Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (quận 1, TPHCM) trưng bày 177 hình ảnh, tư liệu, hiện vật, kỷ vật của các chỉ huy, lãnh đạo, tướng lĩnh thuộc các cơ quan chỉ đạo Cách mạng miền Nam.
Nhóm kỷ vật là những hành trang của người chiến sĩ cách mạng trên các mặt trận khác nhau như: Nhà báo, phóng viên chiến trường, văn công Quân Giải phóng miền Nam, nữ chiến sĩ miền Nam, đội ngũ y sĩ và những kỷ vật của những cựu binh, cựu tù chính trị.
Trong ảnh là những kỷ vật như dao xếp, bật lửa, chiếc bút và những bức thư của Liệt sĩ Đỗ Văn Nhân được tìm thấy trong quá trình khai quật hài cốt.
Những bức thư của Liệt sĩ Đỗ Văn Nhân gửi cho vợ là bà Lê Thị Tuyết ở quê nhà vào những tháng ngày trên chiến trường Trung Trung Bộ.
“Em biết không, chiếc bút máy của anh hôm anh em mình cùng đi khắc tên, lần đầu tiên lấy mực để viết là lần viết thư này cho em đây. Tất cả mọi thứ của anh đều với ý nghĩa em là người anh dành quyền đầu tiên và có những thứ em là người duy nhất đấy nhé”, trích thư Liệt sĩ Đỗ Văn Nhân gửi vợ ngày 6/5/1968.
Chiếc máy may của bà Mai Hồng Hạnh, sử dụng để may cờ phục vụ cho nhiệm vụ chính trị năm 1954-1957.
Hai chiếc thẻ học sinh của bà Nguyễn Thị Phi Vân sử dụng khi đi rải truyền đơn, đi học, đi dạy, tham gia các hoạt động công khai trong nội thành Sài Gòn.
Trong trận chống càn năm 1968 tại tỉnh Quảng Nam, một mảnh kim loại đã găm vào ngực nữ du kích Trương Thị Chiến. Suốt hàng chục năm, mảnh kim loại này đã gây cho bà rất nhiều đau đớn, làm suy kiệt sức khỏe, ảnh hưởng đến cuộc sống của bà và gia đình. Đặc biệt trong thời gian bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt, tra tấn và đày ra nhà tù Côn Đảo, mảnh kim loại trong phổi càng làm cho bà đau đớn hơn.
Ngày 25/8/2005, bà Chiến được Bệnh viện C Đà Nẵng phẫu thuật lấy mảnh kim loại ra khỏi phổi và bà đã xin lại để giữ làm kỷ niệm.
Chiếc nồi nấu cơm của bà Lê Thị Khuynh, được sử dụng để nấu 60 vắt cơm, chờ đội dân công về ăn. Tuy nhiên, đêm ấy máy bay Mỹ đã tấn công vào đoàn dân công làm bị thương 21 người và 32 người hy sinh. Chiếc nồi sau đó bị trúng bom Mỹ, thủng 8 lỗ, bà Khuynh đã dùng đinh nhôm hàn lại để tiếp tục sử dụng.
Chiếc bát nhang của ông Huỳnh Văn Kịch được làm từ vỏ đạn cối 60mm thu được trong trận càn của lính Mỹ vào xã Vĩnh Lộc năm 1967. Ông dùng bát nhang này để thờ em gái là Liệt sĩ Huỳnh Thị Châu hy sinh đêm 15/6/1968.
Chiếc bi đông của ông Trần Văn Danh thu được trong chiến dịch Điện Biên Phủ, được ông sử dụng năm 1954-1975.
Chiếc mũ tai bèo, chiếc lược ngà hay radio là những kỷ vật, đạo cụ của đoàn văn công T2, sử dụng trong thời gian biểu diễn văn nghệ tại chiến trường Quân khu 8 (1968-1975).
Trong đêm 15/6/1968, ông Nguyễn Văn Dần đã dùng chiếc xe bò này để chở thi thể của 7 dân công (trong đó có con gái của ông Dần) từ đồng bưng về làng, để các gia đình nhận về chôn cất.
Nhiều du khách nước ngoài cũng tham gia triển lãm trưng bày những kỷ vật kháng chiến.
“Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Việt Nam, tình cờ được một bạn Việt Nam giới thiệu đến đây để tham quan. Tại đây, tôi xem được rất nhiều thứ và cả những nhân vật lịch sử khiến tôi phải ấn tượng”, ông Ketut Sutarna (du khách đến từ Indonesia) chia sẻ.
Triển lãm với chuyên đề “Kỷ vật thời kháng chiến” là hoạt động kỷ niệm 18 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2023), 83 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 – 23/11/2023), đồng thời hướng đến 79 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2023).
Triển lãm được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đến hết tháng 3/2024.
Văn hóa | Báo Dân trí