Giải đua ghe Ngo năm 2023 tổ chức quy mô cấp tỉnh, thuộc khuôn khổ Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng với chủ đề “Sóc Trăng – Khát vọng vươn xa”. Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ, được tổ chức thường niên vào rằm tháng 10 hàng năm và định kỳ 2 năm 1 lần ở giải mở rộng cấp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước ngày đua chính thức, các ngôi chùa Khmer bắt đầu đóng ghe, vẽ hoa văn trang trí ghe. Chiếc ghe Ngo mới được đóng, vẽ hoa văn và bảo quản trong nhà ghe của chùa Wath Pích (phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), đội ghe đoạt giải nhất năm 2022.
Nghệ nhân Lâm Phiên (trái) và sư Quang Trường (phải) phụ vẽ hoa văn chiếc ghe chùa Chrôi Tưm Chắs (Trà Tim cũ, Phường 10, TP Sóc Trăng).
Ngoài vẽ truyền thống, để đáp ứng tiến độ cho mùa giải, nghệ nhân Pov Sơn còn dùng máy phun sơn lên phần phác họa nét vẽ trên thân ghe đóng mới ở chùa Phothisaram (Sóc Vồ, Phường 7, TP Sóc Trăng).
Ghe Ngo chùa Phothisaram năm nay được nghệ nhân Danh Tùng đóng mới. Người thợ không ngừng cải tiến kỹ thuật đóng ghe để lướt trên sông nhanh nhất có thể. Đó cũng là lý do ngày nay ghe Ngo được đóng dài hơn, có chiều dài khoảng 30m, thay vì 27m như trước kia.
Đối với các chùa không có đóng ghe mới, những người thợ lành nghề và các vận động viên tập trung tại chùa Chămpa (xã Phú Tân, huyện Châu Thành) sửa chữa ghe của mùa trước, trong đó có công đoạn cạy các khe nứt và trét chai để nước không thấm vào thân ghe.
Khi xây chùa, người Khmer chọn một linh vật làm biểu tượng của chùa và khi đóng ghe, linh vật này cũng là biểu tượng của chiếc ghe (thần ghe). Linh vật này thể hiện sức mạnh của ghe đua, được chọn theo quan niệm truyền thống của từng chùa, như các con vật có sức mạnh, hoặc có khả năng chạy nhanh. Ví dụ, thần ghe của ghe ngo chùa Chămpa là con cọp.
Trong văn hóa của người Khmer Nam Bộ, ghe Ngo là một sản phẩm văn hóa mang tính cộng đồng cao, thường gắn với ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của một hay nhiều khóm ấp. Ghe Ngo có nhiều khoang, mỗi khoang đóng nhiều thanh cây ngang vừa đủ 2 người ngồi bơi thoải mái theo từng cặp song song. Trên ghe có hai cây chịu lực, thường là thân cây tràm, giúp cho ghe nhún nhảy và phóng nhanh đồng thời giúp giữ chặt ghe không bị gãy đôi. Một cây kềm dài suốt lòng ghe, một cây kềm lái (từ giữa thân ghe về phía sau) gọi là cây cần câu. Cây này có độ tuổi nhiều năm và phơi trong nhà từ 1-2 năm cho khô thì mới cột làm cần câu ghe.
Ghe Ngo có dầm riêng, làm theo nhiều kích cỡ tùy theo từng vị trí người bơi, cây dầm sau lái và trước mũi sẽ dài hơn các cây khác có tác dụng điều chỉnh hướng đi của ghe.
Sau khi đóng ghe, vẽ ghe, các chùa tập hợp thanh niên sống gần chùa vào mỗi buổi chiều để tập bơi dầm trên cạn và dưới giàn nước.
“Đội ghe thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức tập luyện mong đạt thành tích cao trong mùa giải năm nay”, anh Dương Văn Hiền (phải, hàng đầu), vận động viên đội ghe chùa Chrôi Tưm Chắs nói.
Sau quá trình tập luyện, các nhà sư và đội ghe hơn 80 người cùng thực hiện nghi lễ hạ thủy và chờ đến ngày thi đấu. Nghi thức cúng hạ thủy thường chọn giờ, ngày lành tháng tốt, mục đích là khấn nguyện các vị thần bảo hộ ghe ngo đi theo giúp sức để các đội của chùa giành chiến thắng trong hội đua sắp tới.
Sư Thạch Xíu Hên, một trong những vị sư có uy tín trong chùa Chrôi Tưm Chắs được chọn ngồi trước mũi ghe thực hiện nghi thức hạ thủy, với sự hỗ trợ của cả đội nâng chiếc ghe lên.
Đội ghe Chrôi Tưm Chắs thực hiện các bài tập khởi động trước khi xuống sông Maspero thử tốc độ ghe. Sông Maspero, khu vực khán đài đường đua ghe ngo TP Sóc Trăng là nơi diễn ra cuộc tranh tài của 46 đội ghe đăng ký dự thi năm nay, bao gồm 40 ghe nam và 6 ghe nữ. Trong đó, có 38 ghe trong tỉnh và 8 ghe đến từ các tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, TP Cần Thơ.
Nghi thức thắp nhang cầu nguyện trước khi bắt đầu tập dợt đua ghe trên dòng Maspero.
Lễ hội đua ghe Ngo của người Khmer hàm chứa mục đích và ý nghĩa quan trọng đó là thể hiện tình cảm và lòng biết ơn đối với sông ngòi đã bù đắp phù sa mang đến nhiều nguồn lợi cho sự sống của con người.
Thể hiện niềm vui, phấn khởi của con người, bày tỏ lòng biết ơn đối với thiên nhiên đã tạo nên mưa thuận gió hòa, có được mùa màng tốt tươi trong năm. Tạ ơn các vị thần có thế lực quyền năng, các linh hồn ông bà tổ tiên đã giúp đỡ, che chở, phù hộ, bảo vệ mùa màng. Tạo nên tính gắn kết cộng đồng, mối thân tình, đoàn kết giữa con người với con người.
Văn hóa | Báo Dân trí