Ông Nguyễn Thế Hồng, Giám đốc Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Từ Sơn, Bắc Ninh), Chủ tịch Hội sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Kinh Bắc có dấu ấn đặc biệt trong hành trình hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”.
Ông là người đã chi số tiền hơn 6,1 triệu eruo (khoảng hơn 153 tỷ đồng) mua lại ấn vàng từ hãng đấu gia Millon (Pháp).
Những ngày qua, sự kiện hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” tiếp tục thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận.
Nhờ sự vào cuộc kịp thời của các Bộ, ban, ngành, cơ quan chuyên môn và Đại sứ quán nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Millon đã ký hợp đồng đàm phán để hoãn phiên đấu giá công khai và đồng ý cho vị doanh nhân Bắc Ninh ký kết hợp đồng mua lại ấn vàng.
Ông Nguyễn Văn Đáp, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh cho biết, ông Nguyễn Thế Hồng mặc dù là Chủ tịch Hội sưu tầm, nghiên cứu cổ vật nhưng là một người khá kín tiếng. Ông có niềm đam mê lớn với các giá trị di sản văn hóa.
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” không phải là cổ vật đầu tiên ông Hồng mua từ nước ngoài về. Trước đó, vị doanh nhân này đã nhiều lần sang nước ngoài đấu giá, đưa các cổ vật Việt quý hiếm về nước. Có lần ông Hồng sang Anh, có lần lại đấu giá trực tuyến từ Việt Nam.
Một nguồn tin riêng của Dân trí tiết lộ ngay trong lần ông Hồng sang Pháp thương lượng mua ấn vàng đã tham gia đấu giá một cổ vật khác của Việt Nam. “Lần ấy, ngoài ấn vàng, hãng Millon còn đưa ra đấu giá chiếc bát vàng của vua Khải Định.
Sau nhiều lần nâng giá, cuối cùng còn hai người là ông Hồng và một người Việt khác đấu giá. Giá chốt cuối cùng gần 18 tỷ đồng thuộc về người Việt kia. Ông Hồng khá buồn và quyết tập trung nguồn lực vào hồi hương chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, nguồn tin cho biết.
Theo ông Đáp, ông Hồng là một trong số các đại gia kinh doanh bất động sản được nhiều người trong vùng biết tới. Sở hữu một công ty bất động sản lớn nhưng vị doanh nhân này sống khá kín tiếng.
“Ông Hồng thuộc túyp người nói ít, làm nhiều, sống giản dị và tình cảm. Hai vợ chồng vị doanh nhân này thường giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn”, ông Đáp tiết lộ.
Ngoài các hoạt động kinh doanh trong ngành bất động sản, ông Hồng dành nhiều tâm huyết cho việc sưu tập cổ vật. Luật Di sản văn hóa ra đời năm 2001 mở ra cơ hội giao lưu cho giới chơi đồ cổ.
“Sở hữu hàng nghìn cổ vật có giá trị nhưng ông Hồng không giữ cho riêng mình. Ông thường phối hợp với bảo tàng tỉnh tham gia các chuyên đề trưng bày, các sự kiện văn hóa lớn để người dân có dịp chiêm ngưỡng những hiện vật quý giá”, ông Đáp nói.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, trong quá trình trưng bày cổ vật nhân những dịp Festival hay sự kiện trong tỉnh, ông Hồng thường cùng hội viên cho đấu giá cổ vật để dành tiền hỗ trợ trao tặng cho những nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh, người yếu thế trong xã hội.
Tại Bắc Ninh, ông Hồng là người đầu tiên đề nghị các cơ quan chuyên môn trình UBND tỉnh Bắc Ninh thành lập một bảo tàng ngoài công lập. Bảo tàng ra đời năm 2019, có tên là “Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng”. Thời điểm đó, thống kê sơ bộ, vị doanh nhân này đã sở hữu gần 4.000 hiện vật.
Đến nay, con số này đã tăng lên khá nhiều. Các hiện vật lưu giữ rất đa dạng gồm đồ đồng, đồ gốm, đồ sứ của Việt Nam và một số nước khác.
Một thành viên của Hội Cổ vật Bắc Ninh tiết lộ: “Quá trình sưu tầm, ông Hồng sở hữu được rất nhiều hiện vật quý. Sinh ra ở đất vua Lý nên ông đã khảo sát, mua về không ít đồ cổ thời Lý, Trần.
Riêng hiện vật giai đoạn văn hóa Đông Sơn, ông sở hữu khá nhiều trống đồng và thạp đồng. Đặc biệt, chiếc thạp đồng văn hóa Đông Sơn trong bảo tàng của ông còn vừa được công nhận là bảo vật quốc gia đợt 11, năm 2022″.
Các hiện vật quý giá của ông Hồng hiện đang được trưng bày trang trọng trên tầng 4, tàng 5 thuộc công ty riêng của doanh nhân này.
Để hướng tới nâng tầm giá trị các cổ vật và phục vụ cộng đồng, ông Hồng đang xây dựng và hoàn thiện bảo tàng để trưng bày cổ vật, giới thiệu cho khách tham quan trong nước và người nước ngoài.
Văn hóa | Báo Dân trí