Người Bru-Vân Kiều sinh sống tại các bản làng trên dãy Trường Sơn ở miền Tây Quảng Bình. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn gìn giữ được các nét sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng đặc sắc. Trong đó phải kể đến Lễ hội Trỉa lúa, hay còn gọi là Lễ hội Lấp lỗ tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Ảnh: Nhật Anh).
Với người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn, họ tôn thờ thần lúa và xem đây là vị thần linh thiêng nhất, mang lại ấm no, hạnh phúc. Hằng năm, dân bản đều tổ chức lễ cúng để cảm tạ thần linh, đây là nét văn hóa đặc sắc và phát triển thành lễ hội truyền thống.
Theo bà con Bru-Vân Kiều tại xã Trường Sơn, Lễ hội Trỉa lúa diễn ra vào khoảng 11-14/7 âm lịch hằng năm. Đây được xem là lễ hội quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng Bru-Vân Kiều (Ảnh: Nhật Anh).
Lấp lỗ là công đoạn cuối của quy trình làm nương làm rẫy gồm: chặt, đốt, cốt, trỉa, nhưng đã được dân bản nâng lên thành lễ hội với ý nghĩa là trước khi đem hạt giống cất giữ trong gùi kín đáo hàng năm ra, trỉa xuống đất cầu mong thần trời, thần nước, thần rừng, thần núi giữ gìn bảo hộ cho sự sinh sôi, nảy nở, chắc hạt, nặng bông, có ngày thu hoạch.
Già làng Hồ Ai, trú bản Khe Cát, xã Trường Sơn luôn là người lĩnh trọng trách “chủ lễ” của Lễ hội Trỉa lúa. Già làng Hồ Ai nói rằng, buổi lễ luôn được tổ chức ở gò đất cao dưới chân núi Chồng (theo cách gọi của người bản địa), nơi đó có nhiều cây cổ thụ, trên đỉnh có 3 ngọn núi cao vút. Khám thờ đặt hướng qua núi Khe Cát, người dân gọi là núi Vợ (Ảnh: Nhật Anh).
“Lễ Lấp lỗ là để cảm tạ trời đất, cầu xin thần linh phù hộ cho dân bản có sức khỏe, cầu cho hạt giống được mọc lên, cây lúa, cây ngô tươi tốt, không cho chim chóc, muông thú phá hoại để có mùa màng bội thu. Lễ này rất quan trọng và có từ nhiều đời nay rồi”, già làng Hồ Ai chia sẻ.
Theo già làng Hồ Ai, khi mặt trời chiếu xuống vùng đất lễ, dân bản sẽ khiêng một con lợn xuống suối để làm lễ tế sống. Lúc này, già làng sẽ là người báo lệnh khai lễ và dân bản đứng vòng quanh con lợn (Ảnh: Nhật Anh).
Tiếp đó, già làng sẽ tưới rượu lên đầu và thân lợn, rồi rót rượu chuyền tay cho những người tham gia lễ cùng uống. Họ chắp tay hướng về con lợn để vái với ý nghĩa cảm ơn, vì đã thay dân bản làm vật hiến tế cho các vị thần. Khi rượu đã uống hết vòng thì những người được giao trọng trách bắt đầu mổ lợn.
Khi thịt lợn được luộc chín, dân bản chia làm 2 phần đặt lên khám thờ. Tầng cao thờ thần trời, thần núi, tầng thấp thờ thần đất, thần nước. Ở 2 bên khám thờ là 2 chiếc gươm đẽo bằng gỗ một dài, một ngắn, một vò rượu cần đặt trước khám thờ.
Tại khu vực tổ chức Lễ hội Trỉa lúa, các công đoạn được chuẩn bị sẵn sàng, đợi lệnh thần ban để cùng người xuống rẫy.
Thời điểm này, già làng Hồ Ai bước vào đứng trước khám thờ, cùng một số cao niên khác để làm lễ, dân bản xếp hàng đứng về phía phải khám thờ. Sau khi khấn trời đất, thần linh, một số dân bản vai đeo gùi, tay cầm gậy sẽ đi xung quanh bãi đất chọc lỗ để thực hiện nghi thức gieo hạt. Già làng cầm cái nia, trong đó đựng hạt giống, vừa nhún nhảy, vừa tiếp tục khấn, cầu thần lúa về phù hộ cho dân làng có cuộc sống no ấm.
Phần lễ hoàn thành, dân bản cùng nhau quây quần bên những mâm cỗ. Mọi người vừa ăn, vừa nói chuyện vui vẻ. Cùng nhau bước vào phần hội với các trò chơi và cùng nhau hát những làn điệu truyền thống (Ảnh: Nhật Anh).
Ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, cho biết Lễ hội Trỉa lúa đã được bà con Bru-Vân Kiều duy trì, phát triển nhiều đời qua, nay đã trở thành lễ hội truyền thống. Vào năm 2021, lễ hội này đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Vào dịp lễ hội, du khách tới xã Trường Sơn sẽ được hòa mình vào không khí náo nhiệt, tận mắt thấy những lễ nghi kỳ thú, được đánh chiêng, múa hát và ăn thịt lợn bản, uống rượu cần, qua đó, cảm nhận nét văn hóa đậm đà bản sắc của người dân nơi đây (Ảnh: Nhật Anh).
Văn hóa | Báo Dân trí