NSƯT Hữu Mười – thầy giáo Khang trong “Bao giờ cho đến tháng Mười”
Bao giờ cho đến tháng Mười thuộc thể loại phim truyện nhựa, được sản xuất năm 1984, do NSND Đặng Nhật Minh làm đạo diễn.
Đảm nhận vai thầy giáo Khang – một người thầy hiền lành, ít nói, mộc mạc… nhưng ẩn sâu bên trong là một tâm hồn sâu sắc là NSƯT Hữu Mười.
Trong phim, Khang tình cờ biết được nỗi đau mất chồng của nhân vật Duyên, thầy giáo tốt bụng đã giúp cô thay người đã mất viết thư về cho gia đình Duyên yên tâm.
Từ chỗ chỉ là tình thương, sự đồng cảm với nỗi đau của Duyên, Khang dần cảm mến cô. Anh viết một bức thư bày tỏ tâm tư với Duyên và bị người nhà cô phát hiện. Khang phải bỏ tới nơi khác dạy học để giữ cuộc sống yên ổn cho Duyên.
Không chỉ yêu thương Duyên bằng một tình yêu đồng cảm và hy sinh mà nhân vật Khang còn hiện lên với hình ảnh người thầy giáo nhiệt tâm và tốt bụng. Dù là người hơi thâm trầm nhưng Khang luôn mang đến cho học trò những bài học lý thú về tình người và sự bao bọc nhau trong cuộc sống.
Trước đó, NSƯT Hữu Mười từng để lại ấn tượng khi vào vai thầy giáo trong bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy, chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nam Cao, ông đã thể hiện được cốt cách của nhân vật cũng như những giằng xé nội tâm ghê gớm của nhân vật.
Được biết, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh ban đầu không muốn giao vai thầy giáo Khang cho Hữu Mười. Ông sợ sự lặp lại như trong Làng Vũ Đại ngày ấy, đó là điều không hề tốt trong nghệ thuật.
Ông chỉ đề nghị Hữu Mười có thể tham gia đoàn làm phim với vai trò trợ lý đạo diễn. Thế nhưng, gần tới ngày khởi quay, đạo diễn Đặng Nhật Minh lại gọi Hữu Mười ra nói chuyện và giao cho vai giáo Khang, bởi ông đã tìm rất nhiều người nhưng không thấy ai thích hợp.
Vai thầy giáo Khang đã đem đến cho Hữu Mười giải thưởng Nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 (1985).
Nguyễn Hậu – thầy giáo Tành trong “Thung lũng hoang vắng”
Thung lũng hoang vắng là bộ phim của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang với sự tham gia của các diễn viên Hồng Ánh, Tuyết Hạnh, Nguyễn Hậu,…
Sản xuất từ năm 2001, bộ phim Thung lũng hoang vắng từng gặt hái nhiều thành công. Phim đã tham dự nhiều Liên hoan phim ở Trung Quốc, Singapore, Úc, Hàn Quốc, đồng thời nhận giải Fipresci dành cho phim châu Á tại Liên hoan phim ở Melbourne, giải A của Hội Điện ảnh Việt Nam, giải Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13.
Thung lũng hoang vắng như một áng thơ trữ tình pha lẫn giá trị nhân văn của những người thầy giáo, cô giáo mang con chữ nơi miền xuôi đến vùng cao hẻo lánh.
Phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và gian khổ nhưng các thầy giáo cô giáo vẫn tận tụy với nghiệp trồng người. Họ đã cố gắng bám trụ lại vùng thung lũng hoang vắng để gieo con chữ, giúp các trẻ em vùng cao biết đọc, biết viết và có hành trang để bước vào đời.
Và sự kỳ diệu đã xảy ra đó là cậu bé dân tộc Thào A Dê, diễn viên nhí được chọn đóng phim này nhờ được ê-kíp đoàn làm phim gieo vào lòng sự quan trọng của “cái chữ” mà sau này cậu đã quyết tâm thi đỗ bằng được vào khoa Quản lý Giáo dục Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Dê là người đầu tiên cũng là duy nhất của xã Tả Giàng Phìn đỗ đại học.
Trong phim, nhân vật thầy giáo Tành – Hiệu trưởng do nghệ sĩ Nguyễn Hậu đóng để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả.
Đây cũng là vai chính và vai cuối cùng của nghệ sĩ Nguyễn Hậu. Hình ảnh người thầy hiền lành, chất phác, bỏ hết mọi thứ để đến vùng non cao với nghiệp trồng người… khiến người xem cảm thấy khắc khoải.
Những cái nhìn đau đáu của ông về những đứa trẻ miền núi, về tình yêu của ông dành cho cô Giao, và sự từ chối ước lệ đối với tình cảm của cô Minh đã giúp Nguyễn Hậu có được một vai diễn để đời.
Nguyễn Phi Hùng – thầy giáo Lâm phim “Hải âu”
Hải âu là bộ phim đầu tay của đạo diễn Lê Bảo Trung. Phim từng nhận được giải thưởng Cánh diều bạc năm 2004.
Trong phim, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng vào vai diễn thầy giáo Lâm đầy nghị lực. Lâm là một thầy giáo dạy múa. Vì tai nạn bất ngờ mà Lâm bị mất đi một cánh tay và phải từ bỏ sự nghiệp.
Lâm tìm đến một làng chài ven biển với mục đích chạy trốn thực tại nhưng rồi chính nhờ những đứa trẻ hồn nhiên ở đây đã giúp anh thấy được vẻ đẹp của cuộc sống.
Người thầy đầy nghị lực này lại dạy chữ, dạy múa cho những đứa trẻ nơi làng biển nghèo, tìm lại những niềm vui bình dị mà lớn lao trong đời.
Nguyễn Phi Hùng không hề khó khăn khi hóa thân vào vai diễn một thầy giáo dạy múa bởi anh đã từng có nhiều năm gắn bó với ballet trước khi cầm mic.
Dù rẽ ngang sang con đường diễn xuất nhưng anh vẫn nhận được nhiều lời khen tặng cho khả năng biểu đạt chiều sâu cảm xúc không thua kém gì một diễn viên chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm.
Vai diễn thầy giáo Lâm cũng mang đến cho Nguyễn Phi Hùng giải thưởng Diễn viên triển vọng của Hội điện ảnh Việt Nam.
NSƯT Thanh Điền – thầy giáo Bảy trong “Đất phương Nam”
Trong phim Đất phương Nam (1997) của đạo diễn Vinh Sơn, thầy giáo Bảy – đại diện cho những người trí thức và bất phẫn trước thời cuộc do NSƯT Thanh Điền thể hiện có lẽ là một trong những nhân vật để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong phim.
Xuất thân là một giáo viên dạy tiếng Pháp hiền lành nhưng bất mãn trước cảnh người dân Nam Bộ bị thực dân Pháp đàn áp, thầy đã nghỉ dạy và đi lập gánh hát biểu diễn khắp nơi, để khơi gợi lòng yêu nước, kêu gọi mọi người đứng lên chống lại chính quyền thực dân Pháp.
Nhân vật này để lại nhiều trăn trở, bởi gặp phải những biến cố bất hạnh, khi gánh hát bị bọn cường hào ác bá chèn ép, đập phá, cướp đi tính mạng của cô Năm Xuân – vợ của thầy Bảy.
Sau đó, thầy cải trang làm thầy pháp, lôi kéo dân chúng bằng bủa ngải, phép lạ, nhưng dĩ nhiên điều đó không thể chống lại họng súng của bọn lính Pháp, dẫn đến việc thầy giáo của An cũng phải chịu cái chết đau thương.
Hiền Mai – cô giáo Mai phim “Tuổi thần tiên”
Hiền Mai được công chúng cả nước biết đến với vai cô giáo Mai trong phim Tuổi thần tiên (1995). Từ đây, sự nghiệp diễn xuất của cô lên như diều gặp gió.
Bộ phim Tuổi thần tiên dựa theo truyện ngắn Hạnh phúc cũng mặn như nước mắt của tác giả Tiểu Nhật. Vai diễn của Hiền Mai là một cô giáo mới ra trường, nhân hậu và yêu thương trẻ con.
Vì dành quá nhiều tâm huyết mong uốn nắn được cậu học trò Tí nên bị cha mẹ bé gây sức ép cho thôi việc.
Hiền Mai từng chia sẻ: “Ê-kíp đã thử vai với 200 ứng viên nhưng không ai phù hợp. Đến lượt tôi, đại diện đơn vị sản xuất có vẻ rất thích nhưng đạo diễn chưa ưng ý. Tôi tưởng mình không đạt nên nhận show thời trang xuyên Việt. Khi đang ở Cao Bằng, tôi được gọi về nhận vai gấp”.
Bên cạnh mối quan hệ cô trò, phim còn có tình cảm trong sáng mà anh họa sĩ Minh dành cho cô giáo. Bạn diễn của Hiền Mai khi ấy là Phú Hải. Phú Hải hiện tại vẫn theo đuổi nghệ thuật nhưng trong vai trò đạo diễn.
Quốc Tuấn – thầy giáo Minh trong “12A và 4H”
12A và 4H của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng tạo nên cơn sốt cho giới học sinh, sinh viên ở Hà Nội thế hệ 7x, 8x.
Phim được phát sóng trong chương trình Văn nghệ Chủ nhật vào năm 1995. Xoay quanh nhóm bạn Hạ, Hằng, Hoa, Hân (4H) của lớp 12A trường Chu Văn An với những niềm vui, nỗi buồn, những rung động đầu đời của tuổi học trò, bộ phim là một ký ức trong trẻo không thể quên của màn ảnh Việt.
Trong phim, diễn viên Quốc Tuấn Quốc Tuấn đảm nhận vai thầy Minh – thầy dạy văn có biệt tài làm thơ, đồng thời là giáo viên chủ nhiệm của lớp 12A.
Ở lớp 12A, thầy Minh phải đối mặt với những rắc rối của lứa tuổi học trò mới lớn, lớp thầy chủ nhiệm có rất nhiều cá tính khác nhau, có những học trò hiền lành ngoan ngoãn như nhóm 4H nhưng cũng có học trò mang trong mình tính cách nổi loạn như Ngôn.
Thầy giáo Minh đã phải dùng tình yêu thương và sự tận tâm của người làm nghề giáo để dìu dắt các học trò của mình và nhận được sự yêu quý của học sinh.
Tuy nhiên, trên lớp thầy được học trò trân quý bao nhiều thì khi về nhà thầy lại bị vợ chì chiết vì không kiếm được tiền. Bi kịch của vai diễn và diễn xuất của nghệ sĩ Quốc Tuấn đã khiến bao khán giả phải nhớ tới khi nhắc đến hình ảnh người thầy thời hiện đại.
Văn hóa | Báo Dân trí