Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh bạn, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang và đông đảo nhân dân các dân tộc, du khách trong và ngoài nước… tham dự buổi Lễ.
Phát biểu tại lễ khai mạc chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, sau hơn 13 năm phát triển, được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã nỗ lực, chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản địa chất, văn hóa. Phát triển du lịch bền vững phù hợp với chủ trương, quy hoạch, định hướng của Đảng, Nhà nước và tiêu chí của mạng lưới công viên địa chất… tạo sinh kế đa dạng, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc nơi đây.
Từ một miền đá khó khăn, Cao nguyên đá Đồng Văn đã khởi sắc, phát triển, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong nước và quốc tế. Các điểm di sản, giá trị văn hóa được xây dựng trở thành các sản phẩm, điểm du lịch đa dạng, độc đáo; nhiều sản phẩm ẩm thực, nông sản tự nhiên, đặc trưng, hấp dẫn.
Lượng khách đến với Hà Giang từ 2.000 lượt khách vào năm 2010 đã tăng lên nhanh chóng, đạt mốc 2,2 triệu lượt vào năm 2022 và dự kiến cả năm 2023 sẽ đạt trên 3 triệu lượt khách. Du lịch phát triển theo hướng bền vững đã và đang tạo nguồn sinh kế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, làm thay đổi rõ nét cuộc sống nơi cao nguyên đá.
Lễ đón nhận Danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3 và Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ 9 năm 2023 được tổ chức trong chuỗi sự kiện du lịch, văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã nỗ lực, cố gắng, vượt qua khó khăn để xây dựng Hà Giang ngày càng giàu đẹp văn minh.
Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến phát triển kinh tế du lịch dựa trên sự đa dạng phong phú mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Hà Giang. Tỉnh cũng cần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn; cần có cơ chế, chính sách kêu gọi thu hút đầu tư hợp lý, kết hợp hài hòa giữ bảo tồn và phát huy, giữ vững danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn qua các kỳ tái đánh giá.
Phát huy lợi thế, tiềm năng thế mạnh, tỉnh tiếp tục đổi mới và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, quản lý, bảo vệ và khai thác giá trị di sản, để di sản thực sự là tài sản đóng góp quan trọng trong công tác phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Hà Giang thúc đẩy mô hình phát triển xanh, sạch và bền vững của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là hướng đi phù hợp với định hướng chiến lược phát triển văn hóa và phát triển du lịch.
Sau khi kết thúc phần lễ là chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Cao nguyên đá nở hoa” gồm 3 chương: “Huyền tích Cao nguyên đá”; “Rực rỡ sắc màu hoa trên đá” và “Cao nguyên hùng vĩ đón chào”. Mỗi chương tập trung tạo điểm nhấn với nội dung và hình thức mới mẻ, khác lạ so với các mùa lễ hội trước như sử dụng những âm hưởng, giai điệu, tiết tấu trên cao nguyên đá, phối khí thay đổi liên tục tạo sắc màu phong phú và đa dạng nơi cuộc sống vùng cao.
Các tiết mục tái hiện rõ nét cao nguyên đá hàng chục triệu năm trước; đồng thời tái hiện đời sống của những người gắn bó đêm ngày với cao nguyên thông qua việc trồng hoa Tam giác mạch. Đặc biệt, tiết mục biểu diễn cách làm các sản phẩm từ nguyên liệu là cây Tam giác mạch của các nghệ nhân huyện Đồng Văn cuốn hút khán giả. Bên cạnh đó, chương trình nghệ thuật còn biểu diễn các làn điệu dân ca, các ca khúc nổi tiếng và ca khúc viết về Hà Giang, về miền cao nguyên đá, về quê hương, đất nước… tạo nên tính hiện đại, mới mẻ và hấp dẫn người xem.
Trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ 9 còn diễn ra một số hoạt động như: Giao lưu văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian tại các làng văn hóa du lịch huyện Đồng Văn; Ngày hội Thể thao và Du lịch huyện Quản Bạ; Liên hoan Âm nhạc toàn quốc; Không gian văn hóa trà Shan tuyết; Giải Bóng bàn Cúp Tam giác mạch tại thành phố Hà Giang… Các hoạt động sẽ kéo dài đến hết tháng 12 để du khách trải nghiệm.
Một số hình ảnh Chương trình nghệ thuật đặc sắc trong Chương trình.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet