Đằng sau những sáng tác bất hủ
Theo nhạc sĩ Đài Phương Trang, đây là cơ hội hiếm hoi ông được hội ngộ đông đủ cùng các đồng nghiệp cùng thời. Nhạc sĩ nói: “Chúng tôi từng tham gia nhiều chương trình nhưng thường riêng lẻ, chưa bao giờ xuất hiện chung. Công chúng thích nhạc xưa cũng chưa có dịp giao lưu để biết về các ca khúc xưa”.
Tại sự kiện, các nhạc sĩ có cơ hội trải lòng thêm về những góc khuất, câu chuyện đằng sau những tác phẩm của mình – những bài hát bất hủ được khán giả yêu thích mấy chục năm qua.
Nhạc sĩ Đài Phương Trang (tác giả của Người yêu cô đơn, Hai mùa Noel..) cho biết ông sáng tác tùy theo cảm xúc bản thân và những câu chuyện góp nhặt trong cuộc sống. Với ông, đề tài về tình yêu, cuộc sống là muôn thuở. Tuy nhiên, âm nhạc của ông không bi lụy mà luôn đặt niềm tin vào đó.
Nhạc sĩ Giao Tiên (tác giả của Lại nhớ người yêu, Vó ngựa trên đồi cỏ non, Tình đẹp mùa chôm chôm…) kể: “Tôi nhớ người yêu ra sao thì viết vậy. Tôi là gốc nông dân nên viết mộc mạc, bình dị, nhưng vẫn có tính lãng mạn. Ban đầu, tôi đưa ca khúc Lại nhớ người yêu cho anh em nghe thử, họ chê đến mức tôi xấu hổ.
Sau đó, tôi đưa bài hát này cho một nhà sản xuất phát hành. Lúc đó, ca khúc này in bản nào bán hết bản đó. Anh ấy mua nhà, sắm xe hơi từ bài hát này, còn tôi không có gì cả (cười)”.
Riêng nhạc sĩ Bảo Thu (tác giả của Dĩ Vãng, Cho tôi được một lần... ) cho biết ông viết bài Nếu xuân này không có anh chỉ trong 1 tiếng.
“Tôi nghĩ bài này không thành công nên không dám đưa ca sĩ nổi tiếng, mà đưa cho ca sĩ mới. Nếu không được khán giả đón nhận thì bản thân đỡ xấu hổ, nhưng ai ngờ nó lại thành công”, ông nhớ lại.
Nhiều ca sĩ trẻ hát sai lời, hiểu sai về bolero
Đề cập đến các chương trình, gameshow về bolero hiện tại, nhạc sĩ Nguyễn Vũ (tác giả của Bài thánh ca buồn, Áo tím mùa thu) cho rằng ngày nay có rất nhiều nhà sản xuất, ca sĩ trẻ lầm tưởng tất cả nhạc xưa đều là bolero.
Theo nhạc sĩ, một số ca khúc thuộc thể loại tango, slow rock… không phù hợp để xuất hiện ở các chương trình về bolero.
Ngoài ra, nam nhạc sĩ cũng bày tỏ sự khó chịu khi một số ca sĩ trẻ hát sai lời bài hát của mình. Trong đó, nhiều ca từ trong ca khúc Bài thánh ca buồn đã bị ca sĩ hiểu sai ý nghĩa, hát sai lời.
Đồng cảm với Nguyễn Vũ, nhạc sĩ Đài Phương Trang cũng cho biết ông bức xúc khi bài Người yêu cô đơn bị nhiều người sửa tên thành Đời tôi cô đơn. Hơn thế, ông càng khó chịu hơn khi sáng tác của mình bị nhiều người hát sai lời.
Mặc dù được khán giả xem là bậc thầy sáng tác trong lòng giới điệu mộ, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Vũ từ chối nhận làm “tượng đài” hay “ngôi sao”. Ông nói: “Tôi chưa bao giờ để ý những từ này vì nghe xa cách. Tôi chỉ thích người ta nói, nhạc anh hay quá, nhạc anh dở quá là được”.
Khi được hỏi về cuộc sống hiện tại, nhạc sĩ Nguyễn Vũ cho biết ông và đồng nghiệp đều lãnh tiền tác quyền thông qua Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) khoảng 20 năm qua. Nhờ đó, họ có nguồn thu nhập hằng tháng.
Đêm nhạc Tìm nhau trao yêu thương sẽ diễn ra tối 2/12 tại sân khấu Trống Đồng (TPHCM) do nhạc sĩ Tô Hiếu làm đạo diễn, Nguyễn Phước Hòa làm biên tập.
Chương trình có sự tham gia của các ca sĩ như Chế Thanh, Phương Anh, Lưu Chí Vỹ… thể hiện các bài hát của 5 nhạc sĩ Giao Tiên, Đài Phương Trang, Nguyễn Vũ, Bảo Thu, Mạnh Quỳnh.
Nói về lý do tổ chức đêm nhạc, nhạc sĩ Tô Hiếu cho biết: “Xuất phát từ câu chuyện nhiều nghệ sĩ lớn tuổi lần lượt ra đi trong niềm tiếc thương của khán giả, mất mát cho nền nghệ thuật nước nhà. Tôi muốn tổ chức các đêm nhạc tri ân, đồng thời lưu giữ lại những hình ảnh đẹp của các nhạc sĩ đóng góp cho nghệ thuật nước nhà”.
Văn hóa | Báo Dân trí