NSƯT Sĩ Tiến cho biết, lễ viếng và lễ truy điệu nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ được tổ chức bắt đầu từ 7h30 ngày 15/12 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Hữu Nghị.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, nghệ sĩ kịch câm Hoàng Tùng chia sẻ, từ nhỏ, anh đã rất thích được xem nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ biểu diễn ở Nhà hát Tuổi Trẻ.
Sau này, khi về làm việc ở nhà hát, anh may mắn được nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ dạy kịch câm. Khi theo chuyên sâu về bộ môn này, anh được nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ theo dõi, hỗ trợ nhiều về kiến thức, kỹ năng… Anh thường gọi nam nghệ sĩ là “bác”.
“Tôi thấy bác rất vui khi có thế hệ nối tiếp nghề. Bác có video biểu diễn ở đâu đều gửi cho tôi xem. Mỗi lần gặp bác, tôi đều tranh thủ hỏi về kịch câm Việt Nam thời kỳ bác làm. Bác chính là “nhân chứng sống” cho kịch câm ở Việt Nam.
Lần gặp gần đây nhất, tôi cũng nửa đùa nửa thật bảo “bác có tài liệu nào bác chuyển giao cho cháu nốt” và bác đã chuyển cho tôi vài quyển sách…”, nghệ sĩ Hoàng Tùng chia sẻ.
Hoàng Tùng nói thêm, ngoài đời nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ là người hiền lành, ít nói. Đặc biệt khi dạy học trò, Hoàng Phúc Dzĩ luôn nhẹ nhàng uốn nắn chứ không “đao to búa lớn” nên học trò rất quý ông.
Nghệ sĩ Hoàng Phúc Dzĩ (tức Hoàng Phúc Dỹ) sinh năm 1944, công tác tại Nhà hát Tuổi Trẻ từ năm 1982 đến năm 2004.
Nhà hát Tuổi Trẻ là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam tổ chức lớp đào tạo cơ bản về kịch câm. Khi đó, bộ môn này lác đác xuất hiện trong nước với quy mô khiêm tốn. Gương mặt đầu tiên theo đuổi loại hình kịch câm là nghệ sĩ Đặng Dũng (Nhà hát ca múa nhạc Trung ương), rồi đến lượt Nhà hát Tuổi Trẻ.
Diễn viên kịch nói Phúc Dzĩ được Bộ Văn hóa lựa chọn gửi sang Pháp theo học 3 năm với ý tưởng “đón đầu” bộ môn sân khấu đầy tiềm năng này. Sau khóa học, nghệ sĩ Phúc Dzĩ trở về làm giảng viên chính của lớp trung cấp kịch câm do Nhà hát Tuổi Trẻ mở năm 1982.
Ông và các nghệ sĩ như Kế Đoàn, Đặng Dũng, Bích Ngọc… được xem là những người có công gây dựng nên kịch câm và là những nghệ sĩ biểu diễn kịch câm xuất sắc của Việt Nam.
Nghệ sĩ Phúc Dzĩ từng khẳng định: “Kịch câm không bao giờ chết bởi lịch sử của kịch câm là đồ thị hình sin, lúc lên lúc xuống và phụ thuộc vào hoàn cảnh. Hoàn cảnh đó xuất hiện những con người xuất chúng thì kịch câm hưng thịnh. Kịch câm sinh ra bởi con người và con người còn sống thì kịch câm còn tồn tại”.
Văn hóa | Báo Dân trí