Nữ diễn viên Thu Quỳnh chia sẻ lại câu chuyện bản thân từng là nạn nhân của tin giả, bạo lực mạng cách đây 5 năm trong tọa đàm “An toàn không gian mạng cho sinh viên”, do báo Tiền Phong tổ chức ngày 30-10.
Kết quả của “cả tin”
Diễn viên Thu Quỳnh cho biết khi tham gia mạng xã hội, người dùng có thể tiếp nhận lượng thông tin lớn trong thời gian ngắn. Những video lặp lại hằng ngày trên điện thoại thông minh tạo thói quen tiếp nhận thông tin dễ dàng, một chiều.
“Từ thói quen trên, người dùng mạng xã hội có thể vô tình biến mình thành người cả tin. Ranh giới giữa nạn nhân, thủ phạm ‘tin giả’ rất mong manh với bất cứ ai sử dụng mạng xã hội. Sự cả tin khi đón nhận thông tin khiến mọi người dễ phán xét nhau trên không gian mạng, không chỉ với người nổi tiếng”, Thu Quỳnh phân tích.
Thu Quỳnh chia sẻ có những xì căng đan “từ trên trời rơi xuống” nhưng cô vẫn phải đi xử lý khủng hoảng truyền thông, vì đó là kết quả của sự cả tin.
Cách đây 5 năm, trong khi đưa con đi chơi, nữ diễn viên nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của người quen và tá hỏa với thông tin có video nhạy cảm đề tên My Sói (một trong những vai diễn đưa cô đến gần với người hâm mộ) trên một trang web đen.
Trước vụ việc, Thu Quỳnh chọn cách im lặng trên mạng xã hội và nhờ cơ quan chức năng giải quyết, bởi tài khoản lan truyền video có địa chỉ ở nước ngoài và cách duy nhất là chặn không cho phát video đó trên nền tảng mạng xã hội ở Việt Nam.
“Điều quan trọng nhất để vượt qua được tin giả, bạo lực mạng là chúng ta phải trang bị kiến thức và ý thức cá nhân để tự bảo vệ bản thân trên mạng xã hội, kịp thời báo cho cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc.
Phải im lặng đúng lúc, phải vững vàng trước những tin giả, nếu chúng ta không làm gì sai. Thay vì lên mạng để tranh cãi, khiến câu chuyện đi quá xa, đạt được mục đích của người gieo tin giả”, nữ diễn viên chia sẻ.
Lừa đảo trên mạng không chừa một ai
Ông Nguyễn Nhất Linh – ủy viên Ban chấp hành, phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn – cho biết hiện có 77,93 triệu người tham gia mạng xã hội ở Việt Nam. Trong khi đó, độ tuổi trung bình của người Việt Nam là hơn 32,4 tuổi. Vì vậy, có thể thấy bộ phận quan trọng ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, xã hội là giới trẻ. Đây cũng là lực lượng tiên phong tham gia vào chuyển đổi số, mạng xã hội.
Tuy nhiên, khi tham gia không gian mạng, giới trẻ có thể gặp phải những nguy cơ như bị đánh cắp thông tin cá nhân, bị bắt nạt trực tuyến, quấy rối trên không gian mạng, các tệ nạn khác như buôn bán người, nghiện game, lừa đảo trực tuyến, tiếp cận với các nội dung cấm, trái phép, tin giả…
Bà Đinh Như Hoa (Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định lừa đảo không chừa một ai, đối với tất cả người dân có sử dụng Internet, trong đó đối tượng thanh thiếu niên, học sinh cũng được đặc biệt chú ý.
Trong cẩm nang phòng chống lừa đảo trực tuyến, Bộ Thông tin và Truyền thông có đưa lên thông tin đại chúng thì có đề cập đến 13 hình thức lừa đảo với học sinh, sinh viên Việt Nam. Trong đó có lừa đảo combo du lịch giá rẻ, lừa đảo cuộc gọi, có cuộc gọi “xưng hẳn là của Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Thấy tin giả, bạo lực mạng là report
Theo bà Hoa, người dùng mạng xã hội có rất nhiều sự bảo vệ từ cơ quan chức năng. Điều quan trọng, người dùng phải biết tận dụng, nhận thức rủi ro và đưa ra hành động để bảo vệ bản thân trên mạng.
Khi bị quấy rối bởi các cuộc gọi, lời mời chào từ tin nhắn, gắn thẻ trên mạng xã hội…, nếu muốn bảo vệ các bạn chỉ cần soạn DK DNC gửi tới 5656.
Sau khi đăng ký nhưng vẫn nhận các cuộc gọi không mong muốn, chỉ cần từ 2-3 phản hồi về tin nhắn, cuộc gọi của người dân, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ khóa các cuộc gọi, tin nhắn từ số gọi đến.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed