Đại úy công an ở Vĩnh Long bị đứt lìa 2 chân khi truy bắt “cát tặc”
Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 24/11, Công an huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) cho biết, vừa có một đại úy công an bị đứt lìa 2 chân khi truy bắt “cát tặc”. Đại úy công an nói trên là cán bộ Đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và môi trường.
Theo thông tin ban đầu từ Công an huyện Trà Ôn, khuya ngày 23/11, Công an huyện Trà Ôn phân công 4 cán bộ, chiến sĩ tuần tra đảm bảo an ninh trật tự trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản.
Trong quá trình tuần tra, các cán bộ, chiến sĩ phát hiện ghe gỗ không số hiệu do hai đối tượng đang khai thác cát trái phép tuyến sông Hậu nên ra lệnh dừng để kiểm tra.
Tuy nhiên, các đối tượng ngoan cố, không chấp hành lệnh dừng phương tiện nên các cán bộ, chiến sĩ bắn chỉ thiên. Ngay sau đó, các đối tượng đã lao ghe vào tàu của tổ tuần tra nên 4 cán bộ, chiến sĩ rơi xuống sông.
3 cán bộ, chiến sĩ leo lên được ghe của nhóm đối tượng. Riêng cán bộ đại úy bị cuốn vào chân vịt ghe khai thác cát trái phép dẫn đến đứt lìa 2 chân.
Sau vụ việc, cả 2 đối tượng bỏ trốn. Công an huyện Trà Ôn đã truy tìm và bắt giữ được một người và đang tiếp tục truy bắt người còn lại.
Về phía đại úy công an, anh đã được đồng đội khẩn trương đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Các bác sĩ đã hội chẩn và kết luận phải phẫu thuật gấp.
Đến 2h sáng 24/11, ca phẫu thuật đã hoàn tất. Do vết thương rất nặng, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ 1/2 đùi phải và cắt bỏ trên gối chân trái.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đang được các bác sĩ tích cực điều trị.
Ông Trần Quí Thanh bị cáo buộc chiếm đoạt 2 dự án của đại gia Đặng Thị Kim Oanh
Như Dân Việt đã thông tin: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận đề nghị truy tố ông Trần Quí Thanh (SN 1953) và 2 con gái là Trần Uyên Phương (SN 1981), Trần Ngọc Bích (SN 1984) về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Ông Trần Quí Thanh bị cáo buộc chiếm đoạt 2 dự án của đại gia Đặng Thị Kim Oanh.
Theo kết luận, bà Đặng Thị Kim Oanh là Chủ tịch Công ty Kim Oanh Đồng Nai và Công ty Thuận Lợi. Bà Oanh có mua 2 dự án là Minh Thành Đồng Nai và Nhơn Thành Đồng Nai.
Năm 2019, do khó khăn nên bà Oanh gặp ông Trần Quí Thanh để vay 500 tỷ đồng nhưng được yêu cầu phải làm hợp đồng chuyển nhượng lại 2 dự án trên; khi nào có trả tiền sẽ được hoàn lại.
Nhóm bà Oanh sau đó làm thủ tục chuyển nhượng tài sản cho Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích theo chỉ đạo của ông Trần Quí Thanh.
Năm 2020, bà Oanh xin lấy lại các dự án nhưng phía ông Trần Quí Thanh không đồng ý nên nữ đại gia làm đơn tố cáo.
Cơ quan điều tra cho rằng, ông Trần Quí Thanh đã lợi dụng việc cho vay để chiếm đoạt 2 dự án trên, gây thiệt hại cho bà Đặng Thị Kim Oanh số tiền 600 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Thanh còn bị cáo buộc chiếm đoạt 35 thửa đất của 3 cá nhân khác, gây thiệt hại cho họ tổng cộng khoảng 167 tỷ đồng.
Theo kết luận, ông Trần Quí Thanh không nhận tội nhưng cơ quan điều tra đủ căn cứ xác định vị này có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ngược lại, ông này được ghi nhận có nhiều đóng góp cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động…
Đại biểu Quốc hội tranh luận về quy định đã uống rượu bia không lái xe, Bộ trưởng Bộ Công an nói “sẽ nghiên cứu kỹ”
Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 24/11, phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, qua tổng hợp, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội tại tổ và hội trường đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Điểm lại những vấn đề các đại biểu Quốc hội đề cập, Bộ trưởng Bộ Công an nên rõ, về sự cần thiết ban hành Luật, về tên gọi và bố cục dự thảo Luật, rà soát để tránh chồng lấn về phạm vi điều chỉnh giữa Luật này và Luật Đường bộ; việc bổ sung xe của Viện kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp là xe ưu tiên; quy định về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; về thiết bị giám sát hành trình; quy định về giấy phép lái xe; an toàn giao thông cho học sinh; kiểm soát trật tự an toàn giao thông đường bộ;
Xử phạt vi phạm hành chính; cứu hộ, cứu nạn; bảo trì, bảo dưỡng công trình giao thông; biện pháp chống người thi hành công vụ; tín hiệu giao thông; chống ùn tắc giao thông; cấp đổi giấy phép lái xe; dừng đỗ xe, cấm dừng đỗ xe; thiết bị giao thông thông minh; chuyển đổi số; đấu giá biển số xe; khám sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông; độ tuổi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; vấn đề vận tải đường bộ; người đi bộ…
Liên quan đến quy định cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến góp ý và cả những ý kiến tranh luận.
“Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng – An ninh và các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ, tiếp thu, giải trình đầy đủ để hoàn thiện dự án luật bảo đảm chất lượng, khả thi”, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay.
Phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành luật; yêu cầu bổ sung cơ sở chính trị pháp lý, thực tiễn, bảo đảm cao nhất an toàn tính mạng của người dân, an ninh quốc gia, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông.
Các đại biểu nhất trí với bố cục và nhiều nội dung của dự thảo luật, cũng như hồ sơ dự án luật đã được chuẩn bị chu đáo công phu. Đại biểu đề nghị xem xét, đánh giá, phân tích kỹ, đồng thời tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý làm rõ nhiều nội dung như đại biểu đã phát biểu.
Các đại biểu cũng cho rằng, cũng như Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhận được sự quan tâm cao của người dân do luật có tác động đến đời sống, sinh hoạt của người dân trong điều kiện giao thông đường bộ Việt Nam là giao thông và hỗn hợp, người dân là chủ thể tham gia giao thông và chủ thể điều khiển phương tiện…
Vì vậy, phạm vi, bố cục và nội dung của hai dự án luật cần thiết kế để xử lý phạm vi giao thoa cho phù hợp, trên cơ sở giải quyết rõ mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng đường bộ và các yếu tố kiến trúc thượng tầng bảo đảm an toàn giao thông, giữa hạ tầng phương tiện và con người, cũng như điều kiện thời tiết khí hậu Việt Nam, giữa yếu tố tĩnh, yếu tố động, yếu tố vừa tĩnh vừa động…
Một cán bộ tín dụng ngân hàng bị khởi tố vì mua bán trái phép hóa đơn
Ngày 24/11, thông tin từ Công an tỉnh Thái Bình cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Mai Ngọc Hạnh (SN 1990), trú tại phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”, quy định tại Điều 203 Bộ luật hình sự.
Quá trình điều tra xác định, để có nguồn vốn mua nguyên vật liệu thi công các công trình xây dựng, Công ty cổ phần T.Đ đã liên hệ và được một chi nhánh ngân hàng tại Thái Bình đồng ý về chủ trương giải ngân.
Theo đó, Mai Ngọc Hạnh – cán bộ tín dụng thuộc ngân hàng là người được giao nhiệm vụ hỗ trợ, trao đổi với Công ty cổ phần T.Đ lập hồ sơ để giải ngân.
Do chưa có hóa đơn giá trị gia tăng hoàn thiện hồ sơ theo quy định; sau khi thống nhất với Công ty cổ phần T.Đ, Mai Ngọc Hạnh liên hệ với Đặng Thị Vẻ (SN 1986), trú tại phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình để mua hóa đơn giá trị gia tăng.
Từ ngày 6/10/2020 đến ngày 27/11/2020, Đặng Thị Vẻ bán ra tổng số 6 tờ hóa đơn giá trị gia tăng theo đề nghị của Mai Ngọc Hạnh. Trước đó, tháng 7/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Đặng Thị Vẻ (SN 1986), trú tại phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đang hoàn tất hồ sơ xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.
Tuyên án nhóm đối tượng trong vụ dùng súng hỗn chiến khiến 5 người thương vong
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 24/11, sau 2 ngày xét xử, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyên án vụ án “Giết người” đối với nhóm bị cáo cùng trú tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo đó, với tội “Giết người”, HĐXX TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyên phạt Hồ Thanh Pháp (SN 1999) mức án tử hình, Nguyễn Tấn Vinh (SN 1987) mức án tù chung thân, Lê Anh Tấn (SN 1993) 14 năm tù, Nguyễn Xuân Trí (SN 1996) 12 năm tù; các bị cáo Nguyễn Chí Thành (SN 1997), Lê Văn Linh (SN 1998) và Trương Văn Ký (SN 1998) cùng bị phạt mức án 8 năm tù; các bị cáo Bùi Văn Kiều (SN 1994), Võ Đức Thọ (SN 1984) và Trương Công Nô (SN 1994) cùng chịu mức án 7 năm 6 tháng tù; bị cáo Bùi Tuấn Hải (SN 1993) bị phạt 2 năm 6 tháng tù.
Theo cáo trạng, giữa nhóm Nguyễn Tấn Vinh và nhóm Bùi Huy Hiếu (SN 1986, trú thị trấn Lăng Cô) có mâu thuẫn với nhau từ trước. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là việc Nguyễn Tấn Vinh và Bùi Văn Kiều bị nhóm của Hiếu đánh vào tối 30/6/2022 tại quán karaoke Google Sing (thị trấn Lăng Cô).
Vào chiều 2/7/2022, Vinh nhận được điện thoại của Lê Anh Tấn hỏi về việc Vinh bị nhóm của Hiếu đánh. Lúc này, Tấn hỏi Vinh có muốn đi “hỏi thăm” nhóm của Hiếu không. Sau đó, Vinh đã gọi cho các đối tượng trong nhóm của mình và thống nhất đi tìm nhóm Hiếu để đánh trả thù.
Nhóm của Vinh chuẩn bị hung khí và tập trung tại phía nam chân cầu Lăng Cô (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc). Tại đây, Vinh cử Thành và Ký đến quán karaoke Google Sing (nơi Hiếu làm việc) để nắm bắt tình hình. Sau khi đến quán karaoke, Thành gọi điện cho Vinh báo rằng Hiếu đang có mặt tại quán.
Sau đó cả nhóm Vinh kéo đến quán karaoke Google Sing, nhưng do lúc này quán đông người nên cả nhóm quay về tập trung tại khu tái định cư Đảo Ngọc, thuộc địa phận thôn Hải Vân, thị trấn Lăng Cô.
Sau khi “hội quân” tại khu tái định cư Đảo Ngọc, Vinh gọi điện thoại cho Hiếu để thách thức rồi cả nhóm tập trung ăn nhậu. Đến khoảng 21h30 cùng ngày, Hiếu gọi điện thoại cho Vinh và cho biết nhóm của Hiếu đã đến cầu Lăng Cô.
Nhận được cuộc gọi của Hiếu, Vinh mua thêm 1 két bia chai làm hung khí, Pháp và Trí về nhà lấy thêm 1 khẩu súng hơi bắn đạn chì, đồng thời mua xăng để nhằm chuẩn bị cho vụ đánh nhau.
Khoảng 22h cùng ngày, nhóm Hiếu gồm 10 người đi xe máy mang theo hung khí kéo đến khu vực cầu Lăng Cô để đánh nhau với nhóm Vinh. Trong lúc 2 nhóm đang hỗn chiến, Pháp dùng khẩu súng hơi bắn 6 phát nhằm vào các đối tượng trong nhóm Hiếu.
Hậu quả, vụ xả súng khiến Hiếu và một người trong nhóm của Hiếu là Phan Kim Khánh (SN 1991) bị thương gục xuống tại chỗ. Khánh tử vong trên đường đưa đi cấp cứu, Hiếu được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đến ngày 6/7/2023 thì tử vong.
Vụ xả súng còn khiến 3 người khác trong nhóm Hiếu bị trọng thương do bị bắn đạn chì vào vùng ngực và bụng, gồm Nguyễn Văn Giàu (SN 2003) bị tổn thương cơ thể 58%, Dương Công Hiếu (SN 1998) tổn thương cơ thể 27% và Tôn Thất Banh (SN 1992) tổn thương cơ thể 15%.
Đối với nhóm Vinh, Lê Anh Tấn phải điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế với tổn thương cơ thể 7%.
Tin An Ninh Hinh Su