsk (hay còn gọi là tiếng Na Uy mới). Đây là một trong hai ngôn ngữ tiêu chuẩn trong tiếng Na Uy, được sử dụng bởi khoảng 27% dân số.
Ông là nhà soạn kịch còn sống có tác phẩm được biểu diễn nhiều nhất châu Âu, được dịch sang 40 ngôn ngữ khác nhau. Khách sạn ở Oslo (Na Uy) có một dãy phòng được đặt theo tên ông.
Ngoài viết kịch và tiểu thuyết, Jon Fosse còn là dịch giả.
Văn hóa | Báo Dân trí