Ai từng quan tâm đến thơ tình Bùi Minh Quốc hẳn đều biết bài thơ 4 câu anh viết năm mới 22 tuổi, khi đang là sinh viên năm thứ hai khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội:
“Có khi nào trên đường đời tấp nập
Ta vô tình đi lướt qua nhau
Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất
Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu…”
Bài thơ chỉ có 4 câu, như thể xuất thần, khi chàng sinh viên 22 tuổi trong lòng chưa có ai, thả bước lơ ngơ trên vỉa hè Hà Nội, mà nói được tâm trạng khá phổ quát của nhiều người: không biết giữa dòng đời dòng người vô tận xô bồ, tấp nập này, có khi nào mình đã đi lướt qua một chân nhân, một quý nhân mang một tâm hồn lý tưởng mà mình hằng mong đợi được gặp?
Ai đọc bài thơ chắc cũng lắng lại lòng mình một câu hỏi như thế, nên có rất nhiều người thuộc rồi chép cho nhau đọc mà có khi chưa biết tác giả là ai!
Cùng năm ấy, Bùi Minh Quốc viết bài thơ “Mắt em” cho mối tình đầu tiên:
“Lạ kỳ đôi mắt của em
Ngước nhìn như thể mắt chim dịu dàng
Mà sao trút lửa nồng nàn
Phút đầu tiên ấy bàng hoàng lòng anh
Ôi em đôi mắt trong lành
Mở cho anh thấy cao xanh tâm hồn
Như trời xuân nắng tươi non
Thoáng nhìn nhau đã vẹn tròn tin yêu”.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc và bìa tập “Thơ tình”. (Ảnh: Tác giả cung cấp)
Có lãng mạn và cả tin quá không khi viết: “Thoáng nhìn nhau đã vẹn tròn tin yêu” ? – hẳn không ít bạn trẻ thời nay, giữa cuộc đời đầy thật giả này sẽ đặt câu hỏi như thế. Nhưng tôi tin Bùi Minh Quốc đã nói đúng sự thật diễn ra khi hai ánh mắt – cửa sổ của hai tâm hồn trong trẻo với chỉ một thoáng nhìn đã tin yêu nhau trọn vẹn. Tôi tin, vì hơn 10 năm sau, giữa tiếng gầm thét của chiến tranh, anh lại viết về cái “thoáng nhìn” huyền bí ấy, trong bài “Chuyện hai ta”:
“…Tia sáng nào vụt loé sáng trong ta
Khiến tất cả sáng bừng trong khoảnh khắc
Bao biến cố suốt cuộc đời đánh giặc
Bao tâm tình hạnh phúc lẫn thương đau
Chỉ một thoáng nhìn ta thoắt nhận ra nhau
Tận sâu thẳm cội nguồn trong trẻo nhất
Dẫu chốc nữa lại đầu trời cuối đất
Ánh mắt kia đã nói bao lời…”.
Sự kỳ diệu là chỉ qua một thoáng nhìn, họ phát hiện ra nhau, tin yêu nhau từ phút ấy. “Cả tin” hay không thì cũng có sao đâu. Năm 1969, Bùi Minh Quốc có “Bài thơ tình yêu” viết cho vợ – nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý, người cùng anh vào chiến trường Khu 5, để lại hậu phương đứa con gái nhỏ, bé Ly mới 16 tháng tuổi:
“Ta nắm tay nhau vào cuộc chiến đấu này
Như đi vào hạnh phúc…”.
Đoạn cuối của bài thơ được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành ca khúc mang tên “Cuộc đời vẫn đẹp sao” mà mọi người vẫn luôn cùng nhau hát ngay cả khi chiến tranh đã lùi xa:
“Cuộc đời vẫn đẹp sao
Tình yêu vẫn đẹp sao
Dù đạn bom man rợ thét gào
Dù thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích
Dù xa cách hai ngả đường chiến dịch
Ta vẫn còn chung nhau một ánh trăng ngần
Một tiếng chim ngân
Một làn gió biển
Một sớm mai xuân trước cửa hầm dã chiến
Thấy trời xanh xao xuyến ở trên đầu
Ta vẫn thầm hái hoa tặng nhau…”
Anh bảo: “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao giữa cảnh pháo dập, bom vùi, mưa chất độc là vẻ đẹp của những con người sống đẹp, tình yêu của những con người sống đẹp cùng đứng chung chiến hào chiến đấu cho những giá trị cao quý nhất của con người. Gần đây, trong bản trường ca “Nhạc vĩnh hằng” mới sáng tác, anh nói rõ hơn về tình yêu và hạnh phúc của những con người sống đẹp:
“Hạnh phúc là thanh thản lương tâm là sống đẹp trọn đời sống đẹp trọn đời máu thịt với nhân dân.Vì nhân dân quên mình. Vì nhân dân hy sinh. Câu hát cũ trong lòng tôi tươi rói từng giọt lời long lanh máu rọi tiếng hát của tất cả những ai lặng lẽ quên mình. Tất cả những ai dâng đời từng giọt máu trung trinh…”.
Cho nên dễ hiểu vì sao bài thơ anh khóc chị Quý – khi chị hy sinh vào tuổi 28 lại mang tên “Bài thơ về hạnh phúc”:
“Hạnh phúc là gì?
Bao lần ta lúng túng
Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chưa ra
Cho đến ngày cất bước đi xa
Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt”.
Cuối bài thơ là lời nguyện thề với người vợ vừa mất:
“Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống
Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu
Em trong anh là mùa xuân náo động
Từ phút này càng rực rỡ bao nhiêu…”
Bùi Minh Quốc từng viết: Thơ rất thiêng. Hình như điều đó đúng. Có người con gái đã chứng nghiệm điều đó, từ đáy lòng mình. Chẳng bao giờ cô quên được cái buổi chiều mưa năm 1972 – ba năm sau khi chị Quý hy sinh – trong một cánh rừng căn cứ miền tây Quảng Ngãi. Cô ngồi đánh máy một số bài thơ cho anh, trong đó có “Bài thơ về hạnh phúc”. Bài này cô đã được nghe trên đài phát thanh nhiều lần, lần nào cũng thật xúc động. Nhưng lần này, khi được chính tác giả đưa cho đọc, rồi nhờ đánh máy, thì nỗi xúc động trở nên khác lạ, và cô đã thầm yêu anh từ bài thơ ấy. Mấy ngày sau, cánh rừng nơi họ ở bị máy bay đánh phá, cơ quan phải di chuyển xa hơn, sâu hơn. Cứ như thể trời định, một cơn sốt rét ập đến khiến hai người phải ở lại di chuyển sau cùng. Cô đi trước dẫn đường, nhà thơ lặng lẽ theo sau. Trong bom rơi, giữa đói rét, Bùi Minh Quốc làm thơ về tình yêu ấy:
“Con đường rừng xa hút
Bấy giờ đang tháng ba
Có một loài hoa nào cánh li ti trắng muốt
Trên tóc em rơi rơi
Đi trước một quãng thôi mà em thật xa vời
Tôi lặng lẽ theo bước chân em bước
Và em, sẽ chẳng bao giờ em biết được
Những cánh hoa kia cứ thế suốt đời
Rơi phủ xuống lòng tôi”.
Bài thơ lại được đánh máy và gửi ra miền Bắc. Bé Ly ngày xưa lúc này đã lớn, viết thơ vào cho bố bảo là con rất thích bài thơ ấy… Sự kết nối lạ lùng từ một bài thơ, thế chẳng phải “Thơ rất thiêng” sao?
Bùi Minh Quốc là một người thơ đa tình (hồi bé anh tên là Đa). Như anh tự kể trong trường ca “Nhạc vĩnh hằng”: “Người ta bảo tên thường vận vào thân/ có vận hay không tôi chẳng biết/ nhưng quả thật tôi lớn lên đa tình đa sự đa đoan đa truân…”. Cái “đa truân” của cuộc đời Bùi Minh Quốc là cái “đa truân” của một cuộc đời chiến đấu. Như anh tự nói về mình khi tưởng nhớ người cha đã khuất: “Đời con – một cuộc hành quân dài/ đi tới tương lai/ bằng cả cuộc đời chiến đấu/ Niềm vui của đời con là niềm vui trong chiến đấu/ tình yêu của con là tình yêu trong chiến đấu…”
Tập “Bùi Minh Quốc – Thơ tình”, ngoài các bài đề tặng cho những người tình cụ thể thì ta thấy dù tặng “cho ai”, thơ anh lúc nào cũng nồng nàn, đắm đuối và nâng niu, lại vừa luôn đậm tính chiến đấu quyết liệt, trước hết là tự chiến đấu với chính mình để giữ cho ngòi bút thẳng, cho tình yêu chân thật. Như bài “Nâng niu” anh đề tặng người vợ hiện tại của mình:
“…Nâng niu nâng niu trời trong từng giọt
Đáy ngục cầm hơi
Nâng niu nâng niu khối hồng ủ ngực
Nâng niu nâng niu từng giây tỉnh thức
Nâng niu nâng niu ngọn bút nhỏ nhoi
Mài chuốt một đời
Nhọn hoắt…”
Dịch giả Tố Uyên (Trần Tố Nga), một Việt kiều ở Pháp khi dịch “Bùi Minh Quốc – Thơ tình”, trong buổi ra mắt tập thơ, đã rất tinh tế khi phát biểu: “Tôi và tác giả không biết nhau nhiều, không quen nhau lâu nhưng đọc “Bùi Minh Quốc – Thơ tình”, chúng tôi có một điểm chung là đã trải qua những thử thách sinh tử trong chiến tranh, vẫn luôn giữ trọn tình yêu đất nước. Thơ của Bùi Minh Quốc, dù là thơ tình, và như nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét, có yếu tố nhục thể, đối với tôi là xa lạ và khó dịch, nhưng điều làm cho người dịch vẫn quý trọng là kể cả trong những cao trào yêu đương, hồn thơ này vẫn day dứt nỗi đau nhân thế, nỗi đau thế cuộc và chan chứa tình yêu thiên nhiên. Chẳng hạn bài thơ “Đêm về bên em”, nhà thơ đang trong vòng tay của vợ vẫn không quên đồng đội đang đổ máu ở những cánh rừng chiến trường biên giới, vẫn đau với tiếng rao đêm của đói nghèo ngoài phố và không thể nào tận hưởng trọn vẹn hạnh phúc yêu đương trong vòng tay của vợ:
“Đêm nay về bên em, bên em/ Biên giới xa đồng đội giờ này thức ngủ?/ Ôm em hôn em lòng vẫn bồn chồn/ Một chân trời súng nổ/ Một cánh rừng máu loang…” Và: “Anh đã về tận đây bên em/ Cồn cào sóng vỗ trăng lên nồng nàn/ Trong nhau thức ngủ mơ màng/ Ta bay với gió sông Hàn bao la/ Chợt nghe lảnh lót gần xa/ Tiếng rao từ tuổi thơ ta vọng về/ Tiếng rao động cả trời khuya/ Bước chân ai suốt phố hè không yên… Trong 4 câu thơ “Hỏi người …”, “Hỏi tình…”, “Hỏi ngày…” , “Hỏi đời…” như một tiếng kêu của cô đơn, của sự mất mát, của phẫn nộ, của hy sinh xen giữa những gì tình yêu mang lại. Chỉ có thơ mới nói hết lòng của người thơ qua thơ.
Trong bài “Anh lập tôn giáo”, tôi cảm nhận chữ “em” có thể chỉ người yêu, người vợ, người tình hay người mà tác giả yêu thương, nhưng nếu hiểu vượt lên trên tất cả những “người” ấy , “em” còn là “mẹ thiên nhiên” thì giá trị của bài thơ sẽ được nâng gấp nhiều lần và sẽ đẹp hơn nhiều theo đúng ý của nhà thơ. Bản dịch mà tôi thực hiện đã đi theo hướng đó. Tôi hy vọng đã chuyển tải được ý của tác giả để độc giả nước ngoài hiểu Bùi Minh Quốc nhà thơ chiến sĩ, có tình yêu lý tưởng, có tình yêu nhục thể mà không lúc nào quên đất nước và thế thái nhân tình”…
Một tập thơ tình yêu suốt chiều dài cuộc đời từ tuổi 22 đến năm nay tác giả đã ở tuổi 83, được chưng cất từ trái tim chân thành, vô cùng đa cảm và lãng mạn, theo tôi là rất đặc sắc giữa rất nhiều tiếng thơ hôm nay. Sách “Bùi Minh Quốc – Thơ tình” dày 240 trang, do NXB Hội Nhà văn ấn hành, giá 120.000 đồng. Tiền sách sẽ góp vào quỹ “Vụ kiện chất độc da cam khởi kiện các Công ty Mỹ sản xuất chất độc Dioxin rải xuống miền Nam Việt Nam trong chiến tranh” sắp xử phúc thẩm tại Pháp.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet