Đất rừng phương Nam và Đất phương Nam là hai bộ phim rất khác nhau. Bản chiếu rạp không hẳn là “remake” từ bản truyền hình, mà dựa trên câu chuyện, hệ thống nhân vật, phong vị miền Nam của tiểu thuyết gốc, cộng với thừa hưởng những sáng tạo của bản truyền hình.
Đất rừng phương Nam viết mới gần như hoàn toàn một số nhân vật và tình tiết, thậm chí đổi tên, cho họ vai trò quan trọng hơn và một đời sống, số phận mới, nhấn nhá, tạo thêm những cảm xúc mới. Nhờ đó tạo nên một bộ phim mới.
Sau gần 10 năm thực hiện, trong đó có 5 năm phát triển kịch bản, 48 ngày quay tại 45 bối cảnh khắp 6 tỉnh miền Tây, Đất rừng phương Nam ra đời ghi nhận sự dám nghĩ dám làm của nhà làm phim với một dự án đồ sộ và đầy rủi ro.
Các dự án có kinh phí từ 40-50 tỉ đồng trở lên, nỗi lo lỗ nặng luôn hiển hiện.
Phim Đất Rừng Phương Nam Trailer
Dám nghĩ dám làm
Đất rừng phương Nam không chỉ là hành trình tìm cha của An mà còn là hành trình đi tìm cội nguồn của lòng yêu nước. Tổ quốc của mỗi người không chỉ là cha mẹ, mà còn ở những con người xa lạ nhưng chung dòng máu Việt, gặp nhau, thương nhau và cùng nhau chia sẻ cuộc sống này.
Đất rừng phương Nam cũng là phép thử xem khán giả đã có thể chấp nhận việc làm lại, vay mượn những nhân vật văn học, truyền hình kinh điển để làm mới, thay đổi, thậm chí “phá” (trong ngoặc kép) nhiều nhân vật đã quen thuộc với khán giả.
Út Lục Lâm từ anh chàng trộm cắp trong Đất phương Nam đã được đẩy lên thành vai chính trong Đất rừng phương Nam.
Út Lục Lâm (Tuấn Trần) và An (Hạo Khang) khiến khán giả tin vào tình thân giữa hai con người không ruột thịt, gặp nhau giữa dòng đời bất hạnh và hứa cưu mang nhau suốt đời.
Đôi khi Út Lục Lâm còn trẻ con và hồn nhiên hơn cả An, nhờ diễn xuất sinh động của Tuấn Trần.
Ông Tiều, Tư Mắm, thầy Bảy, bé Xinh, ba mẹ An, Võ Tòng… – điểm sáng lớn của Đất rừng phương Nam mà nhiều phim Việt không làm được đó là cho các nhân vật phụ một tính cách, một số phận rõ nét để dù xuất hiện ít hay nhiều thì vẫn đáng nhớ.
Nhân vật phụ bác Ba Phi của Trấn Thành không đóng vai trò chủ đạo trong tuyến truyện, đã vậy lại có một cảnh “nói đạo lý” hơi thừa thãi. Điều cứu lại nhân vật này chính là màn độc thoại đanh thép gần cuối phim, giữa bầu không khí hừng hực của lòng yêu nước.
Lucas Luân Nguyễn – nhà phê bình phim trẻ, giảng viên về điện ảnh – nhận định: “Đất rừng phương Nam là một tác phẩm thương mại của điện ảnh Việt Nam sẽ để lại cho hậu thế”.
MC Minh Đức nhận xét: “Phim đẹp và nhạc hay. Còn nội dung thấy hay hay không thì có lẽ sẽ tùy vào trải nghiệm cá nhân về phim ảnh của mỗi người và mức độ gắn bó với bản truyền hình”.
Trên Facebook, nhà văn Nguyễn Đông Thức cũng dành nhiều lời khen cho phim, nhưng lưu ý vai bác Ba Phi của Trấn Thành chỉ ở mức trung bình, hơi cứng và thiếu thoải mái.
Một miền Tây không mộc mạc
Xem Đất rừng phương Nam, ai cũng nhận ra phim đẹp và duy mỹ. Một số cảnh hành động có kỹ xảo chưa hoàn hảo, như trong cảnh đàn cò bay, đom đóm, bầu trời đêm và cảnh giết cá sấu…
Phim không mộc mạc.
Một miền Tây đầy trau chuốt, khi xanh ngắt rừng tràm Trà Sư, khi vàng ruộm (đôi khi lại quá vàng, dù không phải cứ vàng là có được hương xưa), khi lại hơi xám và tối trong những cảnh giao tranh giữa các hội nhóm khởi nghĩa với quân Pháp đô hộ.
Bên cạnh tranh cãi hơn một tháng qua về chuyện trang phục, tạo hình, phim còn có một số lần xử lý chưa mượt mà về tâm lý nhân vật.
Dù Tuấn Trần diễn tốt vai Út Lục Lâm thì tâm lý nhân vật vẫn chuyển biến quá nhanh từ một anh chàng chỉ biết mình thành người sẵn sàng cưu mang một cậu bé xa lạ. Hay hành tung tuyệt mật của một vị thủ lĩnh quan trọng lại dễ dàng tiết lộ cho trẻ con để chúng vô tình lan truyền đến tai người xấu.
Những đoạn thoại đời thường của phim vui và đời, nhưng đôi lúc quá hiện đại, lồng ghép các từ lóng của những năm 2020 này có lẽ để tạo “trend” nên hơi lạc lõng trong bối cảnh xưa.
Các đoạn thoại cao trào rất xúc động, chạm đến lòng yêu nước trong chính trái tim khán giả.
Nhưng vẫn sót một vài câu thoại yêu nước bật ra lúc cảm xúc chưa đong đầy nên còn gượng gạo.
Sự xuất hiện của nhiều hội nhóm, phong trào đấu tranh muốn lật đổ thực dân Pháp ở thời kỳ đó cũng là điểm nhạy cảm đang gây tranh luận trên mạng xã hội. Nhưng phim lấy bối cảnh trước cách mạng, thời còn nhiều rối ren.
Cái tên “Việt Minh” không xuất hiện trong phim mà gần như ngầm hiểu đây là tổ chức chính nghĩa nhất, có lý tưởng cao đẹp, chiến thuật thận trọng nhất và sẽ được tô đậm vai trò trong phần 2 của phim (nếu có).
Phim truyền hình dài tập Đất phương Nam có đủ thời lượng để khắc họa kỹ càng về số phận bi kịch, lầm than của người dân Nam Bộ dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Có những tập, những tình tiết ám ảnh.
Đó là khi những gia đình, con người lương thiện bị hãm hại, ức hiếp, cưỡng hiếp, vu oan, phải tan cửa nát nhà, bỏ xứ mà đi…
Còn trong bản chiếu rạp, một phần do thời lượng hạn chế, một phần vì tính duy mỹ quá mức nên để buồn đến ám ảnh thì chưa. Làm phim là thế. Đôi khi nhà làm phim phải mất rất nhiều công sức chỉ để đổi lấy một cái chạm nhẹ vào trái tim khán giả mà thôi.
“Trên cõi tiên, Nguyễn Quang Sáng chắc hài lòng”
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là con trai của cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Khi Tuổi Trẻ đặt câu hỏi rằng sau khi cha anh và những người cùng thời với ông đã làm nên một thế hệ văn chương miền Nam khó quên trong lòng bạn đọc cả nước thì anh có nghĩ rằng mình và các cộng sự là thế hệ kế thừa, tiếp nối để sáng tác về miền Nam bằng điện ảnh, Nguyễn Quang Dũng trả lời rất khiêm tốn.
Anh nói: “Tôi không đặt nặng quá về vùng miền. Lúc nhỏ, tôi thích văn học phía Bắc vì kịch tính hơn. Đến khi mười mấy tuổi, tôi mới đọc lại hết tác phẩm của ba tôi và yêu thích.
Biết đâu năm sau tôi sẽ làm phim về miền Bắc? Vì miền Bắc trong tôi cũng rất đẹp. Tại sao tôi chọn miền Tây, miền Bắc, vì tôi nghĩ mình có góc nhìn khác mà chưa ai làm”.
Có lẽ, Nguyễn Quang Dũng muốn nhường quyền nhận định về sự tiếp nối thế hệ ấy cho khán giả. Sau khi xem bộ phim tối 13-10, nhà quay phim gạo cội Nguyễn Hữu Tuấn viết lên trang cá nhân: “Đích danh “chủ mưu” phải là đạo diễn Nguyễn Quang Dũng mới hay vậy”.
Ông cảm thán: “Điện ảnh Việt Nam hội nhập rồi sao. Đạo diễn Việt Nam đã bước trên con đường mới rồi sao”. Dưới bài đăng, đạo diễn Xuân Phượng bình luận: “Nghe Tuấn nói mà chị mừng quá. Trên cõi tiên, Nguyễn Quang Sáng chắc hài lòng”.
Tác giả Đất phương Nam nói gì?
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, người thực hiện phim truyền hình kinh điển Đất phương Nam, nói về Đất rừng phương Nam:
“Cứ một phim mới ra đời, tôi lại nghĩ đến hình ảnh người nông dân sàng gạo: những hạt lép rơi xuống, đọng lại trên sàng một ít những hạt đẹp.
Đất rừng phương Nam sẽ nằm trong số những phim ghi dấu chặng đường phát triển của điện ảnh nước nhà”. Ông cho rằng hai bộ phim là ví dụ cụ thể về sự khác biệt giữa ngôn ngữ truyền hình nhiều tập và ngôn ngữ điện ảnh.
Nguyễn Vinh Sơn khen ngợi kịch bản, đường dây An – Út Lục Lâm, các nhân vật ông Tiều và Tư Mắm, cũng như cao trào và chiều sâu của bác Ba Phi, giọng điệu hóm hỉnh để kể về thời bi tráng của đất phương Nam.
Những thế mạnh của điện ảnh như hình ảnh, âm thanh, âm nhạc, bối cảnh hoành tráng được khai thác tối đa, hiệu quả.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed