Ấn vàng Hoàng đế chi bảo hiện đặt ở Bảo tàng Nam Hồng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Bảo tàng đang gấp rút hoàn thiện thêm các hạng mục: Hệ thống thang máy, cửa… để đảm bảo an ninh.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Trần Trọng Hà – Giám đốc phụ trách chuyên môn ở Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng – cho biết, ấn vàng được trưng bày tại tầng 5 của tòa nhà, muốn lên phải di chuyển bằng thang máy, có camera và 4-5 bảo vệ túc trực 24/24h. Nơi này vẫn chưa mở cửa cho mọi người, chỉ đón tiếp khách quen, các chuyên gia về văn hóa đến chiêm ngưỡng.
Ấn vàng được trưng bày trong tủ kính trong suốt, được đặt trên kệ gỗ là đồ thời Nguyễn, do ông Hồng mua lại từ một nhà sưu tập. Phía trên bảo tàng có dàn đèn chuyên dụng, công suất lớn để rọi xuống tủ trưng bày.
Theo Giám đốc phụ trách chuyên môn ở Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, ấn vàng được đúc từ vàng 10, độ bền cao, ít bị oxy hóa nên việc bảo quản không khó. Việc siết chặt lại an ninh xung quanh bảo tàng được doanh nhân Nguyễn Thế Hồng chú trọng. Chỉ khi có sự đồng ý của ông Hồng, khách mới được ra vào khu vực thang máy – nơi dẫn lên trưng bày ấn vàng.
Tủ kính trưng bày ấn vàng dùng khóa vân tay mà chỉ có ông Thế Hồng có thể mở được. Chiếc ấn vàng Hoàng đế chi bảo được đặt trong không gian có nhiều hiện vật triều Nguyễn.
Cận cảnh từng chi tiết của bảo vật: Ấn vàng cao 10,4cm, nặng 10,78kg, mặt hình vuông, kích thước 13,8×13,7cm.
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo được chạm khắc tinh xảo, là đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc. Bảo vật được trưng bày bên cạnh chân dung vua Minh Mạng và tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngay khi về nước, chiếc ấn được chờ đợi là sẽ xuất hiện tại các phòng trưng bày của Bảo tàng lịch sử quốc gia tại Hà Nội, cũng như tại Thừa Thiên – Huế.
Theo ông Trần Trọng Hà, sắp tới Bộ VH-TT&DL sẽ có một buổi lễ long trọng để công nhận ấn vàng là Bảo vật quốc gia.
“Sau 72 năm lưu lạc, ấn vàng được hồi hương vào đúng dịp 200 năm ấn được đúc (15/3/1823), đây là điều hết sức ý nghĩa”, ông Hà chia sẻ.
Trong không gian bảo tàng, có trưng bày hai chiếc bát vàng của vua Khải Định, ở giữa là bình đựng vôi bằng vàng, phía trên là khánh vàng của vua Mạc Toàn, thời nhà Mạc.
Các vị khách đầu tiên tới thăm bảo tàng, họ là những chuyên gia từng làm ở Bảo tàng Bắc Giang và Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam. Ai cũng cảm thấy hạnh phúc và choáng ngợp khi được chiêm ngưỡng bảo vật ở cự ly gần.
Trước đó, chiều 16/11, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cùng đại diện Bộ Công an (Việt Nam) và Đại diện Bộ Ngoại giao Pháp, đại diện UNESCO đã chứng kiến buổi lễ chuyển giao ấn vàng Hoàng đế chi bảo cho Việt Nam.
Từ cuối tháng 11/2022, Cục Di sản văn hóa đã xin phép và ký kết thỏa thuận về việc đàm phán mua ấn vàng Hoàng đế chi bảo từ Pháp đưa về Việt Nam và chuyển nhượng ấn vàng cho Nhà nước với Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng.
Văn hóa | Báo Dân trí