Theo kết luận điều tra vụ Vạn Thịnh Phát của Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03), bị can Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) trong quá trình công tác tại ngân hàng này với vai trò thành viên HĐQT đã ký phiếu biểu quyết đồng ý và thay mặt HĐQT ký nghị quyết phê duyệt về việc cấp tín dụng với một số hồ sơ vay theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát)
Ông Thành bị khởi tố 2 tội Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt đông khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Ngày 29/10, C03 ra quyết định truy nã toàn quốc với Đinh Văn Thành; đồng thời kêu gọi bị can ra đầu thú để được hưởng khoan hồng. Trường hợp không ra đầu thú, bị can coi như từ bỏ quyền tự bào chữa và sẽ bị truy tố, xét xử.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng truy nã với bà Nguyễn Thị Thu Sương (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB). Kết luận điều tra nêu, quá trình công tác tại ngân hàng SCB, bà Sương đã ký phiếu biểu quyết đồng ý của các thành viên HĐQT, đồng ý phê duyệt về việc cấp tín dụng với một số hồ sơ vay theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Tương tự với 2 bị can trên, ông Chiêm Minh Dũng, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB cũng bị C03 truy nã vì đã ký phiếu biểu quyết đồng ý của các thành viên HĐQT, đồng ý phê duyệt về việc cấp tín dụng với một số hồ sơ vay theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.
Ngoài ra, trong vụ án này, có 2 bị can khác cũng đang bị C03 truy nã là Trầm Thích Tồn (nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng SCB và Nguyễn Lâm Anh Vũ (nguyên Phó giám đốc Chi nhánh Bến Thành Ngân hàng SCB).
Trong kết luận điều tra, cả 5 trường hợp này đều bị Cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố.
Chiều 22/11, tại cuộc họp Thông báo kết quả cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên đã trả lời báo chí về một số vấn đề liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát.
Báo chí đặt câu hỏi, liên quan tới vụ án Vạn Thịnh Phát, có một số đối tượng đang bỏ trốn, bị truy nã có xét xử vắng mặt không?
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho hay, chủ trương xử lý các đối tượng bỏ trốn truy nã đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo nhất quán. Pháp luật Việt Nam cũng đã có quy định.
“Với các đối tượng là người Việt, quốc tịch Việt Nam, có đủ căn cứ chứng minh rằng đã phạm tội, đủ căn cứ điều kiện để đưa ra xét xử thì tiếp tục quyết định xét xử vắng mặt. Đây là chủ trương thống nhất, không chỉ riêng với vụ án này, mà nhất quán với bất cứ vụ án nào”, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên nhấn mạnh.
Mới đây có trường hợp bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch của AIC cũng đã bị xét xử vắng mặt trong 2 vụ án. Tổng hợp hình phạt trong 2 vụ án, bà Nhàn bị tuyên phạt 30 năm tù.
Tin An Ninh Hinh Su