Sau nhiều nỗ lực, ấn vàng Hoàng đế chi bảo vừa được chuyển giao từ Pháp về Việt Nam, người sở hữu ấn vàng này là ông Nguyễn Thế Hồng – Giám đốc của Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Bắc Ninh).
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bà Lê Thị Thu Hiền – Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL) cho biết, ông Nguyễn Thế Hồng đã chi 6,1 triệu Euro (hơn 153 tỷ đồng) để hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo.
Theo bà Hiền, đó là tổng chi phí chuyển giao bao gồm: Chi phí trả cho việc thuê Luật sư đàm phán; chi phí mua ấn vàng từ nhà đấu giá Millon, Pháp (bao gồm các loại thuế, phí liên quan); chi phí đưa ấn vàng về nước (chi phí hải quan, vận chuyển quốc tế).
“Nếu chúng ta hồi hương ấn vàng theo hình thức đấu giá, giá trị của ấn vàng rất cao, khó có thể hồi hương bảo vật được. Tuy nhiên, thông qua con đường ngoại giao văn hóa, thương lượng pháp lý chứng minh cổ vật thì chúng ta đã thành công.
Việt Nam đã và đang thể hiện cho thế giới thấy rằng, chúng ta có khả năng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa quý báu của mình”, bà Hiền chia sẻ.
Khi được hỏi, vì sao doanh nhân Nguyễn Thế Hồng lại chịu chi hơn 153 tỷ đồng để hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo, bà Hiền nói: “Ông Hồng mua với mục đích để bổ sung sưu tập cá nhân, trưng bày tại bảo tàng tư nhân của mình. Ấn vàng là hiện vật có giá trị rất lớn trong bộ sưu tập hiện vật của bảo tàng đó”.
Ông Trần Trọng Hà – Giám đốc phụ trách chuyên môn ở Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng – cho biết, ngoài việc để bổ sung bảo vật quý giá cho bảo tàng tư nhân của mình, ông Thế Hồng còn là người rất có tâm với các di sản, bảo vật quốc gia.
“Việc ông Thế Hồng bỏ ra số tiền lớn để hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo có thể thấy ông ấy là một người có tâm và có duyên. Vì có rất nhiều người có thể giàu có hơn nhưng họ không sưu tập cổ vật, không quyết tâm lưu giữ di sản văn hóa thì cũng không để ý đến ấn vàng”, ông Hà bày tỏ.
Theo đó, ngoài ấn vàng Hoàng đế chi bảo mới được hồi hương, căn phòng trưng bày của bảo vật được đặt cùng với nhiều hiện vật quý liên quan đến nhà Nguyễn.
Có thể kể đến như: hai bình vôi bằng vàng, bạc, thời nhà Mạc; hai chiếc bát vàng; khánh vàng triều Nguyễn, xung quanh phòng còn có nhiều bức tranh thêu được thêu bằng chỉ vàng… đó đều là những di sản quý mà ông Hồng muốn lưu giữ tại bảo tàng.
Sau khi hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu ông Nguyễn Thế Hồng có thể bán hay sang nhượng bảo vật này không?
Bà Lê Thị Thu Hiền cho biết, Cục Di sản văn hóa đã xin phép và ký kết thỏa thuận Về việc đàm phán mua ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ Pháp đưa về Việt Nam và chuyển nhượng ấn vàng cho Nhà nước với Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng.
Theo đó, thỏa thuận với cam kết: “Bên A và cá nhân ông Nguyễn Thế Hồng cam kết và bảo đảm ấn vàng Hoàng đế chi bảo sẽ chỉ chuyển giao cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ VH,TT&DL, trên cơ sở phù hợp với quy định của Điều 43 của Luật Di sản văn hóa, sau một thời gian phù hợp – khi Bên A không còn nhu cầu sở hữu, trưng bày, phát huy giá trị tại Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng, Bắc Ninh, Việt Nam.
Do đó, nếu không có nhu cầu sở hữu ấn vàng Hoàng đế chi bảo nữa, ông Hồng chỉ có thể bán ấn vàng lại cho Nhà nước, cụ thể là Bộ VH,TT&DL. Giá tiền mua lại là bằng số tiền đã bỏ ra mua ấn vàng về nước.
Trước đó, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ VH,TT&DL vào tháng 3/2023, khi được hỏi: Nếu ấn vàng Hoàng đế chi bảo thuộc quyền sở hữu cá nhân thì rất có thể sẽ bị bán ra nước ngoài lần nữa?
Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa khẳng định: “Dù ấn vàng Hoàng đế chi bảo thuộc sở hữu cá nhân thì cũng sẽ không có chuyện cổ vật quý giá này lại bị bán ra nước ngoài một lần nữa”.
Ông Trần Đình Thành viện dẫn, thông tư số 19 (năm 2012) của Bộ VH,TT&DL quy định danh mục di vật cổ vật không được đưa ra nước ngoài bao gồm di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học thuộc các giai đoạn lịch sử Việt Nam trước tháng 9 năm 1945 trong đó bao gồm ấn tín.
Văn hóa | Báo Dân trí