Liên hoan phim Việt Nam là sự kiện điện ảnh được tổ chức thường niên hai năm một lần để tổng kết, tôn vinh các tác phẩm điện ảnh mới, các nghệ sĩ có thành quả nghệ thuật nổi bật kể từ sau liên hoan phim lần thứ 22 (năm 2021) đến nay.
Đồng thời tạo diễn đàn để giới làm phim có cơ hội tiếp xúc, đối thoại, giao lưu trao đổi nghề nghiệp với nhau; góp phần quảng bá, phát triển công nghiệp điện ảnh và khẳng định vị thế của điện ảnh Việt Nam.
Cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất
Trên sân khấu quảng trường Lâm Viên rộng lớn, hình ảnh bông sen vàng lan tỏa ánh sáng hào quang dần xuất hiện, biểu trưng cho ước mơ của các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.
Tại họp báo khởi động liên hoan phim ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đánh giá “các thế hệ làm điện ảnh Việt Nam lần này ra quân rất rầm rộ”.
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 có số lượng phim đăng ký tham gia nhiều nhất từ trước tới nay (177 phim).
“Đây là con số kỷ lục so với tất cả những lần tổ chức trước đó, cho thấy trong bối cảnh hậu COVID-19, các nhà làm phim Việt Nam đã vượt qua rất nhiều khó khăn để ra được những tác phẩm phong phú thể loại, đa dạng đề tài, trong đó có một số phim lịch sử có chất lượng tốt”, ông Đông nói.
Theo đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh (sinh năm 1986) – giám khảo trẻ tuổi nhất của liên hoan phim ở thể loại phim truyện, “nhìn chung, phim dự thi liên hoan phim năm nay có chất lượng khá tốt. Đây là liên hoan phim đặc biệt nhất từ trước đến nay”.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu phòng vé trong vài năm qua ảm đạm nhưng sang năm 2023, tình hình có nhiều đổi khác. “Liên hoan phim lần thứ 23 diễn ra trong bối cảnh thị trường điện ảnh có sự hồi phục đáng kinh ngạc”, Trịnh Đình Lê Minh nói.
Anh cho biết năm 2023 điện ảnh Việt Nam có những phim lập kỷ lục doanh thu phòng vé. Tới thời điểm này, có thể thống kê sơ bộ, tổng doanh thu phòng vé của năm 2023 cũng lập luôn kỷ lục phòng vé từ trước đến nay.
“Họ từng là những nhà làm phim trẻ nay đều là những đạo diễn già dặn. Khán giả có cơ hội được xem phim của họ trong độ tuổi chín muồi nhất”, anh Minh nói.
Ngoài ra có cả phim độc lập của các nhà làm phim trẻ, mang lại màu sắc mới, thể hiện tính kết nối thế hệ của điện ảnh Việt Nam.
Trịnh Đình Lê Minh cũng nêu thêm một lý do khiến liên hoan phim năm nay là kỳ liên hoan phim đặc biệt nhất.
Đó là sự trở lại của các thế hệ vàng của điện ảnh Việt Nam gần như xuất hiện cùng lúc như đạo diễn gạo cội, Đặng Nhật Minh (phim Hoa nhài), Phi Tiến Sơn (Đào, phở và piano), Lưu Huỳnh (Mẹ ơi, Bướm đây)…
Ở thế hệ sau có Bùi Thạc Chuyên (Tro tàn rực rỡ), Vũ Ngọc Đãng (Con Nhót mót chồng), Nguyễn Quang Dũng (Đất rừng phương Nam), Victor Vũ (Người vợ cuối cùng), Phan Gia Nhật Linh (Em và Trịnh)…
Nghệ sĩ đến gặp gỡ, giao lưu và nín thở… chờ giải
Đoàn phim Đào, phở và piano có năm người từ Hà Nội vào Đà Lạt dự liên hoan phim. Cùng với Hồng Hà nữ sĩ, đây là hai phim nhà nước hiếm hoi tranh giải Bông sen vàng năm nay ở thể loại phim truyện.
Theo đạo diễn phim Phi Tiến Sơn, các nghệ sĩ mong chờ liên hoan phim này trong trạng thái đi để gặp gỡ đồng nghiệp, giao lưu với khán giả.
Đồng thời, dự hai cuộc hội thảo quan trọng trong khuôn khổ liên hoan phim là Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh (sáng 22-11) và Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam (sáng 23-11).
“Chúng tôi cũng chờ kết quả liên hoan phim. Làm phim mà không mong chờ giải thì hơi vô lý”, đạo diễn Phi Tiến Sơn nói.
Ông cho rằng liên hoan phim năm nay là một “Liên hoan phim lạ và hiếm có trong lịch sử khi quy tụ được số lượng phim tham dự lớn, sự tham gia của các nghệ sĩ đủ mọi lứa tuổi.
Điện ảnh Việt Nam đang giống như một lò xo nén bung ra nhiều bộ phim có chất lượng”.
Ngoài đoàn phim Đào, phở và piano, các đoàn làm phim, các đạo diễn, nghệ sĩ cũng đã có mặt tại Đà Lạt để tham dự liên hoan phim năm nay.
Đạo diễn Trịnh Quang Tùng – phó giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương – kể năm nay hãng phim có gần 40 nghệ sĩ tham dự. “Tâm thế chung của mọi người là đã đi thi, ai cũng mong được giải hoặc được ghi nhận”, ông nói.
Trịnh Quang Tùng chia sẻ liên hoan phim là sự kiện mà ai cũng muốn đến. Đà Lạt – địa điểm tổ chức liên hoan phim quá đẹp, thời tiết quá lý tưởng để thưởng thức điện ảnh.
Đến Đà Lạt, đoàn nghệ sĩ của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương hồi hộp chờ đợi sự đón nhận của khán giả với phim của mình.
So với những kỳ liên hoan trước, liên hoan phim năm nay tạo điều kiện cho hai đại biểu ở mỗi phim tài liệu tham dự. “Đây là điều đặc biệt, tạo cơ hội cho các nhà làm phim trẻ để học tập, giao lưu với các thế hệ làm phim đi trước”, ông nói.
Ông Tùng cho rằng liên hoan phim là dịp để quảng bá thể loại phim tài liệu đến rộng rãi công chúng. Theo ông, nhìn vào danh sách dự thi năm nay ở thể loại phim tài liệu, chất lượng ở thể loại này ngày càng nâng cao với nhiều phim chất lượng tốt.
Đà Lạt chào đón những nhà làm phim
Ông Phạm S, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ Đà Lạt rất mong muốn các nghệ sĩ, các nhà làm phim trên cả nước sẽ tiếp tục tìm hiểu, khám phá thêm về vùng đất, con người Đà Lạt – Lâm Đồng.
“Hy vọng, hình ảnh tỉnh Lâm Đồng tiếp tục là nguồn đề tài phong phú, tươi mới cho các nhà làm phim, các nghệ sĩ tiếp tục say mê, sáng tạo góp phần xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”, ông nói.
Ông Trần Thanh Hoài, phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, gửi lời “kêu gọi, chào đón những nhà làm phim đến Đà Lạt”.
Theo ông Hoài, gần đây những bạn trẻ làm phim ngắn hoặc những người làm sáng tạo nội dung đã đến Đà Lạt để thực hiện các dự án.
Ngay cả những bạn học sinh cũng chọn Đà Lạt để làm phim kỷ niệm: “Những yếu tố nho nhỏ đó cũng giúp chúng tôi khẳng định rằng Đà Lạt đang hình thành một phim trường theo một cách tự nhiên”.
Với thông điệp “Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 (từ ngày 21 tới hết 25-11) là sự kiện điện ảnh đặc biệt, có nhiều ý nghĩa để kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành văn hóa, kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam…, là dịp để các nhà hoạt động điện ảnh giới thiệu về diện mạo của điện ảnh Việt Nam qua hơn 20 kỳ tổ chức, là cơ hội để tôn vinh nghệ sĩ điện ảnh, các nhà hoạt động điện ảnh cả nước đã và đang cống hiến, xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam từng bước vững chắc.
Đây cũng là hoạt động ý nghĩa thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 đã được văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh:
“Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội”.
Điện ảnh Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, khẳng định sự chuyên nghiệp và nỗ lực đổi mới của các nhà quản lý, các nghệ sĩ trong hoạt động sáng tác, sản xuất, quảng bá, phát hành và phổ biến phim.
Chất lượng phim Việt Nam được nâng cao, số lượng phim Việt Nam phát hành chiếm tỉ lệ nhiều hơn hẳn so với hai năm trước, thu hút và hình thành một tầng lớp đông đảo khán giả yêu điện ảnh Việt Nam, những nhà đầu tư, nhà sản xuất, các nghệ sĩ, thúc đẩy hoạt động điện ảnh phát triển mạnh mẽ.
Điện ảnh Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và du lịch Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Điều đặc biệt, tại LHP Việt Nam lần thứ 23, toàn bộ các phim thuộc chương trình được chiếu dành tặng công chúng khán giả, các đại biểu tham dự LHP và du khách đến Đà Lạt.
Hiệu ứng tích cực trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân TP Đà Lạt và các huyện lân cận trong những ngày náo nức chuẩn bị diễn ra LHP là minh chứng cho thấy ý nghĩa và giá trị của một sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo mà ban tổ chức đã nỗ lực để cống hiến.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông
phát biểu khai mạc
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed