Triển lãm “Cội nguồn” của họa sĩ Nguyễn Đại Giang gồm 32 bức tranh chất liệu sơn dầu và acrylic có chủ đề cuộc sống, văn hóa, chân dung văn nghệ sĩ… Tại đó, tác giả mang tới người xem những góc nhìn độc đáo thông qua phong cách vẽ riêng biệt của ông, có tên gọi “nghệ thuật đảo ngược”. Trong mỗi tác phẩm, Nguyễn Đại Giang đều gửi gắm trong đó các hình ảnh quen thuộc của văn hóa dân tộc như nghệ thuật ca trù, vẽ mặt nạ, trẩy hội chùa Hương, đi chúc Tết…
Đây không phải lần đầu tiên họa sĩ Nguyễn Đại Giang mở triển lãm tranh về nghệ thuật đảo ngược. Trước đó, vào năm 2018, ông đã từng gây tiếng vang khi bán hết toàn bộ 22 tác phẩm trong triển lãm cá nhân mang tên “Nghệ thuật đảo ngược”.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông cho biết, mình bắt đầu vẽ “đảo ngược” từ năm 1995, khi bắt đầu tới Mỹ sinh sống. “Năm 16 tuổi, tôi đã trúng tuyển tới trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tiếp đó được cử sang Liên – Xô du học do thành tích nổi trội. Tới lúc học tại đây, tôi vẫn vẽ cơ bản, theo phong cách hiện thực. Thế nhưng tới khi sang Mỹ, tôi nhận ra mình cần thay đổi, có tiếng nói riêng, nếu không sẽ rất dễ bị lãng quên. Cũng bởi vậy tôi tìm tòi, thử nghiệm và thành công với nghệ thuật đảo ngược. Hội đồng bảo vệ tác quyền ở New York đã công nhận và cấp bằng chứng nhận quyền tác giả Upsidedownism (nghệ thuật đảo ngược – PV) cho tôi. Không ít họa sĩ nước ngoài sau đó cũng đã “bắt chước” phong cách vẽ này”.
Theo họa sĩ Nguyễn Đại Giang, vạn vật thay đổi, cái khởi đầu và tận cùng giống nhau, cũng từ đó sinh ra nghệ thuật đảo ngược. “Tôi không nhìn bằng con mắt hiện thực mà thông qua tư duy mang tính triết học, nghệ thuật. Hình thể trong tranh có cái đúng, cái sai, nhưng cuối cùng vẫn giữ được bản chất, một hiện thực hết sức đẹp đẽ. Ở tuổi này, tôi luôn muốn gửi gắm tới những người trẻ rằng: “Cuộc đời có lúc lên lúc xuống, nhưng dù thế nào vẫn luôn đẹp đẽ và tươi sáng” – ông tâm sự.
Trong triển lãm “Cội nguồn”, Nguyễn Đại Giang chọn vẽ nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như họa sỹ Bùi Xuân Phái, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp… Ông vẽ miệng ở trán, miệng ở dưới cằm, tuy vậy vẫn làm hiện rõ thần thái, khí chất của nhân vật. Đây đều là những người ông mến mộ, khi tiếp xúc với tác phẩm hoặc đọc, nghiên cứu về chân dung cuộc đời họ.
Ở tuổi 79, họa sĩ Nguyễn Đại Giang dành tình yêu và nhiều trăn trở về cội nguồn, về đất nước. Các tác phẩm trong triển lãm đều bắt đầu từ những suy ngẫm, chiêm nghiệm trong một thời gian dài, kể cả trong lúc ngủ. “Tôi sẽ sớm trở về Việt Nam sinh sống trong một vài năm tới. Cuối cuộc đời, ai cũng thế thôi, đều muốn tìm về với quê hương, gốc gác của mình”.
Nhận xét về nghệ thuật của họa sỹ Nguyễn Đại Giang, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo cho rằng: “Năm tháng trôi đi, người nghệ sỹ, họa sỹ chỉ còn lại lưu danh với cuộc đời nhờ tác phẩm. Giá trị của một con người chính là thành quả lao động. Nói nhiều, nói hay rồi cũng sẽ trôi đi. Đại Giang đã tìm cho mình riêng một con đường, con đường nghệ thuật cá biệt thật độc đáo để đứng vững trong làng nghệ thuật, đã thể hiện được cá tính, nhân cách nghệ sỹ của mình. Làm nghệ thuật chỉ cần thế thôi là đủ”.
Họa sĩ Nguyễn Đại Giang sinh năm 1944 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp khóa 3 và Đại học Mỹ thuật Công nghiệp khóa 1 tại Hà Nội. Từ năm 1969 đến 1974, ông học chuyên ngành đồ họa tại Trường Mỹ thuật Công nghiệp Moscow (Nga), sau đó bổ túc thêm về đồ họa tại Seattle (Washington, Mỹ) (1996 – 1997).
Nguyễn Đại Giang là họa sĩ người Việt hiếm hoi được sống trong tòa nhà Art Space do chính phủ Mỹ xây dựng dành riêng cho các họa sĩ. Ông tham gia nhiều triển lãm quốc tế và tổ chức các triển lãm trong nước (tại TP.HCM năm 2009; Hà Nội năm 2014, 2018; Huế năm 2016; Đà Nẵng năm 2018). Tranh của ông đã nhận được nhiều giải thưởng lớn trên thế giới như: Những tranh hiện đại nhất cho CD-Rom (New York, Mỹ, 1996); Giải Ba “Những họa sĩ tài năng nhất”; Giải Ba “Thế giới Nghệ thuật” (Stockholm, Thụy Điển, 1997)… và có mặt tại nhiều quốc gia: Nhật Bản, Canada, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha…
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet