Thật bất ngờ khi lượng người có mặt dự lễ ra mắt một bộ phim lịch sử lại đông đảo đến vậy. Nhà sản xuất và nhà phát hành đã huy động hai phòng chiếu lớn nhất của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia để phục vụ nhưng vẫn không đủ ghế. Nhiều khán giả chấp nhận đứng và ngồi dọc lối đi để theo dõi bộ phim, có khán giả phải ra về vì không còn chỗ.
“Hồng Hà nữ sĩ” xoay quanh cuộc đời nhiều thăng trầm của nhà thơ Đoàn Thị Điểm – nữ sĩ thơ Nôm nổi tiếng thời Lê Trung hưng (thế kỷ 18), tác giả của tập thơ Nôm “Chinh phụ ngâm”. Bà là một phụ nữ xinh đẹp, đoan trang, vừa thông làu kinh sử, vừa giỏi thi ca, viết sách. Từ nhỏ, Đoàn Thị Điểm đã được cha là một ông đồ dạy chữ nên thông thạo về Hán – Nôm và thi ca lễ nhạc. Chính vì điều này mà bà được quan Thượng thư họ Lê nhận làm con nuôi.
Số phận đã sắp đặt cho bà gặp được Tiến sĩ Đặng Trần Côn và cả hai sớm phải lòng nhau do đồng điệu về tâm hồn thơ phú. Tuy nhiên, biến cố xảy ra, bà phải rời phủ Thượng thư về quê chịu tang cha mẹ, anh trai… và ở lại quê nhà để lánh nạn phủ chúa (chúa Trịnh). Ở quê, hàng ngày bà bốc thuốc dạy học nuôi nấng các cháu trưởng thành, đêm đêm bà lại chong đèn làm thơ đọc sách.
Mến mộ nhan sắc và tài năng của Đoàn Thị Điểm, Tiến sĩ Nguyễn Kiều đã tìm về tận quê nhà Hưng Yên để hỏi bà làm vợ. Sống với Nguyễn Kiều chưa được bao lâu thì chồng phải đi sứ, một mình chăm sóc hai con riêng của chồng. Đây cũng chính là quãng thời gian bà có nhiều cơ hội trao đổi thơ phú với Đặng Trần Côn và diễn Nôm truyện thơ “Chinh phụ ngâm” của ông để phổ cập cho người dân đọc. Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm mất ở tuổi 43, khi đang cùng chồng trên đường vào nhậm chức Tri phủ Châu Hoan (Nghệ Tĩnh ngày nay). Bà ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã kịp để lại cho hậu thế nhiều di sản văn chương quý báu.
Quốc Toàn và Anh Đào là hai diễn viên trẻ thủ vai Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Công trong “Hồng Hà nữ sĩ”. Ảnh: NSX
Phim do Nguyễn Đức Việt làm đạo diễn, Nguyễn Thị Hồng Ngát viết kịch bản, với sự tham gia của NSND Lê Khanh, NSND Trung Anh, diễn viên Vĩnh Xương, Anh Đào, Quốc Toàn…
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, từ khi bà đặt bút viết kịch bản “Hồng Hà nữ sĩ” đến khi phim công chiếu ra mắt là tròn 4 năm. Phim sẽ được mang đi tham dự Liên hoan phim Việt Nam 2023 tại Đà Lạt vào tháng 11 tới và công chiếu rộng rãi vào cuối năm nay.
Có thể nói, phải lâu lắm rồi mới có một bộ phim lịch sử về danh nhân được thực hiện khá chỉn chu, trau chuốt về mặt kịch bản. Cảm nhận thấy, nhà thơ, nhà viết kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng là người Hưng Yên (cùng quê với nữ sĩ Đoàn Thị Điểm) nên đã dành khá nhiều tình yêu cho quê hương và vị nữ sĩ tài ba trong kịch bản này. Phim có tiết tấu chậm rãi, các cảnh quay được nắn nót, trang phục được nghiên cứu rất kỹ và diễn viên cũng diễn xuất rất chừng mực. Phim nhẹ nhàng, không có nút thắt nhưng chuyện phim vẫn cuốn hút người xem từ đầu đến cuối.
Nhiều bất ngờ với “Hồng Hà nữ sĩ”
Điều bất ngờ lớn nhất đó là phim tái hiện lại xã hội Việt Nam thời Lê – Trịnh nên đòi hỏi rất cao về bối cảnh. Trong điều kiện hiện nay, khi đâu đâu cũng đô thị hóa, nhà cao tầng mọc lên san sát, đường bê tông thẳng tắp phẳng lì thì việc phục dựng được bối cảnh của Thăng Long thế kỷ 18 là rất khó khăn. Tuy nhiên, ê-kíp làm phim đã vượt qua được thử thách này. Các cảnh quay trong phủ Thượng thư, nhà Tiến sĩ Nguyễn Kiều, Tiến sĩ Đặng Trần Côn… dù có thể chưa lột tả được hết tính lịch sử của giai đoạn đó nhưng cũng không bị bật ra khỏi câu chuyện phim.
Có một số cảnh hơi “sạn” như: cảnh những mảng tường bê tông sơn quét ve màu xanh nhạt ở đầu phim; cảnh Đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn gặp nhau bên những hàng bia trong Văn Miếu (Hưng Yên) nhưng xa xa là một nhà tầng với những khung cửa sổ sơn màu đỏ hiện đại; cảnh người dân họp chợ trong những túp lều tranh ở quê nhưng lại lộ rõ một con đường bê tông dài; cảnh mộ Đoàn Thị Điểm nằm trên gò đất cao vườn đào ở Nhật Tân… Những cảnh này dù hơi “lạc điệu” nhưng người xem cũng phải tinh ý lắm mới nhận ra.
Chia sẻ về điều này, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết: “Thực hiện bộ phim lịch sử về một nhân vật có thật sống cách đây gần 300 năm là thách thức lớn với ê-kíp sản xuất trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, đầu tư về trang phục và bối cảnh rất lớn và vô cùng khó khăn trong tình hình xã hội hôm nay đâu đâu cũng nhà cao tầng và cột điện cao thế. Tuy vậy, ê-kíp đã vượt qua nhiều thách thức để hoàn thành bộ phim một cách trọn vẹn nhất có thể”.
Có một điều rất đáng tiếc đó là kết phim bị hẫng. Nhân vật Đoàn Thị Điểm đang ngồi trên xe ngựa thì bỗng nhiên gục vào vai chồng rồi mất. Chi tiết này hoàn toàn không phù hợp nếu giải thích theo ngôn ngữ của y học. Không người trẻ nào qua đời vì bệnh lí lại nhanh và nhẹ tới mức người bên cạnh không nhận ra. Kể cả sau khi nữ sĩ vừa mất là cảnh ngôi mộ nằm trong vườn đào cũng rất khó hiểu. Nếu không ai đọc lịch sử sẽ không thể hiểu vì sao Đoàn Thị Điểm chết trên đường vào Hoàn Châu nhưng mộ phần lại được an táng ở vườn đào Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội). Nếu đoạn này có một chi tiết dẫn dắt hoặc mang tính lí giải sẽ hợp lý hơn.
Trailer phim “Hồng Hà nữ sĩ”. Video: NSX
Diễn viên chính của “Hồng Hà nữ sĩ” đều là lính mới của điện ảnh
Về phần diễn xuất, hai diễn viên chính đóng vai Đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn đều là “lính mới” của điện ảnh nhưng cũng đã rất nỗ lực để tròn vai. Người thủ vai nữ sĩ Đoàn Thị Điểm là diễn viên Anh Đào sinh năm 1996. Cô từng được biết đến qua các phim truyền hình “Đấu trí”, “Lối về miền hoa” nhưng chưa từng tham gia phim điện ảnh nào.
Ưu điểm của cô là gương mặt thanh tú, đài các, ánh mắt có hồn, nụ cười rất đẹp, nét diễn hồn nhiên… nhưng hơi thiếu kỹ thuật và kinh nghiệm diễn xuất. Những cảnh nặng về nội tâm, Anh Đào vẫn chưa lột tả được hết tâm trạng của nhân vật qua những biểu cảm trên khuôn mặt.
Trong khi đó, người thủ vai Đặng Trần Côn là diễn viên trẻ Quốc Toàn thì từng đảm nhận vai chính trong phim “Thành phố ngủ gật” của đạo diễn Lương Đình Dũng. So với Anh Đào, Quốc Toàn diễn xuất tự tin và có kinh nghiệm hơn nhưng đài từ vẫn chưa ổn. Cảm giác như giọng của Quốc Toàn hơi trẻ so với tạo hình trên phim. Được biết, để nhận được cái gật đầu của đạo diễn Nguyễn Đức Việt, Quốc Toàn phải casting tới 10 lần trong suốt 2 năm.
Nam diễn viên cho biết, lần nào anh cũng chọn duy nhất một trích đoạn khó trong phim để casting và không nản chí khi nhận cái lắc đầu tới lần thứ 10 của đạo diễn Nguyễn Đức Việt. Phải đến sát ngày bấm máy Quốc Toàn mới được thông báo nhận vai Đặng Trần Côn.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet