Hiện nay, làng Mơ H’Ra vẫn còn lưu giữ được khá nhiều bản sắc văn hóa dân tộc của người Ba Na mà ít nơi nào trong vùng có được. Đó là văn hóa cồng chiêng, múa xoang, chế tác và chơi các loại nhạc cụ từ tre nứa, nổi bật là đàn Tơ Rưng.
Đàn Tơ Rưng không chỉ là một công cụ âm nhạc, mà còn là một phần không thể thiếu trong các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng, và lễ hội truyền thống của người Jrai.
Người Tây Nguyên trước đây sử dụng đàn này để xua đuổi chim muông và thú phá hoại mùa màng. Cây đàn được coi là “tâm hồn” của người Jrai và liên quan chặt chẽ đến nhiều hoạt động tâm linh của họ.
Theo quan niệm xa xưa, người dân không được dùng đàn trong nhà để tránh ảnh hưởng, đuổi hồn những loài gia súc ở trong nhà đi, tuy nhiên hiện nay điều kiêng kỵ này đã không còn được áp dụng.
Đàn Tơ Rưng được tạo ra từ những ống nứa khô, rỗng ruột, có chiều dài, kích thước khác nhau. Mỗi ống đàn sẽ gồm hai phần đó là ống hơi và thanh cộng hưởng, giữa 2 phần này sẽ có mối quan hệ mật thiết với nhau để tạo nên cao độ chuẩn và âm thanh vang vọng.
Cấu tạo của đàn sẽ là các ống nứa được liên kết bằng những sợi dây nhỏ, rất bền và chắc. Chiếc đàn được tạo bằng nhiều ống nứa, tre với kích thước khác nhau, ống ở trên cùng sẽ dài khoảng 70-90cm, ống dưới cùng khoảng chừng 20-30cm.
Đàn Tơ Rưng của người dân tộc Ba Na sẽ khoảng 12-18 ống nứa, tre trong khi đó đàn Tơ Rưng của người dân tộc Ê đê, Mnong chỉ khoảng từ 7-9 ống. Đàn sẽ có một trụ chính thẳng đứng gồm có 3 chân làm giá đỡ cho đàn và 2 trụ được gắn nằm dọc theo những thanh ống nứa. Các ống nứa sẽ được xếp đan xen với nhau, các dùi để gõ đàn thường sẽ được làm bằng gỗ hoặc sừng của những loài động vật.
Tại làng Mơ H’ra, chỉ còn những nghệ nhân có tuổi là những người còn nắm được bí quyết làm đàn Tơ Rưng truyền thống của người Ba Na.
Âm thanh của đàn Tơ Rưng rất đặc trưng, có thể biến đổi tùy thuộc vào cách làm của từng người thợ làm đàn. Để tạo ra một chiếc đàn có âm thanh hay, không chỉ dựa vào đôi bàn tay khéo léo, mà quan trọng hơn còn dựa vào kinh nghiệm thẩm âm của người làm đàn, tạo ra những giai điệu trầm bổng, cao thấp, êm dịu, đặc trưng cho vùng đất núi rừng Tây Nguyên.
Đàn này thường được kết hợp với các nhạc cụ khác như cồng chiêng để tạo ra những bản hòa nhạc độc đáo, thường được biểu diễn trong lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Ba Na nói chung và tại làng Mơ H’ra nói riêng. Đàn Tơ Rưng Gia Lai không chỉ là một nhạc cụ, mà còn là biểu tượng của tâm hồn, tình yêu và giữ gìn di sản văn hóa truyền thống của người dân.
Có thể nói, đời sống dù đổi thay thế nào thì bản sắc văn hóa của người Ba Na vẫn được lưu giữ ở nơi đây. Các nghệ nhân vẫn ngày đêm dạy nghệ thuật truyền thống cho lớp trẻ, để gìn giữ, phát triển bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Qua tiếng đàn cao vút, những thanh âm của huyền thoại và truyền thống được kể lại, giữ cho nét đẹp văn hóa của người dân Tây Nguyên không ngừng phát triển và trở nên sâu sắc hơn.
Văn hóa | Báo Dân trí