Trước những ồn ào liên quan đến phim Đất rừng phương Nam, trao đổi với Tin Tức Online chiều 15-10, ông Vi Kiến Thành, cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết điện ảnh là ngành nghệ thuật của đại chúng, ý kiến của dư luận luôn được cục quan tâm và lắng nghe.
Theo ông Vi Kiến Thành, ngày 14-10, hội đồng thẩm định, phân loại phim và một số cơ quan, đơn vị chức năng đã tiến hành thẩm định lại bộ phim Đất rừng phương Nam theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch.
Sau đó, cục mời nhà sản xuất, đoàn phim Đất rừng phương Nam đối thoại, trao đổi một số nội dung liên quan đến bộ phim.
Đất rừng phương Nam không vi phạm Luật Điện ảnh
Cục trưởng Vi Kiến Thành nói ngày 29-9, hội đồng thẩm định, phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình đã thẩm định, phân loại phim Đất rừng phương Nam do Công ty cổ phần phim Thiên Ngân trình thẩm định.
Kết quả 100% thành viên hội đồng thống nhất kết luận phim không vi phạm Luật Điện ảnh và cho phép bộ phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Nói về bộ phim đang gây bão mạng xã hội, ông Vi Kiến Thành đánh giá đây là tác phẩm điện ảnh được xây dựng công phu, với âm hưởng chủ đạo là tinh thần yêu nước, chống phong kiến, đế quốc ở khu vực Nam Bộ.
Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và tác phẩm truyền hình nổi tiếng Đất phương Nam, sản xuất năm 1997 của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn.
Đạo diễn Vinh Sơn cũng là cố vấn cho phim lần này.
Phim Đất rừng phương Nam có biên tập tương đồng với phim truyền hình Đất phương Nam, lấy bối cảnh phim từ những năm 1920-1930, trong khi tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi được xác định là năm 1945.
Ông Thành giải thích phim Đất rừng phương Nam muốn kể chuyện bé An lưu lạc qua nhiều nơi, nhiều môi trường, nhiều bang hội cũng như nhiều nhóm nghĩa quân khác nhau…
Thông qua đó, gợi lên được miền Nam là mảnh đất giao thoa văn hóa của người bản địa Việt Nam và người Khmer, người Hoa.
“Một vùng đất hòa hợp có những dân tộc, văn hóa khác nhau cùng khai hoang và gìn giữ, đấu tranh cho vùng đất này”, ông nói thêm.
Trước những dư luận cho rằng phim Đất rừng phương Nam xuyên tạc lịch sử, cục trưởng Cục Điện ảnh cho hay đây là bộ phim hư cấu, không xác định chính xác thời điểm diễn ra câu chuyện. Phim cũng lấy cảm hứng từ tiểu thuyết chứ không bê y nguyên.
Theo đại diện Cục Điện ảnh, giai đoạn 1920-1930, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào đấu tranh yêu nước còn tổ chức rời rạc.
Sau khi Đảng ra đời, các tổ chức được tập hợp lại và đấu tranh có mục tiêu cụ thể. Định hướng câu chuyện là xây dựng nhân vật Hai Thành – cha của An – cùng hội của ông sẽ là những thành viên gia nhập Việt Minh về sau.
Về những tranh cãi liên quan đến Nghĩa Hòa đoàn và Thiên Địa hội, ông Thành nói phim hoàn toàn không liên quan đến phong trào cùng tên do Chu Hồng Đăng lãnh đạo ở Trung Quốc. Thiên Địa hội cũng như Nghĩa Hòa đoàn chỉ được những người dân yêu nước ở Nam Kỳ lúc đó mượn tên gọi để hoạt động độc lập ở Việt Nam.
Thiên Địa hội và Nghĩa Hòa đoàn thành Nam Hòa đoàn và Chính Nghĩa hội
Dẫu phim không vi phạm luật, trước một số thông tin mang tính liên tưởng, trong cuộc họp và đối thoại chiều 14-10, đại diện nhà sản xuất đã chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa phim.
Phim sẽ bỏ tên và lời thoại “Thiên địa hội” và “Nghĩa hòa đoàn”, thay bằng tên gọi khác không liên quan đến hội nhóm của nước ngoài.
Mục đích nhằm mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho người xem về phim.
Theo đó, phần thoại trong phim sẽ chuyển từ Nghĩa Hòa đoàn thành Nam Hòa đoàn và Thiên Địa hội thành Chính Nghĩa hội.
Sự thay đổi này nhằm tránh sự liên tưởng đến Thiên Địa hội và Nghĩa Hòa đoàn từ thời nhà Thanh Trung Quốc.
Bên cạnh đó, “bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi” sẽ được đưa lên ngay đầu phim.
Cục Điện ảnh cho hay nhà sản xuất, đoàn làm phim sẽ khẩn trương chỉnh sửa những nội dung trên, tránh những liên tưởng không đúng ảnh hưởng đến nội dung phim. Sau khi chỉnh sửa sẽ trình lên Cục Điện ảnh trước khi ra rạp chính thức từ ngày 20-10.
Nói về những điều chỉnh trên, ông Vi Kiến Thành đánh giá: “Đoàn làm phim cũng rất trân trọng, cầu thị và tôn trọng những đóng góp của cộng đồng mạng, từ đó đưa ra hướng giải quyết tốt nhất”.
Trong cuốn biên khảo Giới thiệu Sài Gòn xưa Ấn tượng 300 năm, Tiếp cận với Đồng bằng sông Cửu Long (NXB Trẻ, 2018), trang 51, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Sơn Nam viết:
“Nói xa gần như vậy để thấy rằng các nhóm Thiên Địa hội mang nội dung khác nhau, lắm khi thù địch, thanh toán nhau chí tử.
Riêng về người Việt ở Sài Gòn – Chợ Lớn và phía đồng bằng, có lúc hợp tác với Thiên Địa hội nhưng rồi tách ra, với mục tiêu chống Pháp đa dạng.
Dân gian gọi là Hội kín, từ ngữ này lại khái quát, đến mức Pháp đã gọi “Hội kín Nguyễn An Ninh”, thật ra chẳng dính dấp gì đến Thiên Địa hội của người Hoa cả…
Sau khi Cách mạng Tân Hợi của Tôn Trung Sơn thành công, xem như đã bài trừ xong ách đô hộ của Mãn Thanh thì sứ mạng của Thiên Địa hội Trung Hoa đã chấm dứt…
Những nhóm “cái bang” ở Chợ Lớn chuyển qua nghề thầu sòng bạc, ổ gái điếm mà Pháp dung túng, hoặc hội múa lân, nắm độc quyền về khuân vác lúa, về bắt mối bến xe đò.
Trong khi ấy, những Hội kín của Việt Nam còn tiếp tục chống Pháp, với lòng tin, với bùa phép ở núi Cấm…”.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed