Tối 23/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia “Bộ sưu tập Nha Chương”; Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề làm bánh chưng, bánh giầy của huyện Cẩm Khê, TP Việt Trì, huyện Tam Nông; Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ về việc tặng danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ lần thứ IV, năm 2023.
Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2023.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đắc Thủy – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã báo cáo quá trình xây dựng hồ sơ khoa học Bảo vật quốc gia “Bộ sưu tập Nha chương”; Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm bánh chưng, bánh giầy”.
Theo đó, “Bộ sưu tập Nha chương” là một minh chứng quan trọng trong việc nghiên cứu sự ra đời và phát triển của thời đại Hùng Vương ở Phú Thọ.
Hiện Nha chương ở Việt Nam mới chỉ được phát hiện 8 chiếc tại 2 di chỉ khảo cổ Phùng Nguyên và Xóm Rền của tỉnh Phú Thọ. Trong đó, “Bộ sưu tập Nha chương” gồm 4 chiếc đang được trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương trong không gian trưng bày về văn hóa Phùng Nguyên nhằm giới thiệu tới khách tham quan những giá trị riêng có, độc đáo về nghệ thuật chế tác đá.
“Bộ sưu tập Nha chương” mang giá trị lịch sử văn hóa và ý nghĩa đại diện cho một giai đoạn lịch sử, có giá trị biểu tượng trong xã hội của nhà nước sơ khai. Nha chương như một biểu tượng quyền lực của nhà vua và quyền uy tù trưởng; chỉ xuất hiện và tồn tại trong văn hóa Phùng Nguyên. Đồng thời, “bộ sưu tập Nha chương” là nguồn sử liệu vô cùng giá trị, đại diện cho một thời kỳ bình minh lịch sử của dân tộc Việt Nam – thời đại các Vua Hùng dựng nước.
Với những giá trị vô giá đó, “Bộ sưu tập Nha chương” đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2020.
Nghề làm bánh chưng, bánh giầy phổ biến khắp nơi trong cả nước, nhưng ở Phú Thọ, bánh chưng, bánh giầy lại mang màu sắc và những đặc trưng văn hóa riêng, trở thành một tập quán xã hội gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng các nhân vật thời Hùng Vương, được truyền từ đời này sang đời khác.
Trải qua hàng nghìn năm, bánh chưng, bánh giầy của người Việt vẫn còn lưu giữ nguyên sơ đến ngày nay và trở thành quốc hồn, quốc túy của dân tộc, là những giá trị văn hóa đẹp đẽ, hun đúc qua bao đời cần được gìn giữ và phát huy cho đến mãi mai sau.
Ở Phú Thọ hiện nay đã có nhiều làng nghề gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy truyền thống lâu đời như: Bánh chưng làng Trò (xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê), làng Hùng Lô (xã Hùng Lô, TP. Việt Trì); bánh giầy có làng Trúc Phê (TT. Hưng Hóa, huyện Tam Nông), làng Mộ Chu Hạ (phường Bạch Hạc, TP. Việt Trì)…
Để bảo tồn và phát huy phong tục cổ truyền làm bánh chưng, bánh giầy ở Phú Thọ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định đưa nghề làm bánh chưng, bánh giầy vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đây cũng là tiền đề để tăng thêm sức hút của du lịch hành hương về vùng đất Tổ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để bảo tồn và phát huy giá trị của kho tàng tri thức dân gian trong đời sống.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã tặng danh hiệu Nghệ nhân hát Xoan cho 20 cá nhân, nhằm ghi nhận cho những đóng góp, công lao của các nghệ nhân đã gắn bó cuộc đời với sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Hát Xoan Phú Thọ”; cổ vũ tinh thần cho các nghệ nhân tiếp tục cống hiến và trao truyền di sản cho các thế hệ.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet