Tháng 11, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành tiểu thuyết Bác Hana, của tác giả Alena Mornštajnová, do dịch giả Bình Slavická chuyển ngữ.
Cuốn sách dày 332 trang, đoạt giải thưởng sách của Cộng hòa Séc năm 2018, đã làm nên tên tuổi của nữ nhà văn Alena.
Câu chuyện được kể thành ba phần và trải dài theo hai dòng thời gian riêng biệt, đưa độc giả khám phá thị trấn Meziříčí, nhà giam ở Terezín và trại tập trung Auschwitz-Birkenau từ năm 1940 đến 1950.
Năm 1954, tại thị trấn nhỏ Meziříčí của Séc, Mira, 9 tuổi, cảm nhận được “hiểm họa nhăm nhe rình rập ở tận sâu thẳm bên dưới thành phố”.
Khi một trận dịch thương hàn bùng phát khiến cả thị trấn bị phong tỏa, nhiều người tử vong, có cả cha mẹ và hai em của Mira, cô bé trở thành trẻ mồ côi, buộc phải sống với người thân duy nhất là bác Hana lập dị.
“Tôi đã nghĩ rằng không thể gặp nỗi đau đớn và sự bất lực nào lớn hơn điều mà số phận mang lại cho tôi qua cái chết của mẹ, nhưng tôi đã lầm. Lần lượt trong vòng một tuần, Dagmara chết, sau đó là Ota rồi cuối cùng là bố tôi.
Mới chưa đầy chín tuổi đầu, tôi trở nên hoàn toàn cô độc. Cuộc đời tôi dừng lại giống những chiếc đồng hồ treo trên tường ở cửa hàng của bố. Tôi chỉ còn cảm nhận được nỗi nhớ khát khao, sự sợ hãi kinh khủng về tương lai và nỗi cô đơn bất tận”, trích nội dung sách.
9 chương đầu tiên tập trung vào Mira, người luôn tò mò về quá khứ của gia đình. Cô không biết rằng đối với những người thân còn sống của mình, quá khứ thường quá đau đớn để nhắc đến.
Khi Mira khám phá sự thật về lịch sử gia đình, lý do dẫn đến hành vi của bác Hana, dáng vẻ gầy yếu mong manh của bác cũng như hình xăm trên cổ tay bác cũng được tiết lộ.
“Người ta bảo tôi phải quên đi, rằng tôi phải bắt đầu sống lại. Có lẽ tôi có thể quên đi cái đói và sự lạnh giá trong những giờ đứng ở chỗ điểm danh, có lẽ tôi có thể quên được cái đau đớn vì xương gãy.
Nhưng làm sao tôi có thể quên được những xác người treo trên hàng rào điện, những thân thể bị chó cắn xé và các đôi vai bị trật xương của những người đàn ông đàn bà bị treo ngoặt tay sau lưng lên, chỉ cốt để cảnh báo người khác?
Làm sao tôi có thể quên được những dòng người vô tận gồm con trẻ, đàn bà, đàn ông, những người đi thẳng từ tàu hỏa vào phòng hơi ngạt? Làm sao tôi có thể quên được nỗi tuyệt vọng trong cặp mắt của Truda, khi cô được biết các con mình đã bị đưa vào phòng hơi ngạt?
Người ta khuyên tôi quên đi, bởi vì không muốn nghe những gì tôi có thể kể. Họ đã không cần phải sợ như thế. Tôi không thể quên được, những ký ức ấy đã vĩnh viễn hằn sâu trong óc tôi, giống như con số xăm trên cánh tay trái. Nhưng tôi thì không thể nói ra được ký ức ấy”, trích nội dung sách.
Trong phần thứ hai của cuốn tiểu thuyết, độc giả quay ngược thời gian về những ngày tháng châu Âu bị chiếm đóng.
Những chương cuối là câu chuyện những người Do Thái sống sót – từng phải chịu những tổn thương tâm lý kinh hoàng – đã phải vật lộn để tái hòa nhập xã hội sau chiến tranh.
Điểm chung của những số phận đó, chính là mặc cảm tội lỗi. Họ thấy có lỗi, khi chỉ có họ sống sót. Họ trở về một thế giới không muốn họ, một thế giới không hiểu họ.
Tiểu thuyết Bác Hana của nữ nhà văn Alena Mornštajnová là minh chứng sâu sắc cho nỗi đau và tổn thương ngấm sâu từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Alena Mornštajnová, sinh năm 1963 tại Valašské Meziříčí, tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Séc tại Đại học Ostrava, Cộng hòa Séc. Bà hiện là giáo viên tiếng Anh và dịch giả.
Tiểu thuyết Bác Hana giành giải thưởng Česká kniha (Giải thưởng sách của Séc) năm 2018.
Đây cũng là tác phẩm đưa Alena trở thành một trong những nhà văn được yêu thích nhất của văn học Séc đương đại.
Dịch giả Bình Slavická sinh năm 1954 tại Hưng Yên. Bà tốt nghiệp khoa Xây dựng, Đại học ČVUT tại Praha (1979), đạt học vị Tiến sĩ ngành Khoa học Lịch sử và Dân tộc học, khoa Triết, Đại học Charles Praha (2016).
Bà sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Séc, là giảng viên ngành Việt Nam học thuộc Viện châu Á học, Đại học Charles.
Dịch giả Bình Slavická là người Việt duy nhất được trao giải Gratias agit 2022 vì những đóng góp to lớn trong việc truyền bá văn hóa, con người Cộng hòa Séc ở nước ngoài.
Văn hóa | Báo Dân trí