Nghề gác kèo ong rừng U Minh có từ lâu đời, nhưng không phải ai cũng đủ sức bám trụ và bền bỉ với nghề. Người yêu rừng, yêu nghề lắm mới có khả năng sống được với công việc vất vả và nhọc nhằn này.
Cha tôi là một trong những người thợ kiên trì hiếm có với công việc vào rừng xây nhà cho ong về để tạo ra biết bao giọt mật thơm ngọt cho đời. Ấn tượng lớn nhất của tôi vào những ngày ấu thơ là việc theo cha đi “ăn ong”, tận mắt chứng kiến những khó khăn, cực nhọc của cha và biết bao người gắn bó với nghề.
“Ăn ong” là cách nói vui của người dân địa phương về hành trình lấy mật ở tổ ong. Theo cha tôi kể lại thì những người thợ sau khi lấy mật ở tổ ong thường thưởng thức tại chỗ một phần mật và tàng ong non để thẩm định chất lượng mật cũng như tự thưởng cho bản thân mình. Cũng bởi, ăn ong khi ở trong rừng bao giờ cũng ngon hơn khi đem về nhà.
Mật ong ở rừng U Minh Hạ quê tôi nổi tiếng với chất lượng khó nơi nào sánh bằng. Bởi lẽ chỉ có loài ong hút mật hoa tràm mới có thể cho loại mật màu vàng trong vắt, thoang thoảng mùi hương hoa dịu nhẹ cùng vị ngọt tinh khiết. Đặc biệt, đàn ong chỉ về làm tổ khi rừng tràm được trồng gần gũi tự nhiên trên diện tích rừng rộng và rậm rạp cây.
Mùa “ăn ong”, theo nhiều người trong làng tôi kể lại, thông thường bắt đầu từ khoảng tháng 3 trở đi, khi thời tiết hanh khô, nắng nóng, thích hợp cho hoa tràm nở và ong làm mật. Trước thời điểm này khoảng vài tuần, cha tôi và một số chú bác trong làng đã chuẩn bị gác kèo để ong làm tổ. Bộ kèo này thông thường được làm từ cây tràm, thân suông, có đường kính từ 10-15 cm, lột sạch vỏ, khô ráo. Kèo thường được gác theo hình mái nhà, chọn đặt tại nơi có ánh mặt trời chiếu len lỏi. Thời gian ong làm tổ thường bắt đầu khoảng 20-30 ngày. Sau đó, mọi người sẽ để mắt thăm chừng và chọn lấy mật vào thời điểm thích hợp khi tổ ong đã hình thành. Tùy người “mát tay” hay không, mật ong được thu hoạch sau 30 ngày. Còn khi gác kèo không khéo, có khi đến tận mấy tháng mới thu về một ít. Để thu hoạch đúng lúc mật “chín” nhất, mật ong phải được thăm nom thường xuyên. Cứ như thế, người ăn ong rất rành rẽ mọi ngóc ngách sâu thẵm trong khu rừng.
Tôi còn nhớ mỗi khi theo cha vào rừng “ăn ong” đều phải thức giấc khi trời còn tờ mờ sáng, bám lấy lưng cha trên chiếc xe máy cọc cạch để chạy vào sát mé rừng. Trời còn tối thui, con đường lộ vắng hoe, đến nơi cha tôi mở bọc lấy ra ít cơm nắm muối vừng má chuẩn bị sẵn cho tôi, còn ông chỉ nhâm nhi li cà phê sữa cho “ấm bụng”, rồi mới bắt đầu đi vào rừng.
Bộ dụng cụ đi “ăn ong” của cha con tôi chỉ đơn giản bao gồm 2 cái xô để đựng mật, một cây dao thật bén để vẹt sậy, cỏ dại um tùm mọc kín đường đi. Cha tôi còn cẩn thận chuẩn bị một bọc xơ dừa to để đốt tạo khói đuổi ong. Phương tiện đi lại là chiếc xuồng composite nhẹ tênh để lướt qua các con mương nhỏ. Trang phục đi “ăn ong” cha tôi yêu cầu bắt buộc phải mặc quần áo dài phủ tay, phủ mắt cá chân, mang giày để cỏ sậy không sướt đứt da. Phần quan trọng là cái nón bo rộng vành, được trùm miếng lưới che mặt lại để ong không chích tới được.
Đi gần đến kèo ong thì cha tôi mới đốt xơ dừa cho ra khói, thổi vào tổ cho ong bay ra. Cha còn bình tĩnh chỉ cho tôi tổ này mới hay cũ, mật nhiều hay ít rồi cách lấy như thế nào. Trong khi tôi sợ hãi ra mặt khi thấy đàn ong bay ùa ra trước mặt thì cha tôi đã nhanh nhẹn cắt một phần mặt, chừa một ít lại để ong nuôi con. Và sau khi cắt mật phải cắt đi một phần tàn ong để ong về làm tổ lại.
Tôi nhớ bản thân đã sững sờ trước những tổ ong rừng U Minh Hạ to tướng, có tổ dài cả mét. Chúng trở nên lấp lánh khi gặp những tia nắng từ trên cao. Mỗi tổ ong trung bình có từ 3 đến 5 lít mật, tổ lớn có đến hàng chục lít. Chứng kiến những vất vả của cha trong quá trình mưu sinh để lấy mật ong, tôi trộm nghĩ phải gọi những người như ông là nghệ nhân mới đúng vì vừa phải thật khéo léo, trầm tĩnh, gan dạ mà còn phải thấu hiểu tập tính của bầy ong mới có thể tiếp cận để lấy mật của chúng.
Sau khi cắt lấy tàng ong ra khỏi tổ, cha tôi sẽ ra sức vắt hoặc ép lấy mật. Mỗi tổ ong thông thường cho khoảng 3-5 lít mật, có tổ cho đến 10 lít. Vào những ngày thời tiết hanh khô, mật ong sẽ cho nhiều và chất lượng tốt hơn vào mùa mưa. Mật ong ở rừng U Minh Hạ trong và vàng như nước cam sánh ngọt, đậm đà không gắt, cả hương và vị nhẹ nhàng khiến đứa trẻ con hảo ngọt như tôi cứ thòm thèm mãi. Cha tôi hay để dành một ít mật ong về cho má tôi ngâm với hoa đu đủ đực, để dành cho chị em tôi uống bồi bổ. Ngoài mật ong thì ong non cũng được chế biến thành nhiều món ăn độc đáo. Đó là gỏi ong non, bánh xèo nhân ong non, mắm ong non hoặc ong non chiên giòn.
Khi đã trưởng thành, tôi vẫn nhung nhớ mãi những lần theo chân cha vào rừng “ăn ong” để hiểu được nỗi vất vả nhọc nhằn của cha mình và những người nông dân ở rừng U Minh Hạ trong quá trình mưu sinh. Cha tôi giờ đã già, không còn đi rừng “ăn ong” nữa, nhưng vẫn thích ở lại làng cũ, thi thoảng ngóng theo bước chân của những người vào rừng thu hoạch mật ong. Điều này cũng dễ hiểu, bởi một phần đời của cha và cả của tôi đã in hằn trong những khu rừng rậm rạp ở U Minh Hạ.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; điện thoại liên hệ: 0903226305.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet