Tham dự hội nghị có ông Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định; bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT&DL; ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia.
Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) thông qua năm 2003 (Công ước 2003). Ngày 5/9/2005, Việt Nam chính thức tham gia và đã trở thành 1 trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập công ước quốc tế quan trọng này, đánh dấu sự hội nhập, xác định vai trò quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực di sản hóa phi vật thể với UNESCO và các nước trên thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Lê Đoài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết: “Nằm ở vị trí trung tâm khu vực Nam đồng bằng sông Hồng, trong tiến trình lịch sử của dân tộc, vùng đất Nam Định chứa đựng nhiều giá trị văn hóa của người Việt; trong đó có tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Thánh Cha) và Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Thánh Mẹ) – 2 tín ngưỡng bản địa với những giá trị nhân văn sâu sắc, in đậm trong tâm thức của người dân cả nước với câu ngạn ngữ “Tháng Tám giỗ Cha, Tháng Ba giỗ Mẹ”.
Tỉnh Nam Định được coi là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu với các di tích tiêu biểu như: Quần thể di tích Phủ Dầy (Vụ Bản), di tích Phủ Quảng Cung – Phủ Nấp (Ý Yên),… và nhiều địa điểm thờ Thánh Mẫu khác.
“Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định những giá trị to lớn mang tính toàn cầu của di sản, đóng góp vào sự phong phú, đa dạng văn hóa của nhân loại, phản ánh sự chủ động, hội nhập tích cực của đất nước với quốc tế.
Năm 2023 là tròn 20 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO thông qua. Công ước nhằm gìn giữ, bảo tồn, truyền bá và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống nhân loại, tăng cường nhận thức và sự tham gia của cộng đồng các địa phương, quốc gia; thúc đẩy sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực này.
Công ước mang giá trị toàn cầu đã có những thành quả lớn khi thế giới nhấn mạnh đến tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể.
Tại buổi lễ, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản, nhấn mạnh, Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong việc thực hiện và thúc đẩy sự phát triển của công ước tại Việt Nam.
Cho tới nay, sau 18 năm tham gia công ước, Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được Ủy ban ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện và danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Tính đến nay, Việt Nam đã có gần 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê. Trong đó, có 500 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản được UNESCO ghi danh vào các danh sách bao gồm: 13 di sản văn hóa phi vật thể trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 2 di sản văn hóa phi vật thể trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, phân bố ở hầu khắp các tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, có 1.881 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.
Với nỗ lực không ngừng, trách nhiệm và tình yêu của nghệ nhân, cộng đồng thực hành di sản, chính quyền các cấp và xã hội đối với di sản văn hóa phi vật thể, thông qua việc tăng cường thực hiện và hoàn thiện pháp luật về di sản văn hóa, cam kết mạnh mẽ việc thực hiện Công ước 2003 của UNESCO, Việt Nam đã và đang đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực, trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; góp phần vào nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.
Đặc biệt, Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm của UNESCO và Công ước 2003, cũng như tự cường mạnh mẽ trong việc đóng góp vào bảo vệ sự đa dạng văn hóa và phát triển bền vững di sản văn hóa phi vật thể trên thế giới.
Văn hóa | Báo Dân trí