Mang tiền về cho mẹ, Đi về nhà, Bài này chill phết, Đi trong mùa hè… của rapper Đen là những bài hát hợp tác với nhãn hàng, có hình ảnh sản phẩm với chất lượng nghệ thuật và mức độ đón nhận khác nhau.
Cũng chính Đen Vâu rap trong ca khúc mới Miền đất hứa: “Em và kim cương PNJ, không phân biệt được. Hôm qua đi Vinmec, bác sĩ kê đơn em là biệt dược”.
Trước đó, ca sĩ Hồ Ngọc Hà cũng lên tiếng giải thích khi MV mới Gặp đúng lúc yêu đúng người của cô có nhiều hình ảnh của một nhãn hàng sữa:
“Nói thật lòng, nếu nghệ sĩ cứ đi hát, đầu tư cho sản phẩm mà không có sự đồng hành của các nhãn hàng, thì không biết đến bao giờ mới có một đồng lương hưu”.
Trong quá khứ, từng có một sàn thương mại điện tử chuyên tài trợ cho các MV nhạc Việt nên MV nào cũng xuất hiện hình ảnh, logo rất to và rõ ràng.
Đến nay, việc MV, sản phẩm âm nhạc được nhãn hàng tài trợ vẫn phổ biến nhưng cũng tùy sản phẩm mà cách thức sử dụng lộ liễu hoặc tinh tế, hiệu quả hoặc chưa hiệu quả.
Trích MV Gặp đúng lúc yêu đúng người – Hồ Ngọc Hà
Không phải sản phẩm âm nhạc nhưng chương trình thực tế 2 ngày 1 đêm gần đây cũng gây tranh luận vì cách thức quảng cáo. Chương trình quay ở khu nghỉ dưỡng, lồng ghép sản phẩm quảng cáo như nước mắm, bia… vào các tình huống và lời thoại.
Quảng cáo và âm nhạc: mối quan hệ win-win
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Thăng Long – trưởng bộ phận nghệ sĩ nội địa, tác phẩm và marketing của Universal Music Vietnam – nhận định:
“Quảng cáo và âm nhạc là hai lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật có chuẩn mực cao và đòi hỏi chất xám, sự chỉn chu.
Trên thực tế, cái bắt tay giữa quảng cáo và âm nhạc có thể rất thăng hoa. Nhưng điều đó cũng đòi hỏi gấp đôi quy trình suy nghĩ, thử thách, brainstorm và sáng tạo riêng từ mỗi phía.
Cả nghệ sĩ và nhãn hàng khi kết hợp đều muốn win-win, thắng rực rỡ về mọi mặt”.
Theo ông Long, nếu không đủ thời gian hoặc không đặt ra chuẩn mực cao cho sự hợp tác thì sự phối hợp này dễ mắc lỗi “tùy tiện, thỏa hiệp, khiên cưỡng, giảm đi cá tính và sự quyết liệt sáng tạo từ hai phía”.
Về việc rapper đưa tên thương hiệu vào bản rap, ông Long nhận định điều này là bình thường và phổ biến vì tên các nhãn hàng nổi tiếng cũng là một phần của văn hóa đại chúng, miễn là nghệ sĩ cân bằng được sự dễ chịu và tự nhiên của bài hát.
Điều này cũng khá phổ biến trong giới rap quốc tế chứ không hề xa lạ. Tuy nhiên, phản ứng của khán giả cũng rất quan trọng trong việc giúp nghệ sĩ và nhà đầu tư cân bằng.
“Nếu điều đó làm khán giả khó chịu, nó sẽ ảnh hưởng đến việc họ cảm thụ và đón nhận bài hát, MV, ảnh hưởng trực tiếp đến chuyện họ có nghe lại và có stream nhạc, MV hay không. Nếu họ chọn không thì nghệ sĩ lẫn nhãn hàng sẽ nhận hậu quả” – ông Long nói.
Chỉ các sản phẩm âm nhạc hot mới lãi nhờ tài trợ
Còn theo ông Hồng Quang Minh – người làm truyền thông lâu năm trong lĩnh vực giải trí – thì sự phù hợp, hài hòa trong cách thức quảng cáo qua các sản phẩm âm nhạc và giải trí chủ yếu đang nằm trong tay các nhà đầu tư.
“Nhà đầu tư” ở đây là nghệ sĩ – nếu là các sản phẩm âm nhạc và các nhà đầu tư tổ chức – đối với các game show, chương trình, sản phẩm giải trí theo chuỗi trung hoặc dài hạn, nhiều mùa.
Ông Minh phân tích: “Có một thực tế là việc hợp tác giữa các nhãn hàng, công ty trung gian (agency) và nhà đầu tư, sản xuất ngày càng khó khăn.
Ngoài yếu tố chung là kinh tế đi xuống, các bên đều đang muốn tối đa hóa quyền lợi của mình.
Nhà tài trợ – nhãn hàng theo đuổi đa mục tiêu, không chỉ muốn quảng cáo, PR hay làm thương hiệu mà mong muốn thúc đẩy doanh số, bán được hàng sớm và nhiều ngay sau thời điểm thương hiệu được đưa vào các sản phẩm nghệ thuật, văn hóa, giải trí.
Công ty trung gian đứng giữa cũng bị tác động và ảnh hưởng bởi nhiều quyền lợi, trách nhiệm các bên. Còn nhà đầu tư, nhà sản xuất tất nhiên muốn có nhiều tiền để sản xuất, nhưng có những tên tuổi, đặc tính của thương hiệu lại ít ảnh hưởng hoặc hài hòa với đặc tính, nội dung của sản phẩm”.
Theo ghi nhận của người trong ngành như ông Minh, trước đây các sản phẩm âm nhạc đều ít nhiều có quảng cáo, tài trợ, nhưng hiện nay thì các chương trình, sản phẩm hot mới có thể lãi nhờ tài trợ, số đông còn lại thì lao đao vì thiếu chi phí sản xuất, nhà đầu tư tự bỏ tiền.
“Do đó, khi các bên đã gật đầu và chốt thỏa thuận với nhau, về mặt chi phí tài trợ và trả quyền lợi tài trợ, họ sẽ không quan tâm quá nhiều về việc đưa logo, sản phẩm, hình ảnh vào chỗ này đã phù hợp, đúng hay chưa.
Đây là thời kỳ mối quan hệ giữa các bên đang hoàn thiện sau buổi đầu sơ khai và sẽ mất thêm một vài năm nữa để các bên đạt đến sản phẩm chung hiệu quả, win – win, và không gây ảnh hưởng quá nhiều tới sự thưởng thức của khán giả đại chúng” – ông Minh nhận định.
Lý do quảng cáo nhiều trở lại
Ông Hồng Quang Minh nhận xét khoảng 5-7 năm trở lại đây, truyền hình có sự cải tiến nên tin tức, phim, show trở nên hấp dẫn, tương tác tốt hơn và có các nền tảng khác hỗ trợ, đặc biệt là các nền tảng mạng. Do đó, một nhóm khán giả trẻ quay lại xem truyền hình, dẫn đến quảng cáo bùng phát trở lại, đôi khi gây khó chịu.
Tuy nhiên, một bộ phận khán giả hiện nay xem truyền hình không phải bằng tivi truyền thống mà xem qua các kênh trực tuyến, qua các đoạn cắt nhỏ trên mạng xã hội… nên có thể ít phải tiếp cận quảng cáo hơn. Còn khi xem theo cách truyền thống, nhiều khán giả có thói quen tắt tiếng khi tivi phát quảng cáo.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed