Từ một hợp đồng chỉ dài 4 trang để sản xuất một bộ phim hoạt hình câm, đến nay hãng Disney đã trở thành đế chế điện ảnh lớn nhất thế giới, là biểu tượng của phép màu và những giấc mơ kỳ diệu cho muôn vàn trẻ nhỏ.
Được tạo nên bởi đạo diễn huyền thoại Chris Buck – người đã làm nên Tarzan và Frozen, cùng họa sĩ Fawn Veerasunthorn, Wish là tác phẩm hoạt hình kỷ niệm một thế kỷ tung hoành của Disney, như một lễ vật dâng lên những di sản phim vĩ đại.
Vương quốc giấc mơ “phản địa đàng”
Wish đã bắt đầu với một cuốn sách cổ tích, với giọng kể “ngày xửa ngày xưa với một vương quốc dành cho những kẻ biết mộng mơ, không phân biệt bất cứ ai”.
Wish như ẩn dụ thích hợp để nói về chính hãng phim Disney – nơi đã nuôi dưỡng giấc mơ về những bà tiên, những hoàng tử và công chúa, những kết thúc có hậu, những thế giới diệu kỳ, những đồ vật và các loài thú đáng yêu biết nói như con người.
Wish | Official Trailer
Xem Wish giống như được bước vào một trò chơi đi tìm kho báu giấu trong mỗi cảnh phim.
Bạn sẽ thấy cỗ xe bí ngô và chú chuột biết nói của Lọ Lem, bảy người bạn của Asha gợi liên tưởng tới bảy chú lùn, những động tác nhún nhảy làm phép tựa chú chuột Mickey, phân cảnh Alice chạy theo chú thỏ cầm đồng hồ, hay Ngôi Sao rớt xuống từ trời phần nào gợi nhớ đến nàng tiên Tinker Bell trong Peter Pan.
Cách làm của Wish có phần giống với 101 nights của nữ đạo diễn Agnes Varda. 101 nights cũng là một tác phẩm “cúng cụ” nhân kỷ niệm 100 năm điện ảnh ra đời.
Varda cũng đưa rất nhiều các tham chiếu về điện ảnh thế giới vào tác phẩm của mình.
Cả hai bộ phim đều có chút châm biếm chính điện ảnh – nếu như 101 nights nhân hóa điện ảnh thành quý ông Cinéma già nua, mất trí nhớ, quên gần sạch các thành tựu bản thân, thì Wish biến vương quốc Rosas xinh đẹp, hạnh phúc trở thành một “phản địa đàng”, nơi giấc mơ tưởng được bảo quản kỹ càng, nhưng hóa ra lại bị cai quản nghiêm ngặt.
Dẫu vậy, 101 nights hài hước, quái đản và khiến khán giả vỡ òa bao nhiêu mỗi lần một nhân vật kinh điển của màn ảnh xuất hiện, thì Wish lại dễ đoán và đơn điệu bấy nhiêu. Dường như việc phải nhồi nhét quá nhiều các tham chiếu khiến nhà làm phim quên mất rằng, sau cùng thì Wish vẫn phải là một tác phẩm độc lập chứ không chỉ là một lá thư tri ân.
Ước nguyện cho Disney
Âm nhạc trong Wish vẫn hay như mọi tác phẩm thông thường của Disney. Phần soundtrack còn được thu âm rất nhiều phiên bản ngôn ngữ, ngoài tiếng Anh còn có tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan, Trung… và cả tiếng Việt.
Trong bản nhạc quan trọng của phim, khi nàng Asha nhớ về lời dặn dò của cha mình và bày tỏ ước nguyện dưới những vì sao, một phân cảnh gợi nhớ về cả Pinocchio lẫn đoạn phim của Mufasa và Simba trong Vua sư tử, Asha đã hát: “Cho nên tôi ước có điều gì đó nhiều hơn thế cho chúng ta”.
Khán giả ngày nay muốn điều gì đó nhiều hơn những giấc mơ. Pixar thành công là bởi họ đưa vào tác phẩm cả những suy nghiệm về cái chết, về lỗi lầm, thậm chí về sự đổi thay của cơ thể ở ngưỡng dậy thì.
Khán giả đã chán những nhân vật của Disney, ngay từ đầu đã công chính, dũng cảm, tử tế như nàng Asha trong Wish. So sánh với hành trình đi tìm “tia lửa” đam mê của những linh hồn lạc lối trong Soul, một bộ phim của Pixar, hành trình giải cứu giấc mơ của Asha thật tuyến tính, không chút nhập nhằng giữa trắng/đen.
Xét cho cùng, với ý nghĩa kỷ niệm, Wish đâu thể chỉ dành cho những đứa trẻ hiện đại, mà nó phải dành cho cả những đứa trẻ đã lớn lên cùng Bạch Tuyết, Lọ Lem, Nàng Tiên Cá… nhưng nay đã thành người lớn, đã biết cổ tích chỉ là một mặt của cuộc đời.
Giây phút cảm động nhất của Wish có lẽ là khi chú lừa Sabino thổi sáo flute bản nhạc When You Wish Upon A Star, bản nhạc của Pinocchio.
Vẻ đẹp của giai điệu bất tử ấy là giây phút hiếm hoi ta thực sự cảm nhận được bầu không khí màu nhiệm như khi xem Disney thuở lên 8, lên 10, khiến ta dù đã biết phép màu không có thật, nhưng vẫn cứ muốn tin vào nó: “Khi ước nguyện dưới một ánh sao, những giấc mơ của bạn sẽ thành hiện thực”.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed