Những vần thơ nhẹ nhàng cùng với những hình ảnh đẹp đẽ, thân thương, gần gũi với bao làng quê, thôn xóm của nhà thơ, nhà giáo mà tôi vô cùng kính trọng và ngưỡng mộ – thầy Đông Trình, không biết từ lúc nào đã đi theo tôi suốt cả một thời trai trẻ cùng với những tháng ngày dằng dặc tha phương. Và mỗi lần nhớ về quê nhà, tôi thường hay đọc thầm lên như bày tỏ biết bao nỗi niềm nhớ thương da diết và yêu mến vô cùng nơi tôi được sinh ra, bao bọc và lớn lên với biết bao kỷ niệm của làng xóm, quê hương.
Cũng như những làng quê khác, trong trí nhớ của mình, làng tôi rất đẹp! Hình bóng tuổi thơ chúng tôi luôn gắn liền với dòng sông, bến nước, con đò, với ngôi đình làng cổ kính rợp mát bóng những hàng cây chim tỏa rộng khắp sân đình cùng với bao âm thanh rộn ràng, vui nhộn của những tiếng ve sầu mùa hạ. Gần cả một đời người đi qua, song những bức tranh quê với những cánh đồng lúa chín vàng trải rộng, thơm lừng hương vị ngày mùa; những con đường làng nội ngoại đi về xóm Chay, xóm Trên, xóm Rừng, xóm Dưới quanh co, xanh ngát bóng tre, chập chờn bướm vàng, bướm trắng. Dòng sông quê trong vắt, rộn ràng bao tiếng cười nói đôi bờ thân thiết đều trở thành những dấu ấn không thể nào phai. Tuổi thơ tôi với làng quê dân dã, đó là những những năm tháng êm đềm, tươi đẹp, đầy thú vị cùng với bao những kỷ niệm ngọt ngào, không thể phai mờ.
Biến thiên của lịch sử dân tộc cũng là những bước đổi thay của bao làng xã Việt Nam. Kim Quất, Thanh Quất, Thanh Quýt là những tên gọi khác nhau của làng tôi kể từ khi mới thành lập làng vào khoảng nửa sau thế kỷ XV. Nghe đâu vì tránh tên húy của Triệu tổ Nguyễn Kim nên xã Kim Quất đổi thành xã Thanh Quất, cho mãi đến sau này thì gọi là Thanh Quýt.
Đời Gia Long (sau năm 1802), Thanh Quất, Bồ Bằng (Bồ Mưng), Ngân Hà, Quảng Lăng… thuộc tổng Thanh Quất Trung. Từ 1954 đến năm 1975, thôn Thanh Quýt cùng với các thôn Phong Ngũ, Phong Lục, An Thanh, Bồ Mưng và Viêm Tây thuộc xã Thanh Trường. Sau 1975, xã Thanh Trường được đổi tên thành xã Điện Thắng thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. 30 năm sau, tháng 7/2005, xã Điện Thắng được tách thành 3 xã: các thôn Bồ Mưng, Viêm Tây thuộc xã Điện Thắng Bắc; thôn Thanh Quýt trở thành xã Điện Thắng Trung; các thôn còn lại thuộc xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Có điều cũng hay là trước đây, thậm chí ngay cả bây giờ, tên làng Thanh Quýt, trong giao tiếp, thường dùng làm tên chung để chỉ một khu vực, một vùng, hay cho một xã. Bạn bè thời nhỏ của chúng tôi, khi ra khỏi xã, khỏi huyện thôi, ai hỏi ở đâu cũng thường trả lời chung là Thanh Quýt cho tiện, vì nếu như nói ở An Thanh, Viêm Tây hay Phong Lục…thì thường lại phải trả lời thêm: có ở gần Thanh Quýt không?!
Thời chiến tranh, xe cộ đi ngang khu vực từ Chợ Mới Ba Xã (xã Hòa Phước, thành phố Đà Nẵng bây giờ) đến hết thôn Phong Ngũ (xã Điện Thắng Nam) cũng gọi là ngang qua Thanh Quýt, một địa danh mà khi đi xe ngang qua, ai cũng thấp thỏm, chẳng một chút an tâm. Đoạn đường thường xảy ra những vụ đặt mìn, bắn tỉa, bắn bia từ phía lực lượng du kích cách mạng về phía quân đội miền Nam và xe chở các đơn vị lính Mỹ ngang qua quốc lộ 1. Từ đó, dân các nơi, nhất là ở phố huyện thường gọi dân Thanh Quýt là dân Việt Cộng; những câu nói nửa thiệt, nửa chơi ấy khi vào học bậc trung học ở trung tâm huyện lỵ hoặc đi đến các nơi khác, trong chúng tôi, ai cũng lo lo, sợ sợ…
Về tên làng và người của làng, cũng là một điều thú vị! Trước 1975, đến bất kỳ tỉnh, thành nào ở miền Nam, từ Đông Hà, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà lạt, Sài Gòn… muốn hỏi người Thanh Quýt hoặc tìm manh mối người làng Thanh Quýt, rất dễ! Cứ tìm đến các tiệm uốn tóc và đặc biệt là các quầy bán thuốc xắt Cẩm Lệ thì chắc là ra ngay. Hai nghề dịch vụ, kinh doanh này được xem là thời thượng ngày ấy mà dân làng tôi đã đi khắp nơi trong cả nước làm ăn, lập nghiệp; và có nhiều người phất lên làm giàu, nuôi nấng con cái học hành thành đạt từ các nghề này. Những tên hiệu uốn tóc, buôn bán bào chế thuốc lá ở các nơi như: Lê Nẫm, Tự Nhiên, Bính Sau, Tân Tô Lan, Thanh Hương, Quảng Thành, Yên Sơn… mà chủ tiệm là người của làng, trở thành những ấn tượng khó quên trong lớp người cao tuổi ở quê tôi hiện nay.
Người các nơi còn gọi người làng tôi là “dân mầy, tao hay dân thuốc lá!” Đặc điểm xưng hô “tao mầy” chỉ có ở quê tôi, dân các nơi khác, gần như trong cả huyện, đều xưng gọi nhau là “tau, mi”. Trồng cây thuốc lá là nghề truyền thống của quê tôi. Trước đây, thuốc lá được người trong làng trồng nhiều nhất trên đất trảng ở Xóm Trảng (còn gọi là Xóm Rừng, nay là thôn Thanh Quýt 2), trồng lên đến Hà Thanh, Bích Trâm, La Thọ của xã Điện Hòa; trồng xuống dưới vùng cát Cẩm Sa, Ngân Hà – nay thuộc các phường Điện Ngọc, Điện Nam với những khu công nghiệp thu hút hàng vạn công nhân lao động nhộn nhịp ngày đêm; trồng đến Điện Phương, Điện Tiến; trồng ra đến Cẩm Lệ, Xuân Thiều, Thủy Tú, Nam Ô… (thuộc thành phố Đà Nẵng bây giờ). Đến mùa thu hoạch, cả làng từ lớn đến nhỏ đều bận rộn: người bẻ thuốc, người gánh thuốc, người xâu thuốc, người treo thuốc, người thì lo hậu cần, ăn uống, đãi đằng.
Thường đến kì bẻ lá nhứt, cây thuốc có lá màu xanh đậm ngả vàng, lá dày và nặng, nhựa thuốc bám vào tay có màu vàng sẫm. Những ngày ấy, gần như nhà nào cũng treo đầy thuốc, những xâu thuốc được thắt lạt ỏ hai đầu và giăng ngang để buộc vào 2 đầu cây sào, treo cho đến khi thuốc khô. Thuốc được treo khắp nơi: nhà dưới, nhà ngang, nhà trên, ngoài hiên, dựng trại để treo; thậm chí có gia đình treo thuốc trong nhà đến 4, 5 lớp, đi lại phải cúi gần sát đất nên phải dừng mọi sinh hoạt có khi đến vài tháng. Những người trồng thuốc rành hoặc các nhà bài buôn trữ thuốc của làng chỉ nhìn tàn điếu thuốc lá là biết ngay được thuốc được trồng ở đất nào, đất cát hay đất đồng, đất trảng hay đất bồi; thậm chí có người rành đến mức bặp bặp mấy hơi và búng tàn thuốc vài cái là biết thuốc được chủ trồng bón phân gì! Phân bò, phân lợn hay kín đáo bỏ thêm năm ba ký phân hóa học như Urê, NPK để cho thuốc được xanh và to lá. Thuốc có giá thường là thuốc trồng trên đất trảng, đất cát pha như đất ở Điện Hòa, Điện Ngọc, Trà Kiểm, Nam Ô… lại được bón bằng phân bò và bánh dầu (xác của cây đậu phộng, còn gọi là cây lạc); thuốc bỏ nhiều bánh dầu thường nặng ký, hút rất ngon. Khói đượm và thơm, không nóng cổ và cháy nhanh như bón phân hóa học.
Nghe các cụ nói thuốc lá trồng đất Cẩm Lệ rất ngon; vì vậy thuốc xắt Cẩm Lệ chính là thuốc lá của làng trồng, được bào chế ra và lấy thương hiệu là thuốc xắt Cẩm Lệ. Có câu:
Tiếng đồn Thanh Quýt lan xa
Mất mùa thuốc lá chết ba trăm người!
Về số lượng trong câu ca, có lúc lại nói quá lên:
Mất mùa thuốc lá chết ba ngàn người!
và thêm vào hai câu sau thật bất ngờ và thấy vui vui:
Cẩm Lệ nghe nói giật mình
Chạy vô xem thử chỉ mười phần trăm!
Câu ca dao vui nhưng nói lên được quy mô và tầm quan trọng của cây thuốc lá trong sinh hoạt và đời sống của người dân làng tôi ngày xưa.
Hồi ức về làng, trong tôi, dòng sông quê hương với màu hoa lục bình tím ngát ven sông, cùng hình ảnh những cánh buồm nâu xuôi ngược đi về luôn là những ấn tượng khó phai. Mỗi khúc sông quê luôn là những kỷ niệm thiêng liêng của mỗi người con xa xứ khi nhớ về quê nhà.
Dòng chảy qua giữa hai làng Thanh Quýt và Phong Ngũ là hợp lưu của chi lưu sông Yên chảy xuống La Thọ, Lục Giáp cùng với nhánh nước sông Thu Bồn chảy ra cầu Bình Long, qua làng Bất Nhị, đến Đông Hồ, Lục Giáp. Từ đây, sông Thanh Quýt chảy về Cẩm Sa gặp sông Cái từ Vĩnh Điện chảy ra và cùng đổ về sông Hàn ra biển. Những bến sông quê luôn mang lại cho tuổi thơ của chúng tôi biết bao nhiêu niềm vui. Thế hệ chúng tôi và trước nữa, nay đã trên 65, 70 tuổi, không thể nào quên được những bến Chùa, bến Chợ, bến Đập, bến Hương Chương, bến Thờ Bà… Những bến sông quê đã tắm mát biết bao tâm hồn tuổi thơ làng quê.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; điện thoại liên hệ: 0903226305.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet