Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ (Công ty Tây Hồ – có trụ sở ở Hà Nội), được TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử vào tháng 8/2023. Trong vụ án này có 5 bị cáo, bà Chu Thị Ngọc Ngà, nguyên Trưởng Ban Kiểm soát Công ty Tây Hồ bị tuyên phạt 13 năm tù.
Các bị cáo Đặng Quang Tuấn (nguyên Chủ tịch HĐQT); Tân Tú Hải (nguyên Tổng giám đốc) cùng bị phạt 9 năm tù; bị cáo Phan Việt Anh (nguyên Phó Tổng giám đốc) bị tuyên 5 năm tù; bị cáo Nguyễn Tấn Hoàng (nguyên Trưởng phòng kinh doanh) bị tuyên 4 năm tù.Tất cả cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015.
Sau phiên tòa, luật sư Phan Quốc Thắng (bào chữa cho bà Chu Thị Ngọc Ngà) đã có đơn gửi các cơ quan Trung ương, kiến nghị các nội dung trong vụ án.
Cụ thể, luật sư Thắng cho rằng, trong vụ án này, cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Ninh đã hình sự hóa quan thệ dân sự trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Về thẩm quyền điều tra vụ án này, theo đại diện Viện KSND tỉnh Bắc Ninh, đây là vụ án kéo dài, nhiều đơn tố cáo hành vi vi phạm ra tại khu đô thị Quế Võ (Bắc Ninh) của Công ty Tây Hồ, cơ quan điều tra giải quyết nhiều nội dung khác nhau, trong đó có cả hành vi liên quan đến lừa đảo bán đất. Tội phạm xảy ra ở nhiều nơi, căn cứ vào điều 163 của Bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm để thụ lý, giải quyết là hoàn toàn có căn cứ. Quan điểm này được HĐXX chấp nhận.
Tại phiên tòa khi bào chữa và sau này trong đơn kiến nghị gửi các cơ quan Trung ương, luật sư Thắng cho rằng, theo hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa đều thể hiện các hành vi diễn ra tại trụ sở của Công ty Tây Hồ là số 2 ngõ 9 đường Đặng Thai Mai, Tây Hồ, Hà Nội.
Vẫn theo luật sư Thắng, chế độ quản lý, sử dụng tài sản đều thực hiện tại Công ty Tây Hồ, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, Công ty Tây Hồ không có trụ sở, chi nhánh ở Bắc Ninh. Tài sản là quyền 118 lô đất chỉ được coi là công cụ, phương tiện để phạm tội (nếu có) mà không phải là chế độ quản lý sử dụng tài sản nhà nước, được quy định tại điều 219 Bộ luật hình sự, do chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật phải do Bộ Tài chính ban hành.
Do đó, nơi xảy ra vụ án (nếu có) phải là số 2 ngõ 9 đường Đặng Thai Mai, thuộc thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng TP Hà Nội. Theo luật sư Thắng, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Ninh trong vụ án này trái thẩm quyền.
Chuyển nhượng 118 lô đất
Về tội danh Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí mà bị cáo bị tuyên án, trong đơn kiến nghị luật sư Phan Quốc Thắng đã phân tích: Người đại diện vốn Nhà nước tại Công ty Tây Hồ nếu có phải là người được Bộ Xây dựng ủy quyền giao vốn bằng văn bản. Bị cáo Đặng Quang Tuấn, Tân Tú Hải không phải là người được Bộ Xây dựng ủy quyền giao vốn tại Công ty Tây Hồ; người giao vốn là HĐQT Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.
Ông cho rằng, 2 bị cáo trên không phải là người đại diện vốn Nhà nước, tại Công ty Tây Hồ cũng không có ai đại diện vốn Nhà nước, được hiểu không có người nào được giao quản lý tài sản, sử dụng tài sản Nhà nước như quy định tại khoản 1, Điều 219.
Tháng 6/2017, thời điểm mà Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát xác định hành vi phạm tội xảy ra, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP sở hữu 50,09% vốn điều lệ tại Công ty Tây Hồ mà không phải Bộ Xây dựng – cơ quan đại diện chủ sở hữu. Theo quy định, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội cũng không phải doanh nghiệp nhà nước như quy định, do lúc này doanh nghiệp Nhà nước phải là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước (được quy định tại khoản 8, Điều 4 và Điều 88 Luật Doanh nghiệp năm 2014).
Theo luật sư Thắng, trong vụ án này không có tài sản nhà nước, không có chế độ quả lý, sử dụng tài sản nhà nước, không có người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được quy định tại điều 219 Bộ luật hình sự, do đó không có vụ án “Vi phạm quy quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Vị luật sư cho rằng, việc chuyển nhượng 118 lô đất ở khu đô thị mới Quế Võ của các bị cáo trong vụ án này là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nếu 5 bị cáo có sai chỉ là vi phạm điều lệ, quy chế của doanh nghiệp, vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của người quản lý công ty theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014; Việc chuyển nhượng 118 lô đất chưa đủ điều kiện chuyển nhượng và vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. “Đây chính là việc hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, hình sự hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, tranh chấp tại doanh nghiệp”, luật sư Thắng nêu quan điểm.
Còn trong bản án, HĐXX TAND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, với vai trò là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc đại diện vốn nhà nước của Tổng công ty xây dựng Hà Nội tại Công ty Tây Hồ, các bị cáo đã không báo cáo, xin ý kiến Tổng công ty xây dựng Hà Nội về việc bán 118 lô đất tại dự án khu đô thị mới Quế Võ. Căn cứ vào báo cáo tài chính của Công ty Tây Hồ tính đến ngày 31/12/2016 thì tổng tài sản của Công ty Tây Hồ là hơn 293 tỷ đồng, các bị cáo bán 118 lô đất thu được số tiền hơn 148 tỷ đồng, bằng hơn 50% tổng giá trị tài sản, như vậy là trái với thẩm quyền của HĐQT được quy định tại điều lệ Công ty Tây Hồ.
Vẫn theo bản án, hành vi của các bị cáo gây thất thoát tài sản nhà nước đó là phần vốn góp thuộc sở hữu nhà nước của công ty Tây Hồ. Theo kết quả giám định của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự tỉnh Bắc Ninh là hơn 91 tỷ đồng.
Tin An Ninh Hinh Su