“Trên bến dưới thuyền” tấp nập
Cứ tầm 17h, cảng Sài Gòn, quận 4, nơi tập trung gần chục tàu, du thuyền cỡ lớn 3 – 5 sao lại nhộn nhịp khách bất kể ngày nào trong tuần. Không chỉ người dân thành phố, các công ty du lịch lữ hành cũng tấp nập đưa khách trong và ngoài nước đến. Xuôi theo sông Sài Gòn, du khách vừa thưởng thức bữa tối, ngắm cảnh nhộn nhịp ở bến Bạch Đằng và các công trình biểu tượng của TP.HCM về đêm.
Anh Huỳnh Phúc Thịnh (ngụ quận Bình Thạnh) dẫn gia đình từ Bình Thuận vào TP.HCM trải nghiệm ăn tối, ngắm cảnh TP.HCM về đêm trên tàu Nữ hoàng Đông Dương. Anh bất ngờ trước sự nhộn nhịp, tấp nập ngay từ khu vực bến thuyền và càng bất ngờ hơn khi lượng khách trên tàu rất đông.
“Tôi được một người bạn giới thiệu tour này, chỉ khoảng 500.000 đồng/người đã bao gồm buffet tối. Ở TP.HCM cả chục năm nay, nhiều lần qua lại khu vực bến Bạch Đằng buổi tối, thấy những chiếc du thuyền lấp lánh đèn nhưng đây là lần đầu tiên được trải nghiệm. Gia đình chúng tôi ăn tối, xem biểu diễn hát truyền thống trên thuyền, lên boong ngắm phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bitexco, Landmark 81 lên đèn”, anh Thịnh nói.
Ông An Sơn Lâm – Giám đốc hãng Thuyền Buồm Đông Dương, cho biết số lượng khách chọn du thuyền trên sông Sài Gòn rất cao từ đầu năm đến nay. Đặc biệt, ông càng cảm nhận rõ tín hiệu tích cực từ thị trường cũng như sự phấn khích của khách dành cho sản phẩm du lịch này kể từ khi Lễ hội Sông nước TP.HCM lần đầu tiên tổ chức thành công vào đầu tháng 8/2023.
“Chưa bao giờ tàu, du thuyền của chúng tôi lại tấp nập như hiện nay. Khách lấp đầy tàu hàng đêm lên đến 80 – 90%. Đây là tỷ lệ đẹp để trải nghiệm các dịch vụ từ ăn uống, vui chơi, ngắm cảnh, chụp ảnh. Du thuyền trên sông Sài Gòn rất nhiều tiềm năng để phát triển vì TP.HCM là thành phố lớn, nhu cầu vui chơi giải trí rất cao. Du thuyền trên sông vừa phục vụ du khách vừa đáp ứng cho người dân thành phố”, ông Lâm nói.
Tín hiệu vui từ Lễ hội Sông nước TP.HCM
Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, chủ các hãng tau đều bày tỏ niềm vui khi du lịch đường thủy đang được nhiều du khách chú ý và TP.HCM đang dồn lực để khai thác thế mạnh của sông Sài Gòn – dòng sông lịch sử. Bởi cả thập kỷ qua, nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã khai thác sản phẩm, tour tuyến nhưng vẫn rất ì ạch.
Lễ hội Sông nước TP.HCM lần đầu tiên được tổ chức hồi đầu tháng 8, là lễ hội quy mô lớn cho thấy thành phố đang quan tâm phát triển du lịch, khai thác tiềm năng kinh tế sông nước. Lễ hội Sông nước TP.HCM tái hiện cảnh “trên bến dưới thuyền” của một thương cảng hàng đầu Đông Dương, kết nối với tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, xây dựng show nghệ thuật “Nghe dòng sông kể chuyện” hoành tráng với 700 diễn viên thu hút hàng nghìn khán giả trong và ngoài nước.
“Lễ hội Sông nước TP.HCM là sự kiện lớn nhất của ngành du lịch thành phố trong năm nay, gắn với điểm nhấn sông nước mà chỉ riêng TP.HCM mới có. Chúng tôi định hướng đưa Lễ hội Sông nước thành một lễ hội lớn, đặc trưng của TP.HCM và sẽ tổ chức hàng năm. Các chương trình kết nối giao thương ngành du lịch sắp tới, chúng tôi sẽ giới thiệu với du khách quốc tế về lễ hội”, bà Nguyễn Cẩm Tú – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch TP.HCM cho biết.
Khảo sát cho thấy, gần đây, các công ty du lịch lữ hành như Vietravel, Saigontourist, TSTtourist, Saco, Chim Cánh Cụt Travel… đang khai thác nhiều tour tuyến, sản phẩm du lịch đường sông, đường thủy tại TP.HCM nhằm nỗ lực làm mới các sản phẩm, đặc biệt khai thác giá trị, tiềm năng của sông Sài Gòn. Các gói du lịch đường thủy đươc chia theo tầm ngắn, tầm trung và tầm xa.
Các tour du lịch đường thủy tầm ngắn có ngắm hoàng hôn, dạo sông Sài Gòn, tour Tân Cảng – Bình Quới – Bán đảo Thanh Đa – Phù Châu miếu, tour chèo SUP trên sông Sài Gòn… Các tour đường thủy tầm trung có tour Bến Bạch Đằng – Thiềng Liềng, tour Cần Giờ – Bình Dương – Củ Chi, tour Mỹ Tho – Bến Tre bằng cao tốc… Các tour đường thủy tầm xa có Sài Gòn – Cần Thơ, Sài Gòn – Phnom Penh, Sài Gòn – Siem Reap…
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn kết hợp điểm đến sông Sài Gòn trong bộ sản phẩm trải nghiệm, khám phá TP.HCM cho du khách. Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh – Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel, cho biết công ty có sản phẩm trải nghiệm xe buýt 2 tầng, ăn tối trên tàu Indochina.
“Du thuyền sẽ đưa du khách khám phá một vòng TP.HCM năng động vào buổi chiều. Sau đó, thưởng thức bữa ăn tối trên chiếc tàu Indochina và ngắm trọn khung cảnh Sài Gòn lung linh về đêm trong hơn 3 giờ đồng hồ. Tàu sẽ khởi hành tại Cảng Sài Gòn (Bến Nhà Rồng) và đi dọc một đoạn sông Sài Gòn”, bà Khanh nói thêm.
Với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, tiềm năng du lịch của sông Sài Gòn là rất lớn, đặc biệt gắn liền với giá trị văn hóa – lịch sử của vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa và TP.HCM hôm nay.
Ông Phan Xuân Anh – Tổng giám đốc Công ty Du ngoạn Việt, một người có nhiều kinh nghiệm về du lịch đường thủy, du lịch đường sông nhận định sông Sài Gòn tạo nên vị thế đặc biệt cho TP.HCM và có thể nói, du lịch đường sông của TP.HCM rất độc đáo, khác biệt. Hiếm có bến sông nào nằm ở trung tâm thành phố như Bến Bạch Đằng, rồi kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè uốn lượn sâu vào khu vực trung tâm, hai bên bờ Hoàng Sa – Trường Sa có nhiều ngôi chùa lâu đời, cùng nếp sống của thị dân. Các sản phẩm du lịch cần gắn với các yếu tố này, kể câu chuyện của dòng sông Sài Gòn để thu hút khách.
Cần quy hoạch đồng bộ, chú trọng cảnh quan
Dù vậy, theo các doanh nghiệp và chuyên gia, để khai thác hết tiềm năng sông nước Sài Gòn, để sản phẩm du lịch đường sông của TP.HCM thực sự đặc trưng và hấp dẫn thì phải sớm thực hiện nhiều giải pháp.
Ông Phan Xuân Anh – Tổng giám đốc Công ty Du ngoạn Việt, cho rằng với hiện trạng quy hoạch thiếu bài bản và đồng bộ như hiện nay, tiềm năng du lịch đường thủy của TP.HCM khó có thể khai thác hết. Thực trạng bấy lâu nay của các tuyến đường thủy nội địa phục vụ du khách mà công ty ông gặp phải là “có sông, có thuyền mà không có bến”, thiếu hạ tầng, cảnh quan đi kèm hai bên. Sự chưa hoàn chỉnh này gây thiệt hại thấy rõ đối với ngành du lịch trong khi thành phố rất có lợi thế về sông nước. Các yếu tố môi trường, dân sinh hai bên bờ sông cũng cần quan tâm để thu hút khách.
Ông An Sơn Lâm – Giám đốc hãng Thuyền Buồm Đông Dương cho rằng vị trí của bến Bạch Đằng quá đẹp để neo đậu du thuyền, cần quy hoạch bài bản khu vực này và bến cảng quận 4 hiện hữu để kết hợp du lịch du thuyền, các hoạt động vui chơi giải trí, kinh tế đêm, tạo trải nghiệm liền mạch, hút khách, tăng thu cho ngành du lịch.
Theo ông Lâm, cảnh quan hai bên bờ sông Sài Gòn cũng còn hạn chế. Khách đi du thuyền chỉ thấy sôi động, lung linh đoạn bến Bạch Đằng, Landmark 81, còn lại các khu vực khác đều tối thui, kể cả công trình cầu Ba Son cả năm qua vẫn chưa thấy hệ thống chiếu sáng. Các nước làm du lịch đường sông rất chú ý vấn đề cảnh quan. Khu vực xa trung tâm còn thiếu và yếu nhiều hơn. Ông khẳng định thêm thực tế năng lực tài chính và năng lực nhà đầu tư đầu tư du thuyền, kinh tế đêm là không thiếu, chỉ cần sự sớm vào cuộc và đồng bộ từ các ngành chức năng.
Từ “màn khai hỏa” Lễ hội Sông nước, ngành du lịch TP.HCM đang đẩy mạnh phát triển nhiều hoạt động du lịch ven sông, định hướng thành đô thị sông nước giàu bản sắc. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho rằng với đề án phát triển kinh tế dịch vụ ven sông, cảnh quan hai bên bờ sẽ được cải thiện, các hoạt động kinh tế dịch vụ được làm mới. Sông Sài Gòn sẽ thành biểu tượng văn hóa, điểm nhấn kinh tế TP.HCM.
UBND TP.HCM cũng vừa ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy giai đoạn 2023 – 2025, đặt mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả tuyến sông Sài Gòn (Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu), liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô với ít nhất là 10 chương trình du lịch đường thủy, khai thác các chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông.
TP.HCM kỳ vọng năm 2023 – 2024, số lượng khách du lịch đường thủy đến thành phố đạt khoảng nửa triệu lượt khách mỗi năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. Doanh thu du lịch đường thủy năm 2023 và 2024 đạt 300 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. TP.HCM đặt mục tiêu tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đến năm 2025 đạt 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại. Đến năm 2030, du lịch đường thủy trở thành một trong các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của TP.HCM.
Đón đọc Đánh thức “mỏ vàng” du lịch TP.HCM – Bài 3: Nâng chất du lịch MICE, hút khách ngoại chi tiêu cao
Du lịch | Báo Dân Việt
Nguồn: Sưu Tầm internet